Thứ hai, 16/3/2020, 20:37 (GMT+7)

Nhật ký cách ly bằng tranh của nữ sinh về từ Hàn Quốc

Hảo (19 tuổi, Tuyên Quang) không thể quên tiếng kẻng báo thức mỗi sáng, ổ bánh mỳ khô khốc hay giọt nước mắt của một bác sĩ... trong thời gian cách ly. 

Phạm Hảo là du học sinh tại Seoul, Hàn Quốc. Khi Covid-19 bùng phát, cô sắp xếp việc học tập và trở về nước ngày 28/2. Xuống sân bay, Hảo được đưa đến khu cách ly tại Trung tâm Bồi dưỡng Quốc phòng An ninh, Trung đoàn Bộ binh 971, Bộ Chỉ huy quân sự Đà Nẵng.

Thời gian ở trong khu cách ly, Hảo chụp lại những khoảnh khắc đáng nhớ, sau đó vẽ lên giấy. Từ chuyện các y bác sĩ, chú bộ đội đến chiếc bánh mỳ, gói mỳ tôm... đều được Hảo khắc họa trên cuốn nhật ký.

Mở đầu cuốn nhật ký, cô viết:

Mọi người ở đây, chẳng ai ngờ được chúng ta sẽ gặp nhau trong hoàn cảnh này.

Một chút lo sợ bị nhiễm bệnh, một chút bồi hồi vì trở về quê hương.

Đối với tớ, 14 ngày được sống với cái nắng gắt gỏng ở Đà Nẵng là 14 ngày yên bình nhất từ trước đến giờ.

Hảo tường thuật nhịp sống diễn ra đều đặn ở khu cách ly. Từng chi tiết được cô gái trẻ miêu tả bằng cái nhìn lạc quan dù sống giữa dịch bệnh căng thẳng. 

Cô bạn viết: "5h sáng mỗi ngày lại nghe thấy tiếng kẻng báo thức, tiếng radio vang khắp khu cách ly. Là mỗi sáng xịt khử trùng mà như chạy giặc, cùng nhau đoán xem bữa sáng, trưa, tối có gì. Là Đà Nẵng đã luyện một đứa sợ ăn cá như tớ được ăn đầy đủ món này hai bữa sáng tối không sót bữa nào. Cơm ngon, đầy ăm ắp nhưng nhiều quá... ". 

Cuộc sống cách ly cũng lắm lúc thiếu thốn đủ bề. Hảo kể có hôm chỗ ở mất nước, cô phải vào nhà tắm nam xách nước lên phòng. Wifi thì chập chờn, cứ khoảng 6h chiều mọi người lại kéo nhau đi bắt ké "wifi chùa". Mọi người làm quen, nói chuyện với nhau phải giữ khoảng cách... Câu chuyện và những cuộc làm quen cứ thế diễn ra sau lớp khẩu trang mà chẳng biết rõ mặt nhau. 

"Tớ sẽ chẳng quên được đâu, Đà Nẵng trong tim tớ. Đẹp nhẹ nhàng mà chân thành biết bao. Cảm ơn và xin lỗi nơi này vì tất cả. Cầu mong mọi người ở đây luôn hạnh phúc, bình an". 

Trở về nhà sau 14 ngày cách ly, Phạm Hảo vẫn bật cười khi nhớ lại. "Quãng thời gian ở trong khu cách ly thực sự rất đẹp, rất ý nghĩa mà mình không bao giờ quên. Thời gian đó, cứ khi rảnh rỗi mình lại chụp những khoảnh khắc bình dị nhất ở nơi đây rồi vẽ lại", cô bạn nói. 

Theo lời Hảo, do xuất phát từ tình cảm của bản thân nên không có quá nhiều khó khăn để thực hiện. 

Phạm Hảo.

Hảo nhớ nhất đến bó hoa quấn lại bằng băng dính hai mặt, nhận được từ "chú khủng long diệt khuẩn" - biệt danh cô đặt cho chú bộ đội thường xuyên đi phun thuốc sát khuẩn trong khu quân sự. Cô còn nhớ đến lần đang ngồi nghêu ngao hát trong phòng thì các anh chị bác sĩ bước vào. "Đó là một bản nhạc buồn. Không hiểu sao một anh bác sĩ khi nghe nó lại chạy ra ngoài. Anh kể, bài hát cảm xúc quá nên anh không muốn để mọi người thấy mình khóc... Và đó cũng là lần đầu tiên mình khiến một người khác rơi nước mắt vì điều như thế...". 

"Với mình, mọi người ở đây rất chân thành và giàu tình cảm. Trong khu cách ly chưa bao giờ có khoảng cách, mọi người sống với nhau như một gia đình", Hảo xúc động nói.

Kết thúc 14 ngày cách ly, Hảo gửi tặng cuốn nhật ký lại cho các chú bộ đội như một lời cảm ơn trong quãng thời gian đáng nhớ. 

Nữ sinh viết: "14 ngày vừa qua đối với con là cả sự biết ơn rất lớn. Con thương các bác, cô, chú đã vất vả vì tụi con quá nhiều... Con hy vọng những bức vẽ này sẽ được đưa đến tay của mọi người, cùng xem đó là kỷ niệm đẹp... Con mong có thể được gặp lại mọi người một lần nữa, lúc con đã trưởng thành hơn khi đi du học về... Mong mọi người vẫn ở đây, khỏe mạnh, yêu Tổ quốc như ngày hôm nay".

Thúy Quỳnh