Thứ bảy, 24/11/2018, 16:20 (GMT+7)

'Phù thủy' 9x dành cả thanh xuân bới rác làm đồ handmade

Từ chai lọ, gỗ vụn, que kem... Nguyễn Quang Huy (1996) biến chúng thành máy bay, tàu thủy... kiếm hàng chục triệu đồng mỗi tháng.

Huy, cựu sinh viên khoa Thiết kế Đồ họa, Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, hẹn gặp tôi tại nơi làm việc - xưởng sản xuất đồ thủ công và cũng là nơi sinh hoạt của Huy. Căn phòng không quá rộng, ngổn ngang với nhiều chai, lọ thủy tinh đủ kích cỡ mà anh mất công tìm mua ở các bãi phế thải.

Nguyễn Quang Huy đang hoàn thiện mô hình làm từ những món đồ chơi cũ.

Khi được hỏi về ý tưởng sử dụng phế liệu trong các sản phẩm, Huy vừa sắp xếp lại vài chai lọ chưa dùng đến vừa kể, do nhà không có điều kiện nên từ nhỏ anh hay mày mò gom lại những món đồ chơi cũ lắp ráp rồi "đổi chác" với đám bạn. Dần dần trở thành thói quen của chàng trai 9x. Từ năm nhất đại học, anh đã lang thang trên đường, mò mẫm hàng giờ tại các điểm thu mua phế liệu trên phố Đê La Thành, Phúc Lai... Huy vẫn thường đùa rằng mình "dành cả thanh xuân ở nhà và bãi rác".

Với Quang Huy, việc sử dụng phế liệu để hoàn thành một sản phẩm handmade khá đơn giản, chỉ cần sự khéo léo và thời gian để hoàn thành. Khi được hỏi về yêu cầu trong việc chọn lựa các vật liệu, Huy kể, phần lớn vật liệu anh chọn là thủy tinh, gỗ và mô hình đồ chơi bị bỏ đi. Trước khi tìm mua vật liệu anh không có bất kì ý tưởng nào hay thậm chí vẫn mua dù chưa biết sử dụng ra sao. Khoảng thời gian đầu khi chưa được biết đến rộng rãi, hàng chưa bán được, đống phế liệu chất đống, Huy chỉ muốn bỏ cuộc.

Trong xưởng làm việc của Huy, thu hút hơn cả là những sản phẩm handmade có tính thẩm mỹ cao, nếu không giới thiệu thì khó mà biết được anh tạo ra chúng từ chai, lọ, bóng đèn phế liệu.

Những thứ được tạo ra từ phế liệu.

"Mới đầu mình chỉ làm những thứ đơn giản như móc chìa khóa, nhân vật bằng que gỗ... để tặng bạn bè. Sau đó mình nghĩ tại sao không thể kiếm tiền từ những thứ mình muốn làm". Và xưởng handmade làm từ phế liệu của chàng trai Bắc Ninh ra đời.

Thông thường, nếu không có lịch hẹn gặp khách hàng ở ngoài, Huy dành nhiều thời gian ở nhà tỉ mẩn để "hô biến" những thứ tưởng chừng bỏ đi thành đồ trang trí độc đáo. Ngày càng nhiều người làm đồ handmade nhưng với cá nhân anh, một anh chàng học mỹ thuật Huy luôn cố gắng tạo sự riêng biệt vào mỗi sản phẩm. Những chiếc thuyền trong chai hay bể cá bóng đèn, máy bay B52 hay tàu Ngọc Trai Đen, tàu Titanic làm từ que kem giúp anh chàng kiếm thêm thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi tháng.

"Lúc mới đầu, để hoàn thiện một sản phẩm thuyền buồm trong chai hay bóng đèn, mình mất khá nhiều thời gian, thường là một ngày mới xong. Nhưng giờ quen tay rồi thì chỉ mất khoảng 5 – 10 phút. Công việc này đòi hỏi tính kiên nhẫn. Có một số bạn trẻ đã đến học nhưng họ không đủ kiên nhẫn cũng như sự tỉ mỉ để đáp ứng công việc", Quang Huy chia sẻ.

Huy với một tác phẩm khó.

Huy khá trầm tính và kiệm lời. Anh kể, trước đây vướng phải chuyện gia đình, anh đã có khoảng thời dài bị trầm cảm. Anh tự nhốt mình trong phòng hàng giờ mỗi ngày để mày mò sữa chữa, lắp ráp các mô hình đồ chơi. Đến khi tự mình bắt tay làm và kinh doanh đồ handmade, anh sống tích cực và mở lòng hơn với mọi người.

Để có được thu nhập và nguồn khách hàng ổn định như hiện tại chàng trai 9x phải tự mình trải qua nhiều khó khăn. Vào những năm cuối đại học, khi mà bạn bè lựa chọn những công việc ổn định thì Huy vẫn lang thang đi nhặt đồ phế liệu. Những ngày đầu khởi nghiệp, Huy gặp trở ngại khi gia đình không ủng hộ anh theo con đường này. "Gia đình cho đó là việc làm ngớ ngẩn, mất thời gian và sẽ ảnh hưởng đến việc học. Nhưng tôi vẫn âm thầm làm đến cùng, dù họ có ngăn cản và thu nhập những ngày mới bắt đầu rất ít", anh kể.

Sản phẩm của Huy được chế tạo từ những dụng cụ rất đơn giản.

Sau những tháng ngày lang thang ở bãi rác và cặm cụi lắp ghép những thứ đầu thừa đuôi thẹo, Huy bây giờ đã có thêm rất nhiều khách hàng lớn với những đơn hàng thường xuyên. Bên cạnh đó, chàng trai 9x cũng đạt được một số giải thưởng như giải Nhất cuộc thi "Sáng tác sản phẩm lưu niệm - thủ công chủ đề Hoàng Sa - Trường Sa, biển đảo Việt Nam; giải Nhất cuộc thi "Thiết kế sản phẩm thủ công sáng tạo" do đại sứ quán Mỹ tổ chức...

Khi hỏi về tương lai, Huy dự định tiếp tục học cao học chuyên ngành thiết kế đồ họa và mong muốn có thể quảng bá rộng hơn những sản phẩm của mình đến với du khách trong và ngoài nước.

Hồng Ngọc