Thứ tư, 20/11/2019, 09:00 (GMT+7)

Thầy giáo vùng cao: 'Nhiều lần ức phát khóc vì bị phụ huynh đuổi'

7h30 sáng vào học, từ 6h, Đoàn Văn Hồng đã đi bộ vào các bản 'bắt trò' và thường xuyên bị phụ huynh lắc đầu nói 'chi pâu, chi pâu' để xua đuổi.

Cách thành phố Điện Biên chừng 100km, tại bản Há Là Chủ, xã Hừa Ngài, huyện Mường Chà, trường Phổ thông dân tộc bán trú Hừa Ngài nằm khuất sau những dãy núi với độ cao cách mặt nước biển chừng 700 m. Đoàn Văn Hồng - 23 tuổi - đã dạy học ở nơi có 542 học sinh người H'Mông này từ 4/2018.

Hồng sinh ra, lớn lên ở Ninh Bình - đi học ở Cao đẳng Sư phạm Cà Mau và bây giờ sống ở nơi cách bố mẹ và em gái anh chừng 500 km. Chàng trai trẻ đến với vùng cao Điện Biên sau khi vượt qua cuộc thi tuyển viên chức tại các tỉnh Tây Bắc - một nỗ lực trong tuyệt vọng nhằm theo đuổi giấc mơ làm thầy giáo, đúng với ngành học của mình.

Nhưng dạy học ở Mường Chà không giống như tưởng tượng của Hồng về công việc của một thầy giáo.

"Chi pâu! Chi pâu!"

5 tháng sau khi nhận việc, tháng 9/2018, Hồng được phân làm giáo viên chủ nhiệm lớp 4A2, có 29 học sinh.

Cũng như dưới xuôi, lớp học của thầy giáo trẻ bắt đầu từ 7h30, bằng việc điểm danh. Danh sách vắng học sinh nhiều khi còn dài hơn cả số có mặt. "Phần lớn các em trốn học hoặc bị bố mẹ bắt ở nhà để đi nương", Hồng giải thích. Vì vậy, lớp học vắng ít hay nhiều phụ thuộc vào kết quả của một quá trình 'bắt trò', diễn ra từ một tiếng rưỡi trước đó.

6 giờ sáng hàng ngày, thầy giáo trẻ đã lội bộ đến các bản gần trường (chừng 3km) để gọi các em đi học, bất kể nắng mưa, nóng lạnh. "Đi sớm mới dễ 'bắt' học sinh, chứ đi muộn trùng giờ lên lớp, với lại các em dễ trốn đi chơi".

Ngày mới thành thầy giáo, công việc như cách Hồng hình dung là sáng lên lớp dạy học, tối về soạn giáo án; nhưng khi đã lên vùng cao, cậu mới nhận ra có những buổi không có học sinh đến trường, giáo án đã soạn không biết dạy cho ai... Và việc vận động các gia đình cho con em đi học là chuyện không hề dễ dàng.

"Ở dưới xuôi cứ nghĩ có cơm ăn là được rồi, nhưng mọi người trên này làm gì có cơm mà ăn. Một bát gạo họ đổ đến 3 - 4 bát nước rồi ăn kèm rau, bà con ở đây ăn vậy đấy".

Từng nhìn thấy cảnh đói khổ của bà con vùng cao qua báo chí, nhưng khi tận mắt chứng kiến, Hồng mới biết, thực tế khắc nghiệt hơn. Có những gia đình cả bố lẫn mẹ đều đi làm thuê tận Trung Quốc, các em ở nhà với ông bà, cơm không đủ ăn, quần áo chẳng có mặc; những căn nhà được dựng lên từ vài tấm gỗ, trẻ em được khuyến khích đi chăn trâu thay vì đến trường...

Không "bắt" được học sinh buổi sáng, sau giờ học (khoảng 5 giờ chiều) thầy Hồng lại chạy xe máy chừng 15 - 20 km đường đồi núi để tìm đến nhà học sinh. 9 giờ tối, anh mới từ các bản trở về trường.

Nhiều em thấy xe máy của thầy giáo là trốn biệt nên anh phải dựng xe ở đầu bản rồi đi bộ vào từng nhà. "Mỗi nhà cách nhau cả một quả đồi, mà tên gọi học sinh theo tiếng H'Mông khác với tiếng Kinh, nhiều lần đi tìm học sinh theo tên, hỏi không ai hiểu", thầy giáo trẻ nhớ lại.

Ngày nắng còn đỡ chứ ngày mưa, đường trơn tuột, nước chảy như thác, Hồng xắn quần đến ngang đùi, men theo con đường đất chỉ rộng chừng 30 cm, rồi băng qua nương để đến nhà học sinh. Vận động, thuyết phục hết cách, nhưng Hồng thường xuyên nhận được cái lắc đầu, xua tay cùng câu nói "chi-pâu, chi pâu" (nghĩa là: Về đi, về đi).

Nhiều lần bị phụ huynh đuổi, Hồng ức đến phát khóc, thậm chí đã có suy nghĩ bỏ trốn về xuôi. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, tiếc công sức đi hàng chục km để đến nhà học sinh, tiếc cho các em nếu không biết chữ... nên dù bị đuổi về, Hồng vẫn một mực thuyết phục, vẫn nhất quyết 'đi về trường phải có học sinh trên xe'.

Đường đồi gập ghềnh, nhưng chặng về bao giờ cũng vui hơn chặng đi, nếu 'bắt' được trò. Không biết bao lần xe hỏng, thầy dắt, trò thở phì phò đẩy  phía sau. Cũng nhiều bận, ngã dúi dụi, thầy lẫn trò mặt mũi lấm lem, quần áo phủ đầy bùn đất. Nhưng mà vẫn vui.

'Can tù mùng cẩn tớ!'

"Can tù mùng cẩn tớ - Ngày mai đi học nhé" là câu cửa miệng của thầy Hồng với học sinh và phụ huynh. Thầy giáo trẻ nói: "Trong tiếng H'Mông, mình thích nhất câu nói 'Can tù mùng cẩn tớ' vì đó là câu nói giúp tương lai của các em tươi sáng hơn".

"Chị không biết chứ mỗi ngày lên lớp là một ngày lo: Không biết ngày mai có em nào nghỉ học hay không? Không biết sáng mai phải đi đến bản nào? Ngày nào học sinh đi học đủ, mình hạnh phúc ra mặt", Hồng tâm sự.

Là trường bán trú, cuối tuần học sinh được về nhà. Mỗi lần học sinh về là một lần thầy Hồng lo chúng... ở nhà luôn. Nhiều lần, thầy giáo trẻ xin nhà trường cho học sinh ở lại cuối tuần để thầy rèn tác phong, quen với môi trường học, tránh chuyện về nhà rồi không muốn đến lớp.

Chưa lập gia đình, Hồng ở lại ngay trong khu ở dành cho giáo viên. Ngày lên lớp, tối cho các em ôn bài, rồi nhắc nhở học sinh ăn uống, sinh hoạt điều độ. Thời gian đầu anh còn ngại khi phải tắm cho trò, lóng ngóng trong việc chăm sóc bữa ăn, giấc ngủ cho chúng. Nhưng làm nhiều thì quen, nhìn gương mặt nhem nhuốc của các em, anh cứ xắn tay vào làm.

Càng dạy, càng ở cùng, Hồng lại càng thương các em, thương những ánh mắt ngây thơ, những nụ cười hồn nhiên vì được học chữ, vì bữa cơm có thịt. 

Nhìn bạn bè dưới xuôi được đi du lịch, được ở gần bố mẹ, Hồng tủi thân, chạnh lòng vì cuộc sống của mình chỉ quanh quẩn: Dạy - quản học sinh -vận động phụ huynh - ăn - ngủ. Lịch trình sinh hoạt trong tuần kín mít nhưng Hồng tự an ủi: Công sức mình bỏ ra là xứng đáng vì đã mang chữ đến với trẻ em vùng cao.

Giờ đây, những con đường đèo uốn lượn hàng chục cây số, những con dốc đầy đá sỏi, bùn đất để đến nhà học sinh không làm khó được thầy giáo miền xuôi. "Ngày nào các em còn chưa đến lớp thì mình còn đi, đi đến khi nào các em biết đến trường là để học chữ, để giúp gia đình thoát nghèo mình mới dừng lại".

- Thầy sẽ gắn bó với Điện Biên đến khi nào? Một năm hay hai năm nữa?
- Mình cũng không biết nữa, có thể vài năm hoặc lâu hơn nữa. 

Thúy Quỳnh - Huyền Vũ