Thứ năm, 4/7/2019, 09:35 (GMT+7)

Chàng trai chi 100 triệu đồng đi Mông Cổ chụp ảnh săn nuôi đại bàng

Những bức ảnh Hoàng Tuấn thực hiện trong chuyến hành trình nhằm phục vụ cho bài thi tốt nghiệp và gây được ấn tượng. 

Nguyễn Hoàng Tuấn - tân cử nhân ngành Nhiếp ảnh Báo chí, ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội - có chuyến đi đáng nhớ sang Mông Cổ. Từ lâu, 9x ấp ủ được trải nghiệm cuộc sống nuôi đại bàng 4.000 của người Kazakh. Họ sống không điện, không nước máy sinh hoạt, du mục, tách biệt với xã hội phát triển. Chuyến đi vừa để thực hiện ước mơ lâu nay, vừa kết hợp chụp bộ ảnh tốt nghiệp.

Nguyễn Hoàng Tuấn - chủ nhân bộ ảnh Người Kazakh và Đại bàng.

Để ra trường, Hoàng Tuấn chọn đề tài săn nuôi đại bàng của người Kazakh. Chuyến đi kéo dài 14 ngày, phải vượt quãng đường 8000 km, tốn gần 100 triệu đồng. Tuấn và một người bạn nữa đã lên lịch trước 3 tháng và bắt đầu hành trình vào tháng 3/2019.

Đặt chân đến vùng đất của người Kazakh (Mông Cổ), việc đầu tiên Hoàng Tuấn làm là đi tìm các gia đình sống du mục, săn nuôi. Công cuộc chọn nhân vật khá vất vả vì phải đến từng gia đình để tìm hiểu, mỗi nơi lại cách nhau 3-4 km. Tuấn trò chuyện với hai gia đình khác trước khi gặp được anh Bazarbai Matei. Khi ngỏ ý muốn chụp bộ ảnh về hoạt động huấn luyện đại bàng, anh Matei lập tức đồng ý.

Matei là một người huấn luyện đại bàng đi săn, từng đoạt nhiều huy chương, giải thưởng tầm cỡ châu lục, thế giới. Bởi vậy, việc chụp hình không gặp nhiều khó khăn. Để ghi lại trọn bộ hoạt động, Hoàng Tuấn phải theo sát hai cha con anh Matei, thậm chí xin ngủ lại và ăn cơm cùng gia đình. 

Người huấn luyện đại bàng Bazarbai Matei.
"Anh Matei tự nhiên lắm. Anh rất thích đồ công nghệ. Cứ thấy có điện thoại, máy ảnh... tới, anh đều tỏ ra hứng thú. Mỗi lần chụp xong, về nhà ăn cơm anh ấy cũng xem lại. Cuộc sống ở đây không dùng đến những thiết bị điện tử nên khi thấy những đồ dùng như vậy, họ vô cùng thích thú", Hoàng Tuấn nói.

Đi cùng Tuấn có một người bạn Mông Cổ, sống ở Việt Nam 4 năm để giúp đỡ trong quá trình giao tiếp. Dù đã lên phương án chuẩn bị nhưng tới nơi, họ vẫn gặp rào cản về ngôn ngữ.

"Kazakh thuộc dân tộc thiểu số ở Mông Cổ nên họ không biết tiếng phổ thông. Bạn mình phải nghe rồi hình dung ra, sau đó trao đổi lại. Thêm nữa, tiếng Việt của bạn cũng không quá tốt. Đa số chúng mình phải giao tiếp bằng cử chỉ, hành động", Hoàng Tuấn chia sẻ.

Sự khác biệt về văn hóa, sinh hoạt cũng khiến Hoàng Tuấn khó thích nghi. Tuấn kể: "Ví dụ thịt một con cừu, họ chỉ chặt một phát là bay luôn cái đầu. Sau đó lột da để may quần áo còn thịt chặt từng tảng cho vào nồi nước, thả thêm mấy hạt muối nên mình không ăn được. Bên đấy họ cũng không ăn rau". Do trước khi đi lo không hợp đồ ăn, Tuấn đã chuẩn bị một va li mì tôm, ruốc, đồ hộp... 

Chuyến đi có khó khăn nhưng đọng lại trong Tuấn nhiều kỷ niệm. Anh chàng nhớ lại: "Khó quên nhất là ngủ trong lều của người Kazakh, do không biết cách đốt lửa để sưởi nên suýt thành 'thịt hun khói'. Buổi đêm trời rất lạnh, khoảng -20 đến -30 độ C. Mình để chai nước đầu giường, sáng dậy nó đóng băng luôn. Chưa kể bên đó thiếu thốn nhà vệ sinh. Ai cũng phải đi lộ thiên, mà ngoài trời lại lạnh nên rất ngại...".

Nhưng kết quả có được khiến Tuấn cảm thấy hài lòng, xứng đáng. Tuấn chụp đề tài huấn luyện đại bàng, đặt tên là Người Kazakh và Đại bàng. Còn người bạn đi cùng chụp bộ tộc nuôi tuần lộc. "Bạn của mình được thủ khoa đầu ra, còn mình chỉ được á khoa thôi", chàng trai gốc Sơn La nói.

Tuấn sinh năm 1993 nhưng bị đình chỉ học một năm. Cùng năm ấy, trường mở một lớp mới - Nhiếp ảnh Báo chí nên anh chàng quyết định thi lại. Đó cũng là lý do 9x phải học đại học 7 năm mới được ra trường. Tuấn cảm thấy tự hào vì tháng 6 vừa rồi là một trong những sinh viên đầu tiên tốt nghiệp chuyên ngành này. 

Tuấn cho biết, nếu sau này có đủ điều kiện kinh tế sẽ tiếp tục làm những phóng sự ảnh tương tự.

Thúy Anh
Ảnh: Nguyễn Hoàng Tuấn