Thứ hai, 1/10/2018, 00:00 (GMT+7)

Cô gái 9x Hà thành khởi nghiệp bằng tranh dân gian trên mẹt

Từ xưa đến nay, tranh dân gian thường được vẽ trên giấy dó, lụa, vải, còn những chiếc mặt nạ truyền thống được khắc họa trên mẹt tre. Vậy đem tranh dân gian khắc lên mẹt tre sẽ đem lại điều bất ngờ gì?

Đó chính là ý tưởng của cô bạn trẻ Nguyễn Ngọc Diệp (1993, Hà Nội), người đã dám khởi nghiệp bằng việc đem dòng tranh dân gian Đông Hồ, tranh Hàng Trống truyền thống vẽ trên chiếc mẹt tre, để tạo nên những tác phẩm nghệ thuật tinh xảo, độc đáo.

Vào nghề vì khó chịu với sự... cẩu thả

Có những người đến với nghề vì sự đam mê, yêu thích, cũng có người vì nghề chọn mình rồi dần dần muốn chung sống với nó, nhưng đối với Nguyễn Ngọc Diệp đó còn là sự khó chịu khi nhìn những nét vẽ cẩu thả, của người khác.

Ngọc Diệp bên các sản phẩm của mình.

Chia sẻ với iOne, Ngọc Diệp cho biết: “Ngoài sự đam mê, yêu thích vẽ từ ngày còn bé, mình theo đuổi nghề vẽ tranh mẹt này một phần cũng là do tự bản thân cảm thấy hiện nay rất nhiều người vẽ tranh phong cảnh, mặt nạ trên mẹt tre cẩu thả quá. Chỉ cần nhìn thôi cũng cảm thấy khó chịu, bởi vậy mình cũng quyết định theo nghề để chứng minh cho mọi người thấy như thế nào là một tác phẩm tranh mẹt chất lượng".

Đối với cô gái trẻ Ngọc Diệp, một tác phẩm được tạo nên không phải chỉ làm hài lòng khách hàng, vừa mắt người vẽ mà chúng còn phải tôn trọng người xem, do vậy mà sự chỉn chu, tỉ mỉ đến từng chi tiết, từng nét vẽ.

Nhắc đến ý tưởng cho ra đời những tác phẩm tranh dân gian trên mẹt, Ngọc Diệp nhớ lại, ban đầu, một người bạn nhờ Diệp vẽ một đôi gà trống Đông Hồ lên mẹt vào dịp tết Đinh Dậu 2017, sau khi hoàn thành Diệp khoe trên facebook. Cô gái không thể ngờ bức hình đó đã khiến nhiều người vào khen và đặt hàng.

Trước khi quyết định theo nghề tranh mẹt dân gian, Ngọc Diệp tìm hiểu thì mới phát hiện trên thị trường đã có mặt nạ mẹt nhưng nét vẽ thô, chưa có hồn. Còn dòng tranh dân gian truyền thống thì chưa hề có, nghĩ là làm, cô gái trẻ Hà thành quyết định bắt tay vào thực hiện.

Đam mê tranh dân gian và “có khả năng sao chép thiên bẩm”

Nhắc đến “khả năng sao chép thiên bẩm” của mình, Ngọc Diệp vui vẻ chia sẻ: “Từ ngày bé mình đã rất thích vẽ, nhưng chỉ đơn giản là sao chép lại các nhân vật yêu thích từ truyện tranh lên trên giấy, mà ngày ấy vẽ lại giống lắm".

Tuy nhiên, cái nghề vẽ tranh dân gian lên trên mẹt đâu phải đơn giản là việc sao chép từ bản giấy lên trên mẹt, nữ họa sĩ trẻ cũng phải tìm hiểu, mày mò, nghiên cứu các nét vẽ để làm sao có được những tác phẩm tranh đẹp, ưng ý mà vẫn mang phong cách riêng của người vẽ.

Tranh mẹt
 
 

“Ngày trước có một khách yêu cầu vẽ tranh dân gian trên mẹt theo bộ 12 con giáp của người Việt, nhưng cả tranh Đông Hồ lẫn tranh Hàng Trống đều không đủ 12 con giáp riêng biệt. Lúc ấy mình lại phải nhặt các con vật từ nhiều bức tranh khác ra như: nhặt con ngựa trong bức Hưng Đạo Vương, nhặt con trâu trong bức Mục đồng thổi sáo, nhưng vẫn phải tham khảo thêm ở các bức tranh khác, thậm chí còn phải tham khảo bộ 12 con giáp của Trung Quốc. Sau đó sáng tạo thêm và góp nhặt những thứ mình có để tạo nên những tác phẩm đậm chất dân gian lên trên mẹt tre" - Ngọc Diệp nói thêm.

Cũng bởi vậy, vẽ tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống trên mẹt đâu chỉ là sự sao chép từ bản gốc thành các bản sao, đó còn là sự tìm tòi, nghiên cứu và sáng tạo để làm nên những tác phẩm dân gian đầy ấn tượng.

Cho đến nay các tác phẩm tranh dân gian trên mẹt của Ngọc Diệp ngày càng đa dạng hơn, ước tính cũng phải đến hơn 30 mẫu vẽ như: bộ tranh 12 con giáp, Mục đồng thổi sáo, Bộ tranh tố nữ, Hội làng, Đám cưới chuột, Đàn lợn, Ông nghè....

Khởi nghiệp trái ngành để theo đuổi đam mê

Một số tác phẩm của Ngọc Diệp.

Tốt nghiệp khoa Kinh tế, Đại học Kinh Tế (thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội), từng đi làm tại một số công ty nhưng cảm thấy không phù hợp, hứng thú mà lại quá nhàm chán nên cô gái trẻ Nguyễn Ngọc Diệp đã quyết định theo đuổi đam mê.

Được gia đình ủng hộ rất lớn về tinh thần để theo đuổi công việc yêu thích, nhưng khi quyết định khởi nghiệp trái nghề, đã không ít lần Ngọc Diệp gặp phải những lời bàn tán, góp ý của mọi người xung quanh: “Con gái thì tìm việc làm ổn định rồi lấy chồng đi, tự dưng lại vẽ vời làm gì”.

Trong giai đoạn đầu khi mới bắt tay vào công việc, đơn hàng ít, có những tháng tính gộp cả vốn cả lãi mới thu về được 1 triệu đồng. Nhưng bằng sự nỗ lực, quyết tâm đến giờ đây những tác phẩm tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống đã được nhiều khách hàng trong và ngoài nước biết đến và đặt hàng. Mức thu nhập bình quân của Diệp cũng tăng lên rất nhiều.

Bắt tay vào làm nghề cũng được hai năm, có những tháng cao điểm cô nàng bán được cả trăm mẹt tranh, với nhiều kích cỡ khác nhau từ 20cm - 75 cm. Mức giá thành mỗi mẹt dao động từ 50.000 - 300.000 đồng, còn đối với những bức tranh nhiều chi tiết, yêu cầu cao thì sẽ đắt hơn.

Cùng với sự phát triển của dòng tranh dân gian truyền thống trên mẹt, Ngọc Diệp luôn hy vọng mỗi tác phẩm mình tạo ra sẽ có thể gửi gắm những nét truyền thống, mang đậm bản sắc dân tộc đến với nhiều người Việt và bạn bè quốc tế.

Thúy Quỳnh