Thứ năm, 28/3/2019, 00:00 (GMT+7)

'Người mẹ' của những học sinh nhiễm 'H'

"Học sinh bình thường thì đầy ra sao cô cứ phải dạy những đứa sắp chết? Cô không biết sợ à?... nghe những lời như vậy thực sự đau đến nhói lòng".

Cô Phùng Thị Thúy Hà, giáo viên dạy các học sinh bị nhiễm HIV tại trường Tiểu học Yên Bài B (Ba Vì, Hà Nội) nghẹn lời chia sẻ với iOne.

Với nhiều người, HIV/AIDS vẫn là một điều quá khủng khiếp, đến mức họ sẽ không thể tự tin tiếp xúc với những người mắc bệnh. Thành kiến vẫn còn nên những đứa trẻ lây chéo từ bố mẹ hay vì một nguyên do nào đó... vẫn trở thành nạn nhân của những lời đàm tiếu. Nhưng cô giáo Phùng Thị Thúy Hà (SN 1975, Ba Vì - Hà Nội) là người đang dạy dỗ, chơi đùa với các em nhiễm H tại Tiểu học Yên Bài B hơn 2 năm qua.

Cô Phùng Thị Thu Hà.

"Tôi không lo sợ hay e ngại gì vì các con đều là những học sinh bình thường như bao đứa trẻ khác, ngày ngày được đến lớp nghe cô giảng bài", cô Hà chia sẻ. 

Tuy nhiên, chính cô Hà cũng từng trải qua những tình huống khá nguy hiểm. 

"Có một lần do sơ ý, tôi bị đứt tay nhưng chưa kịp băng lại, sau giờ dạy, tôi rửa tay tại chậu nước ở trong lớp, khi nhìn xuống thì chậu nước đầy máu, hỏi các con thì mới biết có một bạn vừa bị chảy máu cam rửa vào trong chậu mà không nói với cô. Tôi cũng hơi hoảng bởi vết thương của tôi hở, nhưng không dám nói với ai. Tôi bí mật đi ra viện xét nghiệm để tư tưởng được thoải mái. Từ đó tôi nhắc nhở bản thân phải cẩn thận, chú ý hơn", cô nhớ lại. 

Những ngày đầu tiên khi mới dạy trẻ nhiễm "H", điều mà các giáo viên như cô Hà nhận được là sự bàn tán, dị nghị, những ánh mắt dè chừng của hàng xóm và không ít lời xúc phạm đau đến quặn lòng.

"Năm 2006, cô trò chưa có phòng học riêng, nay học ở nhà kho, mai lại chuyển sang một phòng tiếp dân trong trung tâm. Có một đợt trung tâm mong muốn đưa các con đến học trường công như các bạn học sinh bình thường nhưng gặp phải sự phản đối kịch liệt của phụ huynh".

"Tôi nhớ có những hôm đến trường dạy các con, phụ huynh ùa ra, người thì cầm roi; người cầm que, cầm cây sào rồi họ lùa cô trò vào trong một xó của lớp học như một đàn vịt, thậm chí nói những lời rất khó nghe: "Học sinh bình thường đầy ra sao cô cứ phải dạy những đứa sắp chết này làm gì?; Ai cho cô dạy, cô không sợ chúng sẽ lây sang con tôi sao?...".

Bên cạnh các phụ huynh, cô trò nhiều lần đối diện với thái độ của hàng xóm nhà cô Hà. Với mong muốn giúp các con cảm nhận được cuộc sống gia đình trọn vẹn, cô Hà nhiều lần đón các con đến nhà mình chơi. Nhưng những lần như vậy, cô thường được láng giềng hỏi thăm: "Nhìn mấy đứa trẻ bị nhiễm H sang nhà cô ăn cơm, chơi với bọn trẻ con nhà cô, tôi khiếp. Thế cô không sợ à, chứ tôi nhìn thì thấy khiếp lắm!".

Nói đến đây, cô Hà nghẹn lời: "Nhiều lúc chính bản thân tôi cũng thương con mình, bởi con cô cũng bị các bạn trên lớp kỳ thị về công việc mà mẹ đang làm. Có lần tôi nghe con kể lại mà rớt nước mắt. Không phải vì mình bị xúc phạm mà chính bởi thương con: 'Mẹ ơi mẹ, hôm nay ở lớp con bị các bạn gọi là Chi HIV, thế xong con mới nói cho các bạn một trận'. Rất may là bé cũng hiểu chuyện".

Ngày ngày lên lớp cùng các con, cô Hà không chỉ đóng vai một cô giáo mà còn cố gắng trở thành một người bạn, người mẹ luôn luôn lắng nghe, thấu hiểu các con. Ngoài những giờ học trên lớp, các con tìm đến cô để tâm sự những chuyện thầm kín, những thay đổi trên cơ thể - những điều mà một đứa trẻ mới lớn luôn thắc mắc.

Cứ như thế, cô Hà dần nhận ra: Điều mà các con khao khát nhất chính là một mái ấm gia đình, nơi có cả bố cả mẹ.

"Khi các con đến nhà chơi, cô trò cùng nhau nấu ăn, đứa này nhặt rau, đứa kia nấu nướng và đôi khi trong vô thức chúng gọi tôi: Mẹ ơi làm thế này à? Mẹ ơi nấu như thế có được không?... rồi bất giác sau lời nói ấy, gương mặt của các con ửng hồng vì ngại ngùng, chúng nhìn nhau tủm tỉm cười".

"Nhưng đâu chỉ riêng tôi được làm mẹ của các con mà thời đó các cô chú phụ trách chăm nuôi, thậm chí các chú học viên cai nghiện của trung tâm, các con đều gọi: "Mẹ ơi, Bố ơi" rất tự nhiên" cô Hà kể.

Hiện tại trường Tiểu học Yên Bài B được xây dựng thành ba khu A, B, C riêng biệt. Khu A (khu trung tâm) và khu B (cách khu chính chừng 5 km) được xây dựng để dạy các học sinh bình thường, khu C (cách khu trung tâm chừng 1 km) dành riêng cho trẻ nhiễm "H" (tổng số học sinh là 18 em từ lớp 1 đến lớp 5, chia làm 5 lớp). Các em học sinh cấp 2, cấp 3 nhiễm "H" vẫn đi học chung tại các trường học trên địa bàn.

Thúy Quỳnh