Thứ ba, 18/2/2020, 01:18 (GMT+7)

Người Mỹ gốc Á: Một cái hắt hơi cũng gây kỳ thị

Mỹ mới chỉ có 15 ca dương tính với nCoV; người Mỹ vẫn tự tin rằng họ không có gì để sợ một đại dịch ở bên kia địa cầu; nhưng người Mỹ vẫn kinh hãi coi những người gốc Á như các "mầm bệnh biết đi".

Những chuỗi đèn lồng đỏ và vàng vẫn lắc lư trên cao ở khu phố Tàu của thành phố Chicago, Mỹ, nhưng không nhiều người tản bộ trên vỉa hè những buổi chiều gần đây.

Ở tiệm mỳ Slurp Slurp Noodles, không có nhiều du khách tới ăn trưa, một nữ phục vụ cho biết. Một nhân viên bảo vệ đi ngang qua nhét vào túi cô chiếc khẩu trang, để đeo khi cảm thấy không an toàn.

Phần lớn nước Mỹ đến nay chưa bị Covid-19 sờ tới. Mỹ mới chỉ có 15 ca dương tính với nCoV dù dịch bệnh đã lan rộng toàn cầu và cướp đi mạng sống của hơn 1700 người, chủ yếu ở Trung Quốc. Người Mỹ vẫn tiếp tục cuộc sống thường ngày, tự tin rằng họ không có gì để sợ một đại dịch ở bên kia địa cầu.

Nhưng đối với một số người xuất thân từ Trung Quốc, những người thường xuyên phải lui tới nước này và các nhân viên y tế đang chống lại virus, cuộc sống của họ đã bị đảo lộn. Hàng trăm người Mỹ từng ở Trung Quốc đang trong thời gian cách ly. Nhiều người Mỹ gốc Á đang nhận được sự soi mói của cộng đồng, khiến một cái ho hoặc hắt hơi của họ cũng có thể khiến nhiều người bỏ chạy.

Aretha Deng (20 tuổi), sinh viên năm ba ở Đại học Arizona, nói: "Thay vì hỏi bạn có sao không, phản ứng của họ là hoảng loạn trong tức khắc".

Khu phố Tàu ở Chicago. Ảnh: Nytimes.

Phản ứng với đại dịch bày ra một hiện thực tương phản. Tại các đại học, các giảng đường vẫn mở, những bữa tiệc vẫn diễn ra, ngoại trừ những sinh viên trở về từ Trung Quốc. Họ bị yêu cầu cách ly 2 tuần. Lãnh đạo các thành phố Chicago và New York đã đến thăm các khu phố Hoa vào tuần trước, nhằm khích lệ khách du lịch ủng hộ những nhà hàng và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

Chicago - nơi có sân bay bận rộn nhất nước Mỹ - đã cảnh giác hơn từ tháng trước, khi một phụ nữ bị nhiễm virus corona sau khi trở về từ Trung Quốc và lây cho chồng. Đây là ca lây từ người sang người đầu tiên ở Mỹ. Ngay cả khi cặp vợ chồng đã hồi phục và xuất viện, những dấu hiệu lo lắng vẫn bao phủ khắp thành phố: Hành khách tại Sân bay quốc tế O’Hare đeo nhiều khẩu trang hơn bình thường; Ở khu phố Tàu phía nam thành phố, các cửa hàng treo biển cấm những người mới tới Trung Quốc gần đây; Một số người dân Chicago đăng trên Twitter rằng tác phẩm chuyển thể "Station Eleven" của HBO, nói về một thế giới bị tàn phá bởi đại dịch cúm, đang được quay tại một số địa điểm quanh thành phố.

Ở San Francisco, những người nhập cư từ Trung Quốc cho biết họ đang lo lắng cho sức khỏe của những người thân ở quê nhà trong khi phải đối mặt với nỗi sợ của những người khác trong cuộc sống thường ngày ở Mỹ. Yihao Xie - nhà nghiên cứu môi trường tại một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở ở San Francisco - từ quê nhà ở thành phố Lan Châu quay trở về Mỹ vào ngày 30/1, ngay trước khi các chuyến bay bị hủy bỏ. Mặc dù Lan Châu ở xa Vũ Hán, đồng nghiệp của anh ở Mỹ nghĩ rằng tốt nhất anh nên ở nhà 14 ngày. Anh chấp nhận.

Kể từ đó, anh đi bộ ở công viên gần nhà để tự trấn tĩnh. Ở cửa hàng bách hóa, anh có thể cảm nhận ánh mắt soi mói của người lạ. Anh chia sẻ: "Một số người nhìn tôi. Họ không ác ý hay thù hằn, nhưng họ kiểu như: Tại sao anh lại đeo khẩu trang? Anh ốm à?".

Yihao Xie, một nhà nghiên cứu môi trường ở San Francisco tự cách ly. Ảnh: NyTimes.

Robert Li - sống ở San Francisco - khi đang xem điện thoại ở một cửa hàng điện tử vào tuần trước, đã tình cờ nghe được một nhân viên nói chuyện với khách hàng khác về đại dịch: "Tất nhiên, nếu anh ăn dơi sống, anh sẽ nhiễm virus corona".

Anh bảo: "Họ đang mỉa mai người Trung Quốc. Đây là một định kiến rằng người Trung Quốc ăn mọi thứ".

Tin tức về dịch bệnh nổ ra cùng thời điểm với cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã khiến một số người lo lắng cho sự bất ổn về kinh tế.

Vincent Pan, Giám đốc điều hành Chinese for Affirmative Action - một tổ chức dân quyền cho người Trung Quốc ở San Francisco - kêu gọi các tổ chức ở California lập đường dây nóng để thu thập thông tin về việc kỳ thị người Hoa vì nCoV. "Nếu bạn đã sợ Trung Quốc hoặc người Trung Quốc, giờ bạn lại có thêm một lý do để sợ. Bệnh dịch là thứ lập tức có thể khiến một nhóm người quay lưng với những người khác. Trong lịch sử, dịch bệnh là cách nhanh nhất để cô lập một cộng đồng", ông nói.

Một cái hắt hơi cũng có thể bị nghi ngại ở khu phố người Hoa, Chicago, Mỹ. 

Trên cả nước vào những tuần gần đây, cán bộ y tế đã ra những cảnh báo theo cách tế nhị: cố gắng bảo vệ cộng đồng mà không tạo ra những báo động và sự bài ngoại không cần thiết. Kể từ tháng 1, nhân viên y tế các cấp lặp đi lặp lại một thông điệp duy nhất là nguy cơ nhiễm virus corona ở Mỹ vẫn thấp.

Jeanne Ayers - nhân viên y tế ở Wisconsin - cho biết sau khi thông báo về ca nhiễm đầu tiên của bang ở thành phố Madison: "Sắc tộc không ảnh hưởng đến việc lây lan virus corona. Nguyên nhân ở đây là do lịch sử di chuyển và tiếp xúc gần với người nhiễm bệnh".

Hoạt động kinh doanh của khu phố Trung Quốc bị ngừng trệ kể từ khi bùng phát dịch.

Cho tới nay, dịch viêm phổi do nCoV vẫn được khống chế ở Mỹ bằng những biện pháp của chính phủ như giảm mạnh số chuyến bay từ Trung Quốc, đưa nhóm những người tới Trung Quốc những ngày gần đây vào diện cách ly 2 tuần.

Những người Mỹ bị cách ly cho biết họ cảm thấy không rõ ràng về việc cô lập. Một số nói rằng họ chán và buồn bực chân tay, ngày càng lo lắng và cô đơn hơn, nhưng họ cũng hiểu nỗi lo sợ của cộng đồng.

Tuần trước, Jeffrey Ho - một thợ cơ khí sống ở San Bernandino, California - quay về từ tỉnh Hồ Bắc, nơi gia đình vợ anh sống, trên chuyến bay của chính phủ. Anh và 170 hành khách bay từ Vũ Hán hồi hương đang được cách ly ở Căn cứ không quân Travis, Đông Nam San Francisco. Một mặt, Ho cho biết anh không trách mọi người vì sợ nhiễm virus. Khi anh ở tỉnh Hồ Bắc - tâm chấn dịch - có rất ít người ở ngoài đường và nếu có, họ cũng giữ khoảng cách với người khác. Ho nói: "Họ đang lo cho tính mạng mình". Nhưng mặt khác, anh cho biết nỗi sợ virus ở Mỹ đi liền với phân biệt chủng tộc. Anh cũng nghĩ có thể mình là đối tượng của hiện tượng này.

Tuần trước, Eileen Wong - nhân viên tư vấn kinh doanh ở New York, có bố mẹ ở Hong Kong - lên một chuyến tàu chật kín người từ Philadelphia về với một đồng nghiệp. Họ đứng suốt chuyến đi 90 phút. Một người phụ nữ ngồi gần đó nhìn lên và kinh ngạc khi thấy Wong và đồng nghiệp, cùng là người châu Á. Người này kêu lên: "Ôi Chúa ơi!" rồi lấy áo khoác che người. Đồng nghiệp của Wong thấy người này tìm trên Google: "Virus corona nguy hiểm cỡ nào".

Trong cộng đồng đa sắc tộc ở Manhattan nơi Wong sống, cô không nghĩ mình khác biệt. Cô cho biết: "Tôi lớn lên ở đây, nói thứ tiếng Anh chuẩn. Vậy tại sao tôi phải chịu sự phân biệt? Có vài thứ khiến tôi sáng mắt ra. Chúng tôi không có bất cứ triệu chứng nào như ho hay hắt hơi, vậy, họ đã kỳ thị chúng tôi vì ngoại hình".

Bấm vào đây để xem chi tiết.

Huyền Anh (Theo New York Times)