Thứ năm, 26/7/2018, 11:30 (GMT+7)

Nguyễn Phương Thảo: 'Tai em ù đi khi Việt Nam được xướng tên chiến thắng'

Vượt qua 261 thí sinh, Nguyễn Phương Thảo đạt tổng điểm cao nhất trong kỳ thi Olympic Sinh học Quốc tế. Nữ sinh Hà thành cũng là người đầu tiên đưa Việt Nam đứng đầu cuộc thi này.

Trở về Việt Nam sau nhiều ngày thi ở Iran, Nguyễn Phương Thảo (học sinh lớp 12, THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội) vẫn còn xúc động khi nhớ lại giây phút được xướng tên "The First Winner" (Người thắng cuộc) tại Olympic Sinh học Quốc tế 2018.

“Tim em như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực, mọi thứ xung quanh như ngừng chuyển động, tai em ù đi khi nghe thấy hai tiếng Việt Nam. Em chỉ bừng tỉnh khi mọi người đến ôm em chúc mừng. Lúc đó trong đầu em hiện lên hình ảnh thầy, cô, bố mẹ và những người bạn đã âm thầm giúp em đến được vinh quang như ngày hôm nay”, Thảo nhớ lại.

Người đầu tiên đưa Việt Nam đứng đầu cuộc thi IBO

Không chỉ mang về tấm huy chương vàng cho đội tuyển nước nhà, kết quả của Thảo đã giúp Việt Nam lập kỷ lục đội có điểm cao nhất của cuộc thi.

Nguyễn Phương Thảo (thứ hai từ phải sang) - cùng đoàn Olympic Sinh học ở sân bay Nội Bài sau khi trở về từ cuộc thi.

Thảo từ nhỏ đã có niềm đam mê với môn Sinh học và tình yêu ấy cứ thế lớn dần lên qua chiếc tivi của bố, nơi Thảo tiếp cận với nhiều kênh về thế giới động vật, thực vật, khoa học…

“Em thường xuyên theo dõi kênh Discovery, chương trình River Monster và thế giới động vật. Càng theo dõi, em càng bị thu hút bởi những đều bí ẩn trong tự nhiên. Ở nhà em trồng rất nhiều cây, quan sát chúng lớn lên, nhìn chúng vươn mình về phía anh sáng… những điều đó tưởng chừng rất đơn giản nhưng khiến em vô cùng thích thú. Từ đó, em quyết định theo đuổi bộ môn này để giải đáp những điều còn bí ẩn”, Thảo cười và nói.

Sau một năm tập trung vào Sinh học, cuối năm lớp 9 Thảo đoạt giải nhất kỳ thi học sinh giỏi thành phố Hà Nội. Cô gái trẻ sau đó trở thành thủ khoa đầu vào của lớp chuyên Sinh THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Cứ thế, năm nào Thảo cũng cũng có giải thưởng, năm sau lớn hơn năm trước. Lớp 11, Thảo đoạt giải nhì quốc gia và đạt huy chương bạc trong cuộc kỳ thi Olympic Sinh học Quốc tế 2017.

2108 là năm thành công nhất của Thảo khi giành được tấm huy chương vàng tại kỳ thi Olympic Sinh học và là người đầu tiên đưa Việt Nam đứng đầu cuộc thi này.

Chia sẻ về cách học môn Sinh học, Thảo cho rằng phải thực sự hiểu cốt lõi của vấn đề. “Ví dụ, một thí nghiệm sẽ gồm rất nhiều hóa chất, nhiều bước. Ta sẽ đặt ra các câu hỏi: tại sao hóa chất này lại sử dụng trong bước này hay kết quả này sẽ ứng dụng vào thực tế ra sao… Cứ đi trả lời những câu hỏi như vậy sẽ giúp ta khắc sâu kiến thức và nhớ lâu hơn”.

Nguyễn Phương Thảo chia sẻ về cách học môn Sinh
 
 

Quyết tâm đổi màu huy chương

Khi tham gia kỳ thi Olympic Sinh học Quốc tế năm 2018, Thảo chỉ hướng tới mục tiêu đổi màu huy chương. “Năm ngoái em đã giành được huy chương bạc, năm nay em quyết tâm đổi màu huy chương”, cô cho biết. Với mục tiêu đó, Thảo đối diện khá nhiều áp lực. Tuy nhiên, cô nữ sinh đã tìm được cách để biến áp lực thành động lực, từ quá trình ôn luyện cho đến lúc làm bài.

Trong kỳ thi IBO 2017, Thảo đã tìm ra được điểm mấu chốt để chinh phục tối đa điểm số, là cách sắp xếp thời gian và quản lý thí nghiệm của mình ở phần thực hành. 

Đề thi năm nay Thảo đánh giá là khá dài và khó. “Phần thi lý thuyết sẽ gồm 50 câu, mỗi câu có 4 ý yêu cầu chọn trắc nghiệm đúng sai. Theo quy định của năm nay đúng 4 ý sẽ được được điểm tối đa là 1; 3 ý được 0,5 nhưng đúng 2 hay 1 ý đều tính 0 điểm. Trước quy chế chấm thi mới em cũng phải thay đổi lại chiến lược làm bài thay vì làm nhiều ý đúng như năm ngoái em sẽ phải làm thật cẩn thận một câu”, cô gái Hà thành cho hay.

Đối với phần thi thực hành, cô sẽ dành 5 phút để bao quát đề và sắp xếp các thí nghiệm. Thảo nhận định 5 phút này quyết định việc thành công hay thất bại của bài thực hành, nếu có chiến lược sai thí sinh sẽ phải chấp nhận mất hết tất cả.

“Kỳ thi có 4 vòng thực hành, mỗi vòng gồm rất nhiều thí nghiệm nhưng chỉ có 90 phút làm bài. Chính vì vậy đối với những bài thực hành mình phải sắp xếp các thí nghiệm sao cho hợp lý nhất, khoa học nhất làm sao để làm được nhiều thí nghiệm nhất, thời gian ngắn nhất, chính xác nhất. Trong quá trình chờ thí nghiệm này mình phải làm thí nghiệm khác, tránh việc để khoảng thời gian trống giữa các thí nghiệm”, cô nói.

Thảo đã đổi màu huy chương thành công.

Rung động với một anh chàng Hàn Quốc và xúc động với 'người cha Iran'

Trước ngày thi mọi người trong đoàn cùng nhau trải nghiệm đồ ăn nước bạn nhưng vì không hợp nên cô bị đau bụng phải truyền nước. Người ta thường nói trong cái rủi có cái may, câu nói này dường như dành cho Thảo lúc này bởi chính sự cố giúp cô cảm nắng “crush”.

“Khi đi truyền nước về thấy vẻ mặt em mệt mỏi, một bạn nam người Hàn Quốc đã đến hỏi thăm em. Khi biết nguyên do bạn ấy đã cho em một ít đồ ăn Hàn Quốc. Trước sự ngỏ lời ấy em cảm thấy rất ấm lòng và trái tim hơi loạn nhịp bởi sự quan tâm đó nơi đất khách quê người”, cô gái trẻ ngại ngùng kể lại.

Một kỷ miện nữa cũng khắc sâu trong trí nhớ của cô gái Hà thành là hình ảnh một người cha Iran.

Thảo cho hay, đội Việt Nam khi sang dự thi đã mua 120 chú chuồn chuồn tre làm quà.

“Chúng em có tặng cho bác người Iran một con chuồn chuồn tre, bác cất rất cẩn thận để về tặng lại con gái mình. Nhưng do sơ ý, con gái bác đã làm gãy mất chú chuồn chuồn. Ngày hôm sau bác đến tìm em và ngỏ ý xin một con nữa bởi đứa trẻ ấy rất thích món quà này.

Nhìn cách một ông bố không thể giao tiếp được bằng tiếng Anh nhưng vẫn cố gắng diễn tả; nhìn ánh mắt bác mà em không thể cất nên lời rằng số chuồn chuồn chúng cháu mang qua đã được tặng hết cho các bạn thi sinh”, Thảo chia sẻ.

Thảo cũng hoàn toàn bất ngờ về cách đón tiếp của người Iran. Họ coi IBO như một sự kiện quan trọng của đất nước mình và các thí sinh luôn được bảo vệ nghiêm ngặt để đảm bảo an toàn. 

“Em khá bất ngờ về con người nơi đây bởi trước khi qua, em nghĩ người dân Iran theo đạo Hồi nên khá là khắt khe nhưng thực tế họ rất hiền lành, tốt bụng và rất quý người Việt Nam”, Thảo cười và nói.

Nguyễn Phương