Thứ hai, 10/9/2018, 00:34 (GMT+7)

Thợ xăm hình - những người 'làm giàu không dễ'

Kiếm tiền bằng sức lao động chân chính nhưng những người thợ xăm vẫn thường xuyên đối diện với sự nghi kỵ, thậm chí bị coi là nghề "ngồi vẽ lăng nhăng kiếm tiền trăm triệu".

Vài năm gần đây xu hướng xăm hình nghệ thuật đã được xã hội dần thừa nhận, những người xăm hình cũng không bị gièm pha, không còn “được nhận” những ánh mắt đầy e ngại như trước đây. Đối tượng khách hàng đa dạng hơn cũng khiến cho tattoo trở thành nghề “hot”. Nhưng câu chuyện của những người thợ xăm dưới đây sẽ cho thấy không phải ai cũng đủ dũng khí và lòng kiên nhẫn để theo nghề này.

Họ là những “khách hàng thân thiết” của... bệnh viện

Anh Vương Đình Hà là chủ một quán xăm khá đắt khách ở Hà Nội. Đối với nhiều người, quán xăm của anh Hà thực sự là một nơi hái ra tiền. Tuy nhiên, nếu nghe anh Hà kể chuyện, người ta sẽ dễ nhận ra rằng, đây hoàn toàn không phải là thứ "việc nhẹ lương cao".

Anh Vương Đình Hà.

Thợ xăm không chỉ đơn giản là người sao chép hình mẫu từ giấy lên da mà còn kiêm cả nhà thiết kế, nghệ sĩ tạo hình. Khi khách hàng đưa ý tưởng, những người thợ xăm như anh Hà buộc phải thiết kế một tác phẩm hoàn chỉnh. Để có thể đáp ứng được thị hiếu ngày một thay đổi của khách hàng, anh thường xuyên phải tham gia những khóa học ngắn ngày tại Sài Gòn, Trung Quốc và cả những buổi tự học vào ban đêm.

Chia sẻ về công việc của chồng mình, chị Huệ - vợ anh Hà - cho biết: “Do anh quá yêu công việc nên không cảm thấy áp lực trong suốt những năm làm nghề, tuy nhiên tình trạng kiệt sức là điều không thể tránh khỏi. Bởi có nhiều lúc phải làm thâu ngày thâu đêm, do vậy cứ khoảng vài tháng anh lại nhập viện một lần, đặc biệt là những tháng hè".

Anh Hà trong khi làm việc.

Theo nghề xăm được hơn 8 năm, anh Vương Đình Hà chưa bao giờ có suy nghĩ sẽ bỏ nghề, bởi tattoo dường như đã ngấm sâu vào máu, anh coi đó là một niềm đam mê khó buông bỏ. Anh nói: “Ngày trước khi mới bắt đầu học, xăm hình rất bị kỳ thị nhưng do mình quá đam mê và yêu thích nên cứ kiên trì. Còn đối với người xăm hình, không phải ai có hình xăm là cũng hổ báo. Xăm hình chỉ là để trang trí thêm cho bản thân, để lưu giữ những kỷ niệm trên cơ thể mình chứ không hề nhằm mục đích dọa nạt ai".

Đối diện với kỳ thị để được... kiếm tiền chân chính

Sẽ ít người nghĩ đến những thợ xăm là nữ, nhưng đó là những gì mà chị Trần Hồng Diệu Mai (quản lý một cơ sở xăm hình ở Sài Gòn) đã thực hiện chỉ mong chứng tỏ với gia đình quyết định theo đuổi đam mê của mình là đúng.

Từ chỗ không được gia đình ủng hộ, đến nay chị Mai đã có cơ sở kinh doanh riêng.

Chị Diệu Mai nhớ lại quãng thời gian khó khăn: “Hồi đó, ba mẹ mình ngăn cản thậm chí là cấm luôn và mình đã phải đấu tranh, giải thích rất nhiều. Mình thậm chí còn rời xa gia đình để quyết tâm theo đuổi đam mê. Cho đến khi đã gây dựng được một điều gì đó mình mới về nói với bố mẹ rằng: Nghề xăm này sẽ có thể cho con một cuộc sống tốt hơn và nó không hề xấu như ba mẹ đã nghĩ".

Rất nhiều người có định kiến với nghệ thuật xăm hình vì nghĩ những người xăm hình đều rất hung tợn, chị Mai chia sẻ vui: “Theo như mình thấy thì giờ tội phạm giết người hàng loạt cũng chả có mấy ai xăm hình nữa đâu”.

Yêu thích, đam mê và theo đuổi, đối với chị Mai, tattoo không chỉ đơn thuần là một nghề để mưu sinh, mà còn là nơi thể hiện sự nhân văn. Chị Mai cho biết: “Có một anh bị bệnh tâm thần, người nhà đã dẫn anh ra tiệm xăm và yêu cầu thợ xăm phải xăm tên, số điện thoại và địa chỉ của người thân lên trên tay của anh ấy, để nếu có lỡ đi lạc thì vẫn có người đưa anh ấy về nhà".

Và họ cũng cần phải rất bản lĩnh

Lập nghiệp ở Thanh Hóa, anh Lê Văn Hiệp gặp nhiều khó khăn hơn các đồng nghiệp ở những thành phố lớn. Nghề xăm hình tại các địa phương phát triển chậm do những thành kiến nặng nề hơn từ phía cộng đồng.

Anh Hiệp đang xăm cho khách.

Anh Hiệp nhớ lại lần đầu tiên trải nghiệm “bộ môn hành hạ thể xác”: “Khác với xăm hình nghệ thuật ngày nay có đầy đủ các dụng cụ chuyên nghiệp từ kim xăm cho đến các loại thuốc sát trùng, ngày trước khi nghề xăm mới nhen nhúm ở huyện của mình, đồ dùng xăm được chế tác rất thủ công, thợ xăm sẽ lấy kim buộc vào một đầu que rồi lẫy từng cái một vào da. Và mình từng trải nghiệm cảm giác ấy. Quả thật là hành hạ thể xác thật!”.

Anh cũng chia sẻ những câu chuyện chỉ có người trong nghề mới hiểu: “Đến với tattoo có rất nhiều điều thú vị, vui có, buồn có, tế nhị cũng có. Những anh em trong nghề thường nói vui với nhau phải có tinh thần thép, ý chí sắt đá mới theo được nghề để đối diện với những tình huống khó, chẳng hạn khách hàng yêu cầu xăm ở những nơi nhạy cảm. Những lúc đó, chúng tôi tuyệt đối không được phân tâm, không để cảm xúc lấn át lý trí".

Đến nay, sau rất nhiều khó khăn, những người thợ xăm như anh Hà, chị Mai, anh Hiệp đều bắt đầu đã có của ăn của để, nhưng đó thực sự là thành quả không dễ gì có được.

Giới trẻ đổ xô đến lễ hội xăm hình ở Thủ đô
 
 
Giới trẻ hào hứng tham dự lễ hội xăm hình ở Hà Nội hồi tháng 7.

Đọc thêm: Giới trẻ xăm hình: Thể hiện cá tính hay chạy theo trào lưu? 

Thúy Quỳnh