Thứ năm, 20/2/2020, 08:08 (GMT+7)

Tốc độ lây lan Covid-19 ở Trung Quốc chậm dần 

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết các lệnh cấm di chuyển của Trung Quốc có tác dụng, nhưng chuyên gia khuyến cáo không nên cho rằng tình huống tệ nhất đã qua đi.

Giới chức Trung Quốc đưa ra các số liệu gần đây cho thấy sự lây lan của dịch Covid-19 đã chậm lại. WHO) nhận định lệnh hạn chế di chuyển nghiêm ngặt của Trung Quốc đã có tác dụng. Nhưng số người tử vong vẫn tăng lên và tình hình bên ngoài nước này ngày càng đáng báo động. Các chuyên gia cảnh báo không nên quá lạc quan về đỉnh của đại dịch lần này.

Malik Peiris - Trưởng khoa dịch tễ học ở Đại học Hong Kong - cho biết: "Tự mãn rằng dịch bệnh này đã được kiểm soát vào thời điểm hiện tại là không khôn ngoan". Virus mới được phát hiện vào tháng 12, do vậy rất khó để suy đoán độ nghiêm trọng và quy mô của dịch.

Trung Quốc đã thay đổi cách thức thống kê khiến số lượng lớn các ca nhiễm và tử vong tăng đột biến trong tuần trước. Xét nghiệm virus vẫn chưa chính xác, và những người không tìm kiếm hoặc nhận được chăm sóc y tế có thể chưa được tính. Những người không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ có thể không nhận ra họ nhiễm virus và cũng không được đếm vào.

Người dân trở về nhà sau khi mua sắm, tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Nytimes.

Những nhà nghiên cứu ở Đức đưa ra bằng chứng vào ngày 18/2 rằng, những người nhiễm virus corona có thể lây cho người khác kể cả khi không có triệu chứng - đúng như dự đoán của các chuyên gia về dịch tễ. Phát hiện này được đăng tải trên New England Journal of Medicine, cho rằng người khác có thể lây bệnh trước khi họ biết mình ốm.

Tuy nhiên, số ca nhiễm và tử vong từ chính quyền Trung Quốc đã giảm đều từ ngày 12/2, xu hướng này có thể ánh lên một tia hy vọng nếu duy trì được. 18/2, chính quyền thông báo có 1.886 ca nhiễm mới được xác nhận - lần đầu kể từ 30/1, số ca nhiễm giảm xuống dưới 2.000. Vào 19/2, số ca nhiễm mới được thông báo là 1749. Sáng 20/2, số ca nhiễm mới giảm xuống còn 349.

Nhà chức trách  Trung Quốc cũng như những chuyên gia y tế công cộng trên toàn thế giới cho biết, các biện pháp mạnh tay của Trung Quốc đã có hiệu quả. Chủ tịch Tập Cận Bình, khi nói chuyện với Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết Trung Quốc đang có những tiến bộ rõ rệt trong công tác phòng dịch.

Hơn một nửa dân số Trung Quốc đang bị hạn chế hoạt động, 150 triệu dân bị hạn chế ra khỏi nhà. Tiến sĩ Micheal Ryan - Người đứng đầu chương trình phản ứng khẩn cấp của WHO - cho biết: "Hiện tại cách tiếp cận chiến lược của Trung Quốc là đúng đắn. Bạn có thể tranh luận rằng những biện pháp này quá nặng nề với mọi người, nhưng có rất nhiều hiểm nguy về y tế cộng đồng ở đây, không chỉ ở Trung Quốc mà còn đối với thế giới".

Theo quan chức của WHO, chính sách phong tỏa của Trung Quốc đã làm chậm sự lây lan của virus từ tâm dịch ra cả nước trong 2 tới 3 ngày, và từ Trung Quốc với thế giới trong 2-3 tuần. Sự ủng hộ của tổ chức này với phương pháp của Trung Quốc là điều đối nghịch bởi trước đây tổ chức này chống lại lệnh hạn chế về du lịch và thương mại. Một số chuyên gia lên án lệnh cấm, cho rằng chúng đang ngăn chặn hàng hóa thiết yếu tới được nơi cần và có thể gây ra sự hoảng loạn.

Giáo sư Zhong Nanshan, chuyên gia bệnh về hô hấp đã về hưu ở Trung Quốc mong đợi đại dịch sẽ lên tới đỉnh điểm ở miền nam Trung Quốc từ giữa đến cuối tháng 2, và sau đó là cả nước.

Nhưng bác sĩ, tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus - Tổng giám đốc WHO - cho biết sự giảm số lượng ca nhiễm ở Trung Quốc phải được giải thích thật cẩn thận. Ông cho biết trong cuộc họp báo ở Geneva: "Vẫn còn quá sớm để kết luận rằng xu hướng giảm sẽ tiếp diễn. Mọi kịch bản vẫn còn ở trên giấy".

Một bệnh viện ở Vũ Hán, nơi điều trị cho bệnh nhân nhiễm virus corona. Ảnh: AP.

Những ca bên ngoài Trung Quốc chủ yếu là người từng tới đó, nhưng gần đây là từ những nước khác. Số ca ở Nhật Bản đang tăng trong những ngày gần đây, hầu hết liên quan tới một con tàu du lịch. Những ổ dịch khác cũng xuất hiện, nhưng cho tới giờ con tàu vẫn chứa nhiều ca bệnh nhất trên thế giới ngoài Trung Quốc, 542 ca, tăng 88 ca trong riêng ngày 18/1.

Vào 17/2, hơn 300 hành khách Mỹ trên tàu Diamond Princess được bay về nước và cách ly 2 tuần. 14 trong số họ dương tính với virus trước khi rời Nhật Bản, nhưng vẫn được bay. Chính quyền Mỹ đưa họ về nhà mà không cần biết kết quả xét nghiệm. Một số hành khách cho biết khi hạ cánh họ được thông báo dương tính với virus. Trung tâm Phòng chống và kiểm soát dịch bệnh (CDC) thông báo cho hơn 100 người Mỹ trên tàu rằng họ không thể trở về nhà trong ít nhất 2 tuần nữa, sau khi những nỗ lực để kiểm soát dịch bệnh trên tàu đều không hiệu quả. Những hành khách này bao gồm những người dương tính với virus và được nhập viện, và những người khác trên tàu nhưng không có dấu hiệu bệnh.

Hành khách ở trên du thuyển Diamond Priness tại cảng Yokohama, gần Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: AFP.

Nhật Bản cho biết 500 người được xuống tàu vào ngày 19/2. Nhưng họ không giải thích rõ ràng tại sao những người này đủ điều kiện để xuống tàu, hay cách quyết định ai được đi. Raina McIntyre, chuyên gia về an ninh sinh học ở Đại học New South Wales, Australia cho biết: "Tàu du lịch là mắt xích yếu trong kiểm soát dịch, chúng ta có thể mất kiểm soát dịch bệnh nếu không quản lý tàu chặt chẽ".

Còn nhiều dấu hiệu khác cho thấy con số thương vong toàn cầu vẫn chưa chậm lại. Ca tử vong đầu tiên ngoài châu Á là một bệnh nhân Trung Quốc ở Pháp. Đài Loan cũng thông báo ca tử vong đầu tiên vào 16/2 - là ca thứ năm bên ngoài Trung Quốc. Ca tử vong thứ sáu là người đàn ông sống tại khu Kwai Chung, đây là người Hong Kong thứ hai chết do virus. 

Dịch bệnh đã làm tê liệt nền kinh tế của Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Vào thứ Ba, HSBC, ngân hàng ở Hong Kong sẽ cắt giảm 35.000 việc làm trong 3 năm tới, một phần do đại dịch.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jea-in đã cảnh báo vào 18/2 rằng dịch ở Trung Quốc đang tạo nên một tình thế khẩn cấp cho nền kinh tế, và Hàn Quốc là một trong những nước phải gánh chịu hậu quả. Nếu virus tiếp tục lây lan toàn cầu, vẫn chưa rõ các nước khác sẽ phản ứng ra sao. Có rất ít chính phủ có quyền lực đủ để kiểm soát như Trung Quốc.

Lệnh phong tỏa ở Vũ Hán đã gây thiệt hại nặng nề, khiến việc tìm kiếm nơi chăm sóc sức khỏe rất khó khăn. Lệnh cấm khắp nơi trên cả nước cũng tạo ra nhiều cản trở khác, khiến nhân viên không thể đi làm và làm nền kinh tế chững lại. Giáo sư Peiris cho biết: "Đây là một vấn đề. Không rõ đây có phải là một vấn đề sẽ nhân rộng không, kể cả ở các nơi khác ở Trung Quốc".

Đó cũng là bài toán khó cho Trung Quốc và cả thế giới. Mặc dù nới lỏng lệnh cấm có thể hồi phục nền kinh tế và làm bớt sự sợ hãi và thất vọng, điều này cũng có thể dẫn đến tăng vọt số ca mắc.

Trong những ngày gần đây, chính quyền Trung Quốc, với hy vọng đưa nền kinh tế hồi phục, đã thúc giục công nhân quay lại làm việc. Hàng trăm triệu công nhân đã rời thành phố vào dịp Tết nguyên đán. Chính quyền Phillipines cho biết họ sẽ cho phép công nhân được quay lại Hong Kong và Macao, tuy nhiên lệnh cấm vẫn giữ nguyên với Trung Quốc. Giáo sư MacIntyre cho biết: "Cuộc chiến vẫn chưa kết thúc, vì lệnh cấm di chuyển không thể kéo dài mãi". 

Dịch viêm phổi cấp Covid-19 khởi phát tại thành phố Vũ Hán và lan ra 31 tỉnh thành Trung Quốc, bắt đầu từ tháng 12/2019.

Tính đến ngày 20/2, trên thế giới có  2.122 ca tử vong75.660 người lây nhiễm và 16.342 trường hợp chữa khỏi. 

anh660x80-3767-1582098480-6529-158213065Xem chi tiết tại đây

>>Xem thêm:

* Những hiểm họa nCoV ngoài tâm dịch Vũ Hán
* Tại sao nhiều ca nCoV tử vong không có trong số liệu công bố?
* 4 câu hỏi về việc vì sao dịch bệnh thường bắt nguồn từ Trung Quốc
* Người Mỹ gốc Á: Một cái hắt hơi cũng gây kỳ thị
* Châu Âu giữa dịch nCoV: Nỗi sợ lan nhanh hơn virus

Huyền Anh (Theo New York Times)