Thứ ba, 6/8/2019, 11:37 (GMT+7)

5 câu thoại đáng suy ngẫm trong 'Điều ba mẹ không kể'

Bộ phim có nhiều cuộc trò chuyện cảm động về tình cảm gia đình trong cuộc sống hiện đại.

*Bài viết tiết lộ nội dung phim

Điều ba mẹ không kể (Romang) khai thác câu chuyện tình yêu của cặp vợ chồng khi về già. Người chồng Nam Bong (Lee Soon Jae) điển hình cho mẫu đàn ông gia trưởng, cố chấp, tính khí nóng nảy. Trái lại, bà vợ Mae Ja (Jung Young Sook) là người phụ nữ nhẫn nại, hết mực chăm lo cho gia đình.

Nam Bong thường xuyên la mắng Mae Ja về những việc nhỏ nhặt hàng ngày. Tính khí của ông chỉ thay đổi khi gia đình gặp biến cố: con trai thất nghiệp, vợ bị mất trí nhớ, con dâu làm trụ cột đảm đương kinh tế gia đình. Chính ông cũng bắt đầu có những dấu hiệu của bệnh mất trí tuổi già.

Khi gia đình nhỏ của con trai dọn về nhà ngoại, đôi vợ chồng già "lúc tỉnh, lúc mê" phải luân phiên chăm sóc lẫn nhau. Ông Nam Bong chẳng mấy khi thể hiện tình cảm với vợ. Chỉ tới khi gần đất xa trời, ông mới nhận ra trong suốt cả cuộc đời, mình đã thiếu đi sự quan tâm cho bạn đời.

Phim chủ yếu xoay quanh ông bà Nam Bong - Mae Ja. Nhưng cuộc trò chuyện giữa nhân vật chính và tuyến diễn viên phụ cũng để lại suy ngẫm cho khán giả.

"Nếu chúng ta không ước mơ, tức là chúng ta đã chết"

Đây là lời thoại mà người bạn già nói với ông Nam Bong. Ai rồi cũng sẽ chết, nhưng không phải ai cũng "sống". Nếu bạn không có ước mơ, bạn thực chất chỉ đang "tồn tại" trong cơ thể con người, để cuộc đời trôi qua một cách vô nghĩa.

Ước mơ thời trẻ của bà Mae Ja là được chăm lo cho con cái và sống hạnh phúc đến cuối đời cùng một người chồng tốt. Nam Bong thì khao khát có một công việc ổn định kiếm ra tiền để lo cho gia đình, sắm sửa nhiều đồ đạc để vợ con không phải chịu khổ.

Ước mơ này mãi đeo đẳng ông đến nỗi dường như nó trở thành gánh nặng. Cuối đời khi căn bệnh tuổi già bắt đầu xâm chiếm, ông vẫn cặm cụi lái taxi buổi tối. Mải mê lo kinh tế gia đình khiến ông quên mất việc yêu thương vợ con, cứ hễ về đến nhà lại cằn nhằn, mắng vợ ngu ngốc. Thậm chí, ông còn yêu chiếc xe giúp ông kiếm tiền hơn cả vợ mình.

"Hãy yêu thương vợ nhiều hơn để khi nhắm mắt, có người lo hậu sự"

Bạn thân của ông Nam Bong là một người hết mực yêu thương vợ con. Vợ bị ốm, ông ta đặt ngay một chuyến du lịch nước ngoài, sắm sửa nhiều quần áo, kính râm và học tiếng Anh để đưa vợ đi thăm thú. Trái ngược, cả đời Nam Bong chỉ mải mê kiếm tiền, chưa bao giờ đưa gia đình đi dã ngoại. Bà Mae Ja ao ước một lần cả nhà đi chơi xa, ngắm hoàng hôn trên biển nhưng cũng bị chồng và con trai phớt lờ đi.

Khi được người bạn khuyên hãy yêu thương vợ nhiều hơn, ông Nam Bong mới chợt nhận ra sự vô tâm của mình. Nhưng khi ấy, người phụ nữ dành cả cuộc đời chăm lo cho ông từng bữa ăn, từng đôi tất đã trở nên lú lẫn, lẩm cẩm. Từ đây bắt đầu hình thành quá trình chuyển đổi tâm lý của người chồng gia trưởng.

"Nếu nó cũ và bị hư thì cứ thế mà bỏ à? Chỉ cần thay những phần đã cũ. Phần bị hư thì sửa lại. Sửa đến khi nào được thì thôi"

Đây là câu nói của ông Nam Bong khi người bạn khuyên nên bỏ chiếc xe đi vì nó đã quá cũ và hỏng nặng nề. Lúc này, suy nghĩ của ông đã thay đổi. Giờ đây, ông yêu vợ như yêu chính chiếc xe gắn bó từ hồi còn trẻ. Ông không chửi mắng vợ ngu dốt, không bỏ mặc vợ cô đơn trong trại dưỡng lão nữa.

Từ một người chồng vô tâm, bực bội vì vợ hay quên, thậm chí rủa vợ "hãy chết đi" khi bà lão lên cơn kích động vì lú lẫn, Nam Bong trở nên kiên nhẫn hơn. Ông không chọn cách "vứt" vợ đi mà nhẹ nhàng ở bên Mae Ja mỗi khi đầu óc bà không tỉnh táo. Họ cùng đóng giả tài xế - hành khách, chơi những trò trẻ con. Không thể chữa được trí não đang bị "hư", họ "sửa" cho nhau bằng cách ghi lời nhắn trên giấy để khi nào tỉnh thì đọc lại.

"Con ăn hại, thất nghiệp, suốt ngày chỉ đi câu cá nhưng bọn con hạnh phúc ăn cá cùng nhau"

Nam Bong và Jin Soo là hai cha con nhưng có quan điểm sống khác hoàn toàn. Ông Nam Bong nghĩ rằng chỉ có tiền mới đem lại cuộc sống hạnh phúc. Suốt đời ông quanh quẩn với công việc lái taxi chỉ đem lại kinh tế vừa đủ, tích được một cuốn sổ tiết kiệm cho con trai chứ không mấy dư dả. Trái lại, đời sống tình cảm dành cho vợ thì thiếu thốn.

Cậu con trai Jin Soo (Jo Han Chul đóng) thất nghiệp, chật vật làm những công việc tạm bợ để chờ cơ hội trở thành giáo sư. Tuy bị vợ nhiếc móc không kiếm ra tiền, nhưng Jin Soo đặc biệt dành hết yêu thương cho gia đình nhỏ. Anh luôn tôn trọng ý kiến của vợ và dành thời gian chơi đùa với cô con gái xinh xắn. Jin Soo trách bố không bao giờ quan tâm đến gia đình, bắt con cái phải chịu đựng những tổn thương vì lỗi lầm của mình trong quá khứ.

Nam Bong và Jin Soo, không ai sai mà cũng không ai đúng hoàn toàn. Họ đã quá tập trung cho một thứ, không biết cân bằng giữa vật chất và tình cảm. Hai người họ sở hữu hai nửa tính cách của một mẫu người hoàn hảo.

"Tôi xin lỗi vì để bà vất vả mà suốt ngày la mắng"

Đây là lời trăng trối của ông Nam Bong trước khi quyết định sẽ rời xa cõi đời cùng vợ. Tiếc thay, bà Mae Ja không còn sống để nghe những lời này nữa. Đây là lời xin lỗi đầu tiên, cũng là lời xin lỗi cuối cùng trong cả quãng đời của người đàn ông cố chấp. Trước đó, khi Mae Ja khuyên Nam Bong hãy đi xin lỗi vì vô tình ném gối vào mặt đứa cháu gái, ông đã quát lên rằng "Có thấy tôi xin lỗi ai bao giờ chưa?".

Lời hối lỗi đầy thành ý nhưng giá như, ông chồng tập nói câu đó từ sớm hơn thì chắc hẳn cuộc sống của họ rất hạnh phúc. Quãng thời gian cuối đời tuy ngắn ngủi nhưng ít ra cuối cùng, họ cũng được tận hưởng cuộc sống vợ chồng đúng nghĩa.

Điều ba mẹ không kể Trailer
 
 

Trailer phim Điều ba mẹ không kể.

Thúy Anh