Thứ ba, 28/8/2018, 00:22 (GMT+7)

'Như Ý truyện' là cung đấu chân chính, 'Diên Hy công lược' chỉ là phim tình cảm trẻ con?

Nhiều fan của phim cung đấu cho rằng "Diên Hy công lược" là tác phẩm 'tạo hình phụ huynh, nội dung học sinh' theo motif phim thần tượng 'rẻ tiền'.

Như Ý truyện - thâm sâu, từ tốn, càng xem càng gay cấn

Từ những tập đầu tiên phát sóng, Như Ý truyện đã tạo nên một làn sóng tranh cãi về việc đây có xứng đáng là "hậu bối" của bộ phim cung đấu kinh điển Chân Hoàn truyện hay không. Bên cạnh việc Châu Tấn bị chê già, xấu, Hoắc Kiến Hoa bị chê đơ toàn tập, bộ phim còn nhận nhiều đánh giá không tích cực về trang phục lòe loẹt, rẻ tiền. Nhiều người chê bai, cho rằng nhà sản xuất của Như Ý truyện đã sai lầm khi tốn kém kinh phí vào việc trả cát-xê diễn viên mà không chịu đầu tư vào bối cảnh phim lẫn trang phục.

Châu Tấn vào vai Như Ý - Nhàn Phi trong 'Như Ý truyện'.

Đặc biệt, mạch phim quá chậm rãi còn là yếu tố thử thách lòng kiên nhẫn rất lớn của khán giả khi theo dõi Như Ý truyện. Toàn bộ 4 tập đầu phim chỉ để giới thiệu về mối tình thanh mai trúc mã của Hoằng Lịch và Thanh Anh, hoàn cảnh Càn Long (Hoắc Kiến Hoa) lên ngôi sau khi tiên đế Ung Chính qua đời và những mâu thuẫn của Sùng Khánh Hoàng thái hậu (Ô Quân Mai) và Như Ý (Châu Tấn). Phải đến tập 7, bộ phim mới bắt đầu có những tình tiết gay cấn hơn khi Cao Quý phi (Đồng Dao) bắt đầu thể hiện tâm địa xấu xa muốn hãm hại Như Ý - Nhàn Phi lẫn Hải Lan - Du Phi (Trương Quân Ninh).

Bỏ qua những yếu tố về trang phục và mạch phim những tập đầu tiên, Như Ý truyện vẫn được nhiều fan Hoa ngữ đánh giá là một bộ phim cung đấu "chân chính", "truyền thống". Về cách xây dựng nhân vật, biên kịch Như Ý truyện không "siêu nhân hóa" nữ chính như Diên Hy công lược. Nhân vật Như Ý do Châu Tấn khắc họa không phải là kiểu nhân vật "đánh nhanh thắng nhanh", mà mọi thứ nàng đạt được đều là cả một quá trình gian khổ.

Nàng vốn là cháu gái của Cảnh Nhân cung Hoàng hậu, cùng Tứ a ca Hoằng Lịch có cảm tình, nên bị Hi Quý phi chán ghét. Về sau, Cảnh Nhân cung Hoàng hậu mắc trọng tội, khiến gia tộc Ô Lạt Na Lạp liên lụy nên nàng phải nhượng bộ và hòa hoãn với Hi Quý phi, lúc này đã trở thành Thái hậu Sùng Khánh. Cái tên Như Ý mà Thái hậu ban cho, ý rằng "mỹ hảo an tĩnh", nhắc nhở nàng phải bình tĩnh mới có thể vượt qua cuộc sống hậu cung. Như Ý trải qua bao âm mưu, từng bị phế truất và đày vào lãnh cung, rồi từng bước lên ngôi mẫu nghi thiên hạ.

Ngoài ra, những nhân vật khác, từ Càn Long, Phú Sát Hoàng hậu, Du Phi, Lệnh Phi... mỗi một nhân vật dù chính hay tà đều có màu sắc riêng, có chiều sâu về nội tâm và có quá trình chuyển hóa thiện-ác đan xen hết sức tinh tế. Sống trong Tử Cấm Thành khốc liệt, không một ai trong số họ chưa từng giở thủ đoạn để sinh tồn, để đấu tranh vì mục đích riêng và để bảo vệ những người mình yêu thương.

Tương tự Chân Hoàn truyện, Như Ý truyện cũng được xây dựng tình huống, lời thoại, âm mưu theo phong cách bóng gió, gắp lửa bỏ tay người, ẩn ý. Không bao giờ có kiểu nói "huỵch toẹt" mưu kế hay ngồi giải thích cho khán giả hiểu. Chính vì điều này, mạch phim có phần chậm rãi nhưng tự nhiên, khắc họa đúng bản chất hậu cung tiềm tàng nguy hiểm. Các sự kiện nhỏ nối tiếp để tạo nên một sự kiện lớn. Những dấu hiệu vụn vặt tưởng không quan trọng lại được cài cắm khéo léo trong khắp các cảnh phim.

Điển hình như chi tiết Thái hậu muốn thử lòng Như Ý nên đã bắt nàng thủ hiếu ba năm tại tiềm đệ. Một mặt giam lỏng nàng, một mặt lại ngấm ngầm ép nàng thuyết phục Hoàng Thượng cho Thái hậu chuyển tới Từ Ninh cung, thay vì sống ở Thọ Khang cung. Đây là chi tiết mang nhiều lớp lang tầng nghĩa, vừa thể hiện mối quan hệ phức tạp của Càn Long với mẹ kế, vừa thể hiện mưu mô của bà khi luôn muốn bảo toàn địa vị. Đồng thời, nó còn là minh chứng cho sự “cao tay” của Thái hậu khi chỉ dùng một chiêu thức mà thỏa mãn đến ba, bốn mục đích.

Với khán giả đại chúng, nếu không quen với dòng phim cung đấu truyền thống, rất dễ cảm thấy Như Ý truyện nhàm chán, thiếu sức lôi cuốn, lê thê chậm chạp. Tuy nhiên nếu đã lỡ say mê bộ phim này, người xem sẽ hiểu được dụng ý mà đạo diễn đan cài qua từng bối cảnh, từng chi tiết. Tất cả đều là một quá trình vừa đủ để chuẩn bị cho loạt cao trào hứa hẹn sẽ ngày càng hấp dẫn về sau. Hiện tại sau một tuần lên sóng, Như Ý truyện đã cán mốc 1 tỷ lượt xem trên Tencent, một con số chứng tỏ bộ phim vẫn có chỗ đứng vững vàng giữa "cơn bão Diên Hy công lược".

Diên Hy công lược - ngôn tình núp bóng cung đấu

Nhắc đến Diên Hy công lược, tất cả những gì hấp dẫn nhất của bộ phim này chủ yếu về mối quan hệ yêu đương giữa các nhân vật chính. Hay nói cách khác, thực chất Diên Hy công lược chỉ là một bộ phim tình cảm thần tượng trá hình dưới lốt phim cung đấu.

Điểm cộng của bộ phim là biên kịch Vu Chính đã nhào nặn ra những nhân vật rất dễ được lòng công chúng. Đó là một nữ chính Ngụy Anh Lạc (Ngô Cẩn Ngôn) theo motif "nữ cường" mạnh mẽ, ngổ ngáo, luôn bảo vệ lẽ phải trong hậu cung; đó là một Phú Sát Hoàng hậu (Tần Lam) xinh đẹp, hiền lành. Đó là Phó Hằng (Hứa Khải) - "chàng trai năm ấy chúng ta cùng theo đuổi", một lòng chung tình với nữ chính cho đến khi tử trận nơi chiến trường; hay là Hoàng thượng Càn Long (Nhiếp Viễn), bậc đế vương cá tính mạnh mẽ, bề ngoài thì ghét bỏ Anh Lạc nhưng thực chất đã yêu nàng lúc nào không hay.

Ngô Cẩn Ngôn trong vai Ngụy Anh Lạc.

Những tuyến nhân vật "nữ cường", "nam cường", "nam nhược", "nữ nhược" này rất thường thấy trong các tiểu thuyết ngôn tình. Việc đan cài giữa vài tình tiết cung đấu "tỏ ra nguy hiểm" làm nền cho những mối tình rung động bi thương nơi cung cấm đã tạo nên hiện tượng khủng khiếp khiến khán giả mọi nơi đổ xô theo dõi.

Có thể nói rằng cuộc tình tay ba giữa Anh Lạc và hai "soái ca" Càn Long - Phó Hằng đã tạo nên sức lôi cuốn khó cưỡng với đông đảo người xem. Đặc biệt, tình yêu đẹp đẽ, trong sáng mang dấu ấn "thanh xuân" của Phó Hằng và Anh Lạc chính là thỏi nam châm hút fan bậc nhất Diên Hy công lược. Cho đến khi Phó Hằng qua đời, câu nói mùi mẫn của chàng dành cho Anh Lạc cũng khiến khán giả "khóc ròng" và day dứt mãi không thôi về mối tình dang dở: "Ngụy Anh Lạc, kiếp này ta bảo vệ nàng đã đủ rồi. Sang kiếp sau đổi lại là nàng bảo vệ ta có được không?".

Bên cạnh chuyện tình tay ba tay tư mùi mẫn, Diên Hy công lược còn hút mắt khán giả với phục trang, bối cảnh hoành tráng, đẹp mắt, sang trọng mang hơi hướng "vintage", khác hẳn với nhiều bộ phim cổ trang lòe loẹt trước đây.

Mối tình Anh Lạc - Phó Hằng khiến khán giả mê mệt.

Ban đầu khi rục rịch ra mắt, nhà sản xuất hứa hẹn Diên Hy công lược sẽ là một bộ phim cung đấu bom tấn của màn ảnh Hoa ngữ 2018. Với sự góp mặt của "nữ hoàng cung đấu" Xa Thi Mạn (vai Nhàn Phi), người xem càng thêm phấn khích chờ đón một tác phẩm gay cấn, kịch tính hàng đầu. Quả thực, phim xứng đáng là hit drama hàng đầu năm nay nhưng nếu gọi là phim cung đấu thì vẫn chưa đủ tầm. Về khoản đấu đá hậu cung, "mưu hèn kế bẩn", các chi tiết trong Diên Hy công lược quá đơn giản, nhẹ nhàng, thậm chí là ngây ngô đến hài hước. Thậm chí khán giả còn tiếc nuối cho vai Nhàn Phi của Xa Thi Mạn vì nhân vật này không có nhiều đất "dụng võ" so với thời lượng lên hình của các nhân vật khác.

Nữ chính Anh Lạc được biên kịch xây dựng rất hoàn hảo, vừa giỏi thêu thùa, may vá, vừa tinh thông cả địa lý, lịch sử, văn hóa, thơ ca. Thậm chí các loại thuốc cũng am hiểu hơn cả các vị phi tần và cung nữ. Anh Lạc thường xuyên phải đối phó với những sự phá hoại lặp đi lặp lại, và cũng nhanh chóng vượt qua bất kỳ âm mưu và trả thù kẻ ác trong... một nốt nhạc. Cô nàng còn rất may mắn khi chỉ nhập cung một tháng đã trở thành người thân cận bên cạnh Hoàng hậu. Tuy chỉ là một cung nữ nhỏ bé, chưa rành chuyện hậu cung nhưng hết lần này đến lần khác đoán được những âm mưu thâm độc của các vị phi tần, thậm chí hãm hại ngược lại họ.  Ví dụ, trước mặt Thái hậu, Anh Lạc từng tố Cao Quý phi thường xuyên múa hát để quyến rũ Hoàng thuợng. Bị một cung nữ vu oan, thế nhưng một Quý phi cũng không dám lên tiếng đáp trả Anh Lạc. Dù vậy, Anh Lạc chưa lần nào bị phạt đòn,  cái chết cũng chưa từng đe dọa cô.

Yếu tố giải quyết mâu thuẫn gọn gàng nhanh lẹ đến mức phi logic này khiến nhiều người chê bai Vu Chính "mèo lại hoàn mèo", "tưởng cung đấu thế nào hóa ra cung đấu thế này". Nhiều khán giả bình luận rằng, Diên Hy công lược là phim xây dựng theo motif "anh hùng hóa" nữ chính. Trên đời này làm gì có một cung nữ nào mới vào cung đã gây ra đủ chuyện, cãi cọ nhem nhẻm, ngang nhiên đối đáp với phi tần, hoàng thượng, mà vẫn sống sờ sờ ra như vậy? Đổi lại nếu Anh Lạc mà xuất hiện trong Chân Hoàn truyện, chỉ ngay tập 1 thôi nàng sẽ "đi bán muối" ngay lập tức chứ không hề có sức mạnh thiên hạ vô địch như trong phim của Vu Chính. 

Chính vì Diên Hy công lược không chú trọng đến tôn ti trật tự trong hậu cung, không chú trọng vào các lớp lang ý nghĩa thâm sâu, "hack não" thường thấy của phim cung đấu, tác phẩm này bị một nhóm fan chê bai không tiếc lời, khẳng định là phim "tạo hình phụ huynh, nội dung học sinh" theo motif phim thần tượng "rẻ tiền".

Thắng thua - khán giả tự trả lời

Nhiều fan chân chính của phim cung đấu sẽ không thích Diên Hy công lược "thùng rỗng kêu to" mà chỉ mê mẩn Như Ý truyện. Ngược lại, đa số khán giả đại chúng lại cho rằng Diên Hy công lược mới là "cực phẩm", còn Như Ý truyện vừa nhạt vừa dài dòng, lại "kém sắc".

Như Ý truyện kén khán giả...
...trong khi Diên Hy công lược phù hợp thị hiếu số đông người xem.

Nếu xét một cách công bằng, mỗi bộ phim đều có điểm cộng và điểm trừ riêng biệt, phù hợp với những đối tượng khán giả khác nhau. Diên Hy công lược dưới ngòi bút của biên kịch lắm chiêu trò Vu Chính, đã pha trộn được một cách hài hòa giữa ngôn tình, hài hước, tâm lý tình cảm cộng với một vài yếu tố đấu đá hậu cung. Bộ phim được cho là tác phẩm có sức đua đường dài mạnh mẽ. Nguyên nhân bởi vì nhiều khán giả chỉ cần một bộ phim với công thức cơ bản: tình yêu lãng mạn + nội dung đơn giản + diễn viên/trang phục đẹp mắt, vậy là đủ để giải trí nhẹ nhàng sau một ngày làm việc, học tập căng thẳng.

* Trailer mới của 'Như Ý truyện'

Trailer Như Ý truyện - bão táp hậu cung
 
 

Còn Như Ý truyện không dành cho đại chúng nhưng cũng không vì thế mà kém hấp dẫn bởi "đường dài mới biết ngựa hay". 14 tập đã phát sóng chỉ là màn dạo đầu nhẹ nhàng, báo hiệu cho giai đoạn mới có tên "bão táp hậu cung" như nhà sản xuất vừa tung trailer mới. Có thể so với Chân Hoàn truyện, Như Ý truyện vẫn thua kém ở một số mặt. Tuy nhiên bộ phim vẫn được đánh giá cao ở những chi tiết ẩn ý đúng chất cung đấu, những bối cảnh hoành tráng mà Diên Hy công lược chưa khai thác được (ví dụ như cảnh đăng cơ của Càn Long đế huy động tới 1.000 diễn viên quần chúng). 

Cuộc chiến bất phân thắng bại giữa hai tác phẩm có cùng thời đại lịch sử, có cùng tuyến nhân vật (nhưng chính - tà trái ngược) này dự kiến vẫn sẽ còn diễn ra dữ dội từ nay cho đến về sau. Để khẳng định bên thắng, bên thua, mỗi khán giả sẽ tự có câu trả lời cho riêng mình.

Bích Hà