Thứ hai, 8/7/2019, 21:43 (GMT+7)

Trung Quốc hạn chế phim cổ trang: Chôn vùi 'đặc sản' hay mở ra cơ hội hồi sinh?

Phim cổ trang là 'đặc sản' của làng phim Hoa ngữ. Tuy nhiên, từ 2018, nhiều dự án cổ trang phải trải qua hành trình lên sóng vô cùng chật vật.

Hồi tháng 3, cộng đồng mọt phim Hoa ngữ hoang mang trước thông tin về "lệnh cấm chiếu phim cổ trang", áp dụng với tất cả thể loại như võ hiệp, giả tưởng, xuyên không, cung đấu, dã sử, thần thoại... trên cả webdrama và truyền hình. Sau đó, Cục điện ảnh Trung Quốc đã hủy lệnh cấm nói trên do vấp phải sự phản đối lớn từ dư luận. Tuy nhiên, các bộ phim cổ trang từ đó phải chấp nhận một số quy định khắt khe mới được lên sóng.

1. Hoãn chiếu phút... 89

Cửu Châu phiêu miểu lục là một trong những bom tấn truyền hình được mong chờ nhất 2019. Phim dự định lên sóng tập đầu tiên vào 22h ngày 3/6/2019 trên Tencent, Youku và đài Chiết Giang. Tuy nhiên, chỉ 20 phút trước giờ chiếu, dự án này đã bị hủy bỏ. 

 Diễn viên Tống Tổ Nhi trong vai nữ chính Vũ Nhiên của Cửu Châu phiêu miểu lục.

Cửu Châu phiêu miểu lục được chuyển thể từ tiểu thuyết sử thi giả tưởng cùng tên của nhà văn Giang Nam. Phim lấy bối cảnh là thế giới "Cửu Châu", kể về những nhân vật chính là Lữ Quy Trần, Cơ Dã, Vũ Nhiên. Mặc dù được đầu tư 500 triệu tệ và quy tụ dàn diễn viên tên tuổi như Lưu Hạo Nhiên, Tống Tổ Nhi, Trần Nhược Hiên..., phim vẫn không tránh khỏi số phận "chết yểu". Theo Youku, vì lý do truyền thông, Cửu Châu phiêu miểu lục không được phát sóng theo đúng lịch. Phía đoàn phim cũng không biết đến khi nào phim mới được chiếu. Trong khi đó, dư luận cho rằng sự lỡ hẹn đầy tiếc nuối này xuất phát từ việc phim không vượt qua nổi khâu kiểm duyệt từ Cục điện ảnh. Theo cập nhật mới nhất cuối tháng 6, Cửu Châu phiêu miểu mục đang phải cắt ghép lại nội dung và giảm số tập.

Poster Đại Minh Phong Hoa

Một dự án quy tụ dàn diễn viên nổi tiếng là Đại Minh Phong Hoa cũng từng được định ngày lên sóng vào đầu tháng 6 trên đài Hồ Nam. Tuy nhiên vì vấn đề nội dung, khán giả vẫn chưa biết tới bao giờ mới được thưởng thức tác phẩm này. Đây là bộ phim lịch sử cổ trang do đạo diễn Trương Đình chỉ đạo, cải biên từ tiểu thuyết Lục triều ký sự của tác giả Liên Tĩnh Trúc Y. Phim lấy bối cảnh vào đầu thời Minh, khi đất nước Trung Hoa còn đang trong thời thịnh thế, kể câu chuyện truyền kỳ về nàng Tôn Nhược Vi (Thang Duy), người trải qua 6 triều đại với 5 vị hoàng đế.

Đây chỉ là hai ví dụ trong số rất nhiều những dự án bị chậm trễ lịch chiếu trong bối cảnh căng thẳng của ngành công nghiệp phim truyền hình Hoa ngữ. Trước đó, những cái tên như Tân Bạch nương tử truyền kỳ, Trường An 12 canh giờ, Cẩm Y Chi Hạ... đều phải trải qua hành trình kiểm duyệt vô cùng chật vật mới được lên sóng. Trong khi đó, một số "bom tấn" hiện vẫn chịu cảnh "xếp kho" như Ba Thanh truyện, Khánh Dư Niên, Thứ nữ Cẩm Lan...

2. Những tác phẩm xuyên tạc lịch sử

Những năm gần đây, Trung Quốc đưa ra nhiều quy định trong sản xuất và phát sóng chương trình truyền hình, trong đó có hạn chế phim cổ trang, đặc biệt là dòng phim cung đấu. Công văn phát hành hồi đầu 2018 của SARFT (Cục quản lý nhà nước về Phát thanh và Truyền hình Trung Quốc) nêu rõ: nghiêm cấm đài truyền hình cấp 1 phát sóng phim lịch sử cải biên bừa bãi, đề tài vô căn cứ. Ngoài ra, mỗi năm, mỗi đài truyền hình chỉ được phép chiếu 2 phim cổ trang vào giờ vàng buổi tối.

Ba Thanh truyện, "bom tấn" có sự góp mặt của Phạm Băng Băng, đã bị hoãn chiếu vô thời hạn.

Quy định về hạn mức này dẫn đến một loạt phim quay trước đó phải xếp hàng chờ phát sóng, hoặc chuyển sang hình thức chiếu mạng (webdrama). Tuy nhiên, từ giữa 2018 đến nay, Cục điện ảnh Trung Quốc đã mạnh tay hơn đối với cả phim chiếu mạng, bắt đầu thực thi "thống nhất tiêu chuẩn trên mạng ngoài mạng".

Nguyên nhân khiến chính quyền Trung Quốc trở nên khắt khe với dòng phim cổ trang, vốn là một "đặc sản" tạo nên lợi nhuận khổng lồ cho ngành công nghiệp điện ảnh, xuất phát từ chất lượng phim ngày càng đi xuống. Shi Wenxue, một nhà phê bình phim và truyền hình tại Bắc Kinh, nói rằng các bộ phim cổ trang gần đây có nội dung cẩu thả, thường xuyên tạc lịch sử, làm sai lệch câu chuyện về đất nước trong quá khứ. Ngay cả trang phục, kiến trúc, đạo cụ của các nhân vật trong phim cũng bị cho là quá "tân thời", sáng tạo vô lối...

Ba Thanh truyện (Thắng thiên hạ), tác phẩm có sự tham gia của Phạm Băng Băng, với kinh phí đầu tư 500 triệu tệ, bị hoãn chiếu vô thời hạn bởi những "vấn đề" về nội dung. Phim bị chỉ trích là cố tình bóp méo lịch sử về nhân vật Ba Thanh. Đây là quả phụ nổi tiếng thời nhà Tần. Sau khi chồng mất, bà thủ tiết cả đời và còn được chính Tần Thủy Hoàng sắc phong là "Trinh phụ". Tuy nhiên, trong Ba Thanh truyện, nhân vật này lại bị cưỡng hiếp và có mối quan hệ tình cảm với Tần Thủy Hoàng, đây là điều đi ngược lại với những ghi chép lịch sử.

Phim cung đấu đang là đề tài hot hàng đầu làng phim Hoa ngữ.

Dòng phim cung đấu những năm gần đây trở thành "cái gai" trong mắt các nhà quản lý điện ảnh Trung Quốc. Sau thành công của Thâm cung nội chiến (2004), hàng loạt phim lấy đề tài hậu cung, tranh chấp quyền lực cung đình ra đời. Chính vì dòng phim này rất ăn khách, các biên kịch sau này đã thêm thắt không ít chi tiết hư cấu, biến hình tượng nhân vật có thật trong lịch sử trở nên "sai trái". 

Hồi tháng 1, tờ Nhật Báo Bắc Kinh thẳng thắn chỉ ra 5 "đại tội" của loạt phim cung đấu như Chân Hoàn truyện, Mị Nguyệt truyện, Bộ bộ kinh tâm, Diên Hy công lược, Như Ý truyện... Theo đó, 5 điểm "xấu xí" của phim cung đấu bao gồm: Dòng phim này khiến nhiều người bị ám ảnh với cuộc sống hoàng tộc, sử dụng những câu từ trong phim vào cuộc sống đời thường; Âm mưu thủ đoạn gây ảnh hưởng xấu đến xã hội; Tô điểm hình ảnh đế vương thần tướng khiến họ trở thành "thần tượng"; Lối sống xa hoa trong phim tác động đến tính cách cần kiệm của con người; Các nhà làm phim chỉ nghĩ đến giá trị thương mại.

Như Ý truyện (Châu Tấn, Hoắc Kiến Hoa, Trương Quân Ninh...), tác phẩm truyền hình đình đám năm 2018, đã chịu cảnh "đắp chiếu" nhiều năm mới được lên sóng. Bộ phim đã cắt bỏ nhiều cảnh quay tàn ác nhưng vẫn vấp phải một số ý kiến tranh cãi. Trong mắt khán giả, hậu cung của vua Càn Long (Hoắc Kiến Hoa) chỉ toàn là các nữ nhân suốt ngày bày mưu tính kế hãm hại người khác. Nhân vật Nguỵ Yến Uyển (Lý Thuần) cũng phải đổi họ thành Vệ Yến Uyển trên phim để tránh ảnh hưởng đến hình ảnh Lệnh phi trong lịch sử.

3. Khi phim ảnh xa rời... chính trị

Hồi tháng 3/2018, Tổng cục Báo chí và Xuất bản, Phát thanh, Điện ảnh và Truyền hình Trung Quốc (SAPPRFT) đã bị bãi bỏ. Thay vào đó, cục sẽ chia thành ba cơ quan hành chính nhà nước khác nhau. Cục điện ảnh mới được gọi là NRTA, trực thuộc Ban tuyên truyền Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Theo BBC, Bắc Kinh mong muốn kiểm soát hình ảnh của Trung Quốc trong quá khứ và cả hiện tại. Các chuyên gia cho rằng những quy định hạn chế phim ảnh được thực hiện với mục đích sửa chữa lại quan điểm sai lệch của khán giả về văn hóa, lịch sử. Những đề tài giả tưởng cổ trang không phù hợp với hình ảnh đất nước mà Trung Quốc muốn miêu tả, tính thương mại một chiều làm suy yếu những dẫn dắt tinh thần tích cực, đồng thời làm "ô nhiễm xã hội hiện đại".

Diên Hy công lược từng bị "ném đá" vì có kịch bản "ngôn tình đội lốt cung đấu".

Trước đây có những tác phẩm nổi tiếng miêu tả về cuộc cải cách nông thôn hay cuộc sống gia đình thành thị, hoặc một số phim cổ trang bám sát tư tưởng chính trị như Vương triều Ung Chính (1999)... nhưng càng về sau, các biên kịch càng chú trọng vào những cốt truyện cổ trang, huyền ảo.

Nhà nghiên cứu Shenshen Cai trong cuốn sách Phim truyền hình Trung Quốc đương đại (2017) cho hay, nhiều bộ phim cổ trang thời gian gần đây gây được tiếng vang với khán giả, thành công về mặt thương mại, nhưng lại không phù hợp với hệ tư tưởng chính. Do đó, các cơ quan quản lý truyền hình cần thắt chặt khâu kiểm duyệt, tránh những trường hợp "để lọt sạn" lên màn ảnh nhỏ.

4. Cơ hội hồi sinh hay tự chôn vùi 'đặc sản'?

Những quy định về việc hạn chế phim cổ trang gây tranh cãi lớn trong cộng đồng mạng Trung Quốc cũng như một số nước châu Á. Nhiều khán giả lo sợ tương lai "mịt mù" của dòng phim ăn khách mang tính "thương hiệu" của làng phim Hoa ngữ. Thậm chí nhiều fan còn đùa rằng, có lẽ từ nay trở về sau chỉ nên xem phim... tài liệu. 

Theo một số liệu của NRTA trong quý I/2019, các bộ phim cổ trang chỉ còn chiếm 11,6% trong số các bộ phim truyền hình mới được đăng ký, giảm 20% so với 2018, mặc dù phim cổ trang thường chiếm tỷ lệ người xem và quảng cáo nhiều nhất.

Sau quá trình kiểm duyệt khó khăn, Trường An 12 canh giờ đã được lên sóng hồi tháng 6. Bộ phim được đánh giá cao về chất lượng kịch bản lẫn diễn xuất của diễn viên.

Tuy nhiên, ở góc nhìn quản lý, chính quyền Bắc Kinh đã nhìn xa trông rộng về những ảnh hưởng tiêu cực mà phim cổ trang mang lại. Không thể phủ nhận lợi nhuận lớn từ dòng phim này, tuy nhiên sự xuất hiện ào ạt của các tập đoàn chiếu phim trực tuyến đã dẫn tới số lượng phim "mì ăn liền" tăng chóng mặt. Điều này dẫn đến chất lượng đi xuống cùng sự thiếu kiểm soát về mặt nội dung, ảnh hưởng xấu đến văn hóa. Chính sách chỉ là một phần, quan trọng nhất vẫn là nội dung. Nếu đáp ứng được những tiêu chuẩn mà Cục đề ra, sẽ chẳng có trở ngại nào ngăn cách phim đến với khán giả.  

Nếu như 2014-2017 là thời gian bùng nổ phim cổ trang, thì đây lại là thời điểm để những quy định, tiêu chuẩn điện ảnh chính thống đi vào quỹ đạo vốn có. Cần phải có những tiêu chuẩn khắt khe để đưa dòng phim cổ trang trở thành đề tài "ít nhưng chất lượng", chú trọng vào nội dung và diễn xuất của diễn viên, từ đó tạo ra được các tác phẩm "đỉnh cao".

Casablanca