Thứ hai, 20/8/2018, 19:56 (GMT+7)

Vì sao nhiều khán giả không mê nổi dòng phim cung đấu u ám, tàn độc?

Trong khi những bộ phim đấu đá nội cung đang khiến các trang phim online tắc nghẽn, vẫn có những khán giả quyết không phí thời gian cho dòng phim xoáy sâu vào ân oán hận thù này.

Quá nhiều tình tiết, âm mưu 'hại não'

Kể từ khi Thâm cung nội chiến (2004) ra đời và tạo nên trào lưu phim cung đấu, có nhiều tác phẩm ăn khách đến mức khiến khán giả "quên ăn quên ngủ". Có thể kể qua một vài phim nổi bật như Cung tâm kế (2009), Mỹ nhân kế (2010), Chân Hoàn truyện (2012). Gần đây, phim cổ trang Diên Hy công lược nổi lên như một hiện tượng bất ngờ khiến hàng triệu khán giả "đứng ngồi không yên".

Tuy nhiên, không phải ai cũng "phát cuồng" vì loại phim này. Một trong những lý do lớn nhất khiến một bộ phận khán giả từ chối tham gia vào cơn lốc cuồng phim cung đấu Trung Quốc, là... nội dung phim quá "hại não".

Thâm cung nội chiến do TVB sản xuất, lên sóng năm 2004.

Như tên gọi, tất cả các tác phẩm khai thác đề tài này đều dựa trên những chi tiết có thật trong lịch sử Trung Quốc để miêu tả cuộc đấu đá, tranh giành quyền lực và ân sủng chốn hậu cung của dàn phi tần mỹ nữ. Bất kể là thời đại vua nào, từ Gia Khánh (Thâm cung nội chiến), Ung Chính (Chân Hoàn truyện) đến Càn Long (Diên Hy công lược, Như Ý truyện), một khi đã lao vào cuộc chiến tranh sủng, phi tần mỹ nữ đều ra tay tàn độc, không từ thủ đoạn để đạt được mục đích. 

Sống trong Tử Cấm Thành, không nhẫn tâm đồng nghĩa với việc tự đẩy mình vào cái chết. Trong Thâm cung nội chiến, các nhân vật đều chính-tà lẫn lộn. Cuộc chiến khốc liệt tranh giành quyền lực hậu cung khiến Nhĩ Thuần (Xa Thi Mạn), Ngọc Doanh (Lê Tư), An Xuyến (Trương Khả Di), Như Phi (Đặng Tụy Văn)... không thể tin tưởng được nữ nhân nào ngoài bản thân mình. Hôm nay có thể là chị em thân thiết, ngày mai lại sẵn sàng trở mặt cạnh tranh. Ngoài ra, cuộc sống của nô tỳ, thái giám, thị vệ, thái y đều khổ sở, liều lĩnh. 

Những bộ phim cung đấu kinh điển nhất của màn ảnh Trung Quốc
 
 
OST 'Thâm cung nội chiến'.

Sống trong cung cũng đâu thể giả câm giả điếc không màng thế sự. Giống câu nói của một nhân vật trong Thâm cung nội chiến: "Hôm nay con giúp bà ta một việc, cả đời bà ta cũng không buông tha cho con. Con mãi mãi không thể thoát ra được", đây không đơn thuần là cuộc chiến của phi tần trong cung mà mọi người khác đều sẽ bị liên đới, lực bất tòng tâm nhìn vận mệnh đời mình rơi vào tay kẻ khác.

Sự đấu đá giữa các nữ nhân khủng khiếp không kém một trận chiến, có đổ máu, có mất mạng. Họ không cầm gươm giết nhau, họ hạ đối phương bằng lời nói thâm độc, bằng những cử chỉ nhẹ nhàng quan tâm nhưng bên trong là thuốc độc, là những sự vu cáo đến mức mất mạng. 

Trong Diên Hy công lược, Cao Quý phi (Đàm Trác) là nhân vật phản diện chính của giai đoạn đầu bộ phim. Nhân vật này hống hách, lộng quyền trong hậu cung, bày nhiều mưu kế, thủ đoạn để hãm hại cung nữ Nguỵ Anh Lạc và cố gắng làm Hoàng hậu mất mặt. Khán giả không ít lần giận run người trước sự hống hách, kiêu căng của nàng. Tuy nhiên, Cao Quý phi vẫn chưa là gì so với "át chủ bài" Nhàn Phi (Xa Thi Mạn). Dần dần, "trùm cuối" Nhàn Phi lộ diện, trái ngược với vẻ an phận ban đầu. Cứ mỗi lần nhân vật Nhàn Phi hạ được một đối thủ, nàng lại... cắt tim một ngọn đèn đang sáng. Hình ảnh đó khiến khán giả không khỏi rùng mình vì nữ nhân này không khác những kẻ sát thủ biến thái trong phim kinh dị. 

Không phải Cao Quý Phi (Đàm Trác)...
... Nhàn Phi (Xa Thi Mạn) mới là nhân vật phản diện ghê gớm nhất 'Diên Hy công lược'.

Nhưng mưu mô toan tính trong Diên Hy công lược vẫn thuộc hàng "nhẹ đô" so với Thâm cung nội chiến hoặc Chân Hoàn truyện. Trong Chân Hoàn Truyện, Hoa Phi (Tưởng Hân) hay Hoàng hậu Nghi Tu (Thái Thiếu Phân) đều có những chiêu "gắp lửa bỏ tay người" tàn độc để hạ gục đối thủ khiến khán giả không khỏi ngỡ ngàng, ám ảnh. 

Đặc biệt, trong Chân Hoàn truyện, nhiều khán giả vẫn ám ảnh khi nhớ tới sự lạnh lùng tàn nhẫn của Ung Chính (Trần Kiến Bân). Vị vua đa nghi này vì muốn đảm bảo ngai vàng, đã không từ thủ đoạn để kìm hãm anh trai Hoa Phi, tướng quân Niên Canh Nghiêu. Thậm chí ông còn nhẫn tâm phá bỏ cái thai trong bụng Hoa Phi, dùng Đoan Phi (Lý Nghi Quyên) làm nước cờ thế thân.

Chính vì nội dung luôn xoay quanh "mưu hèn kế bẩn" của đủ thể loại nhân vật , phim cung đấu không dành cho những khán giả yêu thích thể loại nhẹ nhàng, hài hước, thư giãn. Có người còn khuyến cáo rằng không nên xem phim cung đấu nếu không muốn cảm thấy... mất hết niềm tin vào con người.

Hệ thống nhân vật đồ sộ, mạch phim chậm rãi

Đặc trưng của dòng phim cung đấu là khai thác tỉ mỉ, chi tiết từng giai đoạn, chặng đường thâu tóm quyền lực của những nhân vật chính. Motip của phim cung đấu thường diễn biến theo mạch: bắt đầu nữ chính nhập cung sau cuộc tuyển tú nữ, sau đó sẽ là giai đoạn nữ chính bị nhiều thế lực hãm hại, rồi mới vùng lên tự cứu mình, thâu tóm quyền lực của tam cung lục viện.

Đã là một cuộc tranh đấu quyền lực và tình yêu nơi cung cấm, mạch phim không thể giải quyết trong "một sớm một chiều". Thậm chí có khán giả còn bình luận hài hước rằng, xem phim cung đấu là "dành cả thanh xuân để nhìn các nương nương đi từ cung này sang cung khác để nói với nhau đôi lời".

Năm 2012, Chân Hoàn truyện gây bão khắp châu Á là thế nhưng vẫn có những lời chê về mạch phim lê thê dài dòng. Nội việc tranh sủng giữa các phi tần cũng khiến khán giả "sốt hết cả ruột". Ung Chính là vị vua đa nghi và tàn nhẫn nên các nữ nhân phải cẩn thận trăm bề, dốc tâm đổ lực, không dễ gì có được ân sủng của ngài. Đối nhân xử thế trong cung cũng rất tỉ mỉ, cách nói chuyện vòng vo, ám chỉ, không phải kiểu "đánh nhanh thắng nhanh" của các thể loại phim khác.

Tiếp nối Diên Hy công lược, Như Ý truyện được dự đoán gây bão thời gian tới.

Phim sắp sửa ra mắt Như Ý truyện được nhà sản xuất giới thiệu là một bộ phim cung đấu có mạch truyện chậm rãi, thâm sâu, giống như Chân Hoàn truyện. Khác với Diên Hy công lược, mọi biến cố chỉ cần Nguỵ Anh Lạc (Ngô Cẩn Ngôn) "ra tay" trong chớp mắt đều có thể vượt qua, thì Như Ý truyện không phải vậy.

Không phải là cung đấu dạng tính kế xong rồi... giải thích cho khán giả hiểu, đối với phim "cung đấu chân chính", từng hành động, từng câu thoại đều có lý do, không thừa không thiếu. Có những chuyện kết thúc rồi khán giả chỉ có thể nghi ngờ khi tổng hợp những tình tiết chứ không hề có lời xác nhận chính thức từ những nhân vật. So với Diên Hy công lược, Như Ý truyện được dự đoán là thâm sâu, u ám, mưu kế hiểm độc và "máu me" hơn nhiều. Có lẽ một phần với kịch bản nhạy cảm như vậy nên phải mất đến 3 năm bộ phim mới vượt qua được vòng kiểm duyệt để sắp sửa ra mắt khán giả, dù dưới hình thức phim chiếu mạng.

Châu Tấn đảm nhiệm vai Ô Lạt Na Lạp Như Ý trong 'Như Ý truyện'.

Bên cạnh đó, phim cung đấu có một đặc điểm rất dễ khiến khán giả "nản lòng", đó là luôn có một hệ thống nhân vật phụ khổng lồ. Chỉ riêng việc nhớ hết tên tuổi, phong hiệu của các phi tần đã khiến khán giả đau đầu, chứ chưa nói đến đủ loại nhân vật a hoàn, thái giám và những sự kiện lịch sử "rối tung rối mù" khác. Chính vì vậy, không phải ai cũng đủ kiên nhẫn, đủ thời gian để "cày" hết mấy chục tập phim cung đấu.

Kết cục bi thảm

Trong khi những bộ phim tình cảm lãng mạn khiến khán giả thư giãn với những phút giây phát cuồng vì các kiểu yêu đương sến súa và an tâm vì biết sẽ có một "happy ending" chờ đợi phía trước, thì phim cung đấu ngược lại. 

Gần như không có bộ phim nào có một kết cục tốt đẹp với các nhân vật. Kẻ chết, người ở lại tiếp tục cuộc chiến, không chỉ để được hưởng vinh hoa phú quý, mà còn vì giữ lại mạng sống của mình.

Cái chết gây xót xa của Phú Sát hoàng hậu (Tần Lam) trong 'Diên Hy công lược'.

Trong Thâm cung nội chiến, Nhĩ Thuần (Xa Thi Mạn), Ngọc Doanh (Lê Tư), An Xuyến (Trương Khả Di), Như Phi (Đặng Tụy Văn)... lao vào cuộc chiến khốc liệt để đạt được ý muốn. Đến cuối cùng, những nhân vật có liên quan đều cô độc, đánh đổi lấy cái chết hoặc phải rời kinh thành mãi mãi. Đặc biệt, chuyện tình của Ngọc Doanh và ngự y Tôn Bạch Dương (Lâm Bảo Di) đã khiến khán giả ám ảnh mãi không thôi. Ngọc Doanh có tình cảm với Bạch Dương nhưng vì tham vọng quyền lực, nàng bất chấp thủ đoạn, kể cả lợi dụng người mình yêu và đứa con trong bụng. Kết phim, cả hai cùng ôm nhau chết trong biển lửa khi quân phản loạn kéo vào chiếm đóng hoàng cung.

Những cảnh bi thương lấy nước mắt trong 'Chân Hoàn truyện'.

Đối với Chân Hoàn truyện, bên cạnh cái chết ám ảnh của Hoa Phi, mối tình bi thương Chân Hoàn - Doãn Lễ (Lý Đông Học) cũng từng lấy nhiều nước mắt của người xem.

Ban đầu Doãn Lễ chỉ là thầm thương trộm nhớ "chị dâu" Chân Hoàn. Chàng chỉ dám nhìn từ xa vì ý thức được đây là mối tình ngang trái nên chỉ dám giấu trong lòng. Tưởng chừng khi Chân Hoàn rời cung, nàng và Doãn Lễ sẽ được hạnh phúc bên nhau. Nhưng vì cứu cha, cứu con của hai người, Chân Hoàn phải nhắm mắt quay về hậu cung – nơi mà nàng hận đến thấu xương. Sau này Ung Chính bắt Chân Hoàn hạ độc Doãn Lễ vì nghi hai người có tư tình. Để bảo vệ tính mạng của người mình yêu, Doãn Lễ đã tự uống thuốc độc, ra đi khi không kịp biết Hoằng Chiêm và Linh Tê là con ruột của mình. Cả đời hi sinh, cả đời một lòng một dạ yêu Chân Hoàn nhưng cuối cùng cái chết của Doãn Lễ lại quá nghiệt ngã.

Với tất cả những điều đó, cái lý của những người cự tuyệt phim cung đấu là ngoài một chút tác dụng giải trí, họ dường như không nhận được giá trị gì nhiều từ những bộ phim ngùn ngụt thù hận này.

B.H