Asia Thứ bảy, 20/7/2019, 15:10 (GMT+7)

24 cột mốc 'then chốt' trong lịch sử ba thế hệ thần tượng Kpop

Ngành công nghiệp Kpop không ngừng xoay vần, lớn mạnh và biến động sau gần 3 thập kỷ hình thành.

1. Lee Soo Man

Những năm 1970 của thế kỷ trước, Lee Soo Man (sinh năm 1952), nhà sáng lập SM Entertainment, được biết đến dưới vai trò ca sĩ. Ông có những bài hát gây chú ý như "Happiness", "One Piece of a Dream"... Năm 1980, ông thành lập "Lee Soo Man và 365", một trong những nhóm rock metal đầu tiên tại ngành công nghiệp âm nhạc Hàn Quốc. Nhưng tại thời điểm đó, chính phủ áp dụng chính sách kiểm duyệt truyền thông hết sức gắt gao.

Lee Soo Man.

Sau vài năm, Lee Soo Man sang Mỹ du học, tiếp xúc với nền văn hóa phương Tây cũng như cuộc cách mạng mang tên "MTV". Nhờ đó, ông từ bỏ ước mơ làm kỹ sư chế tạo robot, nuôi dưỡng tham vọng về một ngành công nghiệp giải trí chuyên nghiệp ở quê nhà. Có thể khẳng định Lee Soo Man có công rất lớn đối với lịch sử Kpop. Ông là người đã tạo ra nhiều ngôi sao ca nhạc, đi đầu trong việc tạo nên xu hướng Hallyu trên toàn thế giới. 

2. Thế vận hội mùa hè 1988

Bước ngoặt mang tính "then chốt" đối với Kpop chính là Olympic 1988. Sự kiện thể thao quốc tế quan trọng diễn ra tại Seoul từ ngày 17/9 đến 2/10. 

Trước đó, Hàn Quốc vẫn chưa tìm ra cách để quảng bá văn hóa ra thị trường quốc tế. Chỉ đến khi đăng cai Olympic 1988, chính phủ nước này mới gỡ bỏ những lệnh cấm khắt khe về du lịch và thương mại. Kể từ đây, ngành nghệ thuật nói chung và Kpop nói riêng, đã "manh nha" áp dụng những xu hướng toàn cầu vào sản phẩm của mình. Trong khi đó, công chúng cũng bắt đầu đón nhận những luồng gió văn hóa phương tây (thời trang, âm nhạc, ẩm thực...) đa dạng du nhập vào đất nước.
 3. Seo Taiji and Boys 

Cột mốc đánh dấu bước khởi đầu của Kpop chính là sự ra đời của nhóm nhạc nam Seo Taiji and Boys năm 1991 với 3 thành viên Seo Tai Ji, Lee Ju No và Yang Hyun Suk. Âm nhạc của nhóm mang nhiều nét nổi loạn và mạnh mẽ của phương Tây, khác hẳn so với âm nhạc Hàn Quốc lúc bấy giờ. Seo Taiji and Boys thử nghiệm những thể loại như rap, soul, rock, techno, punk, hay trot. Nhóm cũng sở hữu những điệu nhảy bắt mắt và cách biểu diễn sôi động chưa từng thấy - điều mà sau này đã trở thành "đặc sản Kpop".

4. SM Entertainment

Lee Soo Man thành lập SM Entertainment năm 1995, trở thành doanh nhân đầu tiên trong lĩnh vực âm nhạc tại Hàn Quốc. Ông xây dựng và đào tạo những lứa idol thế hệ đầu tiên, những ngôi sao với kỹ năng hát, nhảy, diễn xuất điêu luyện.

5. H.O.T

Sau khi Seo Taiji and Boys tuyên bố ngừng hoạt động năm 1995, Kpop rơi vào một thời gian ngắn trầm lắng. Một năm sau, H.O.T ra mắt. Khán giả Hàn Quốc xem đây là nhóm nhạc thần tượng đúng nghĩa đầu tiên, do Lee Soo Man "nhào nặn". Thành công vang dội của H.O.T đã mở đường cho hàng loạt nhóm nhạc idol thế hệ đầu tiên như Shinhwa, S.E.S., Fin K.L, Sechskies, Baby V.O.X và g.o.d lần lượt ra mắt những năm sau đó. 

H.O.T cũng là nhóm tiên phong, mở đầu cho những khái niệm thuộc văn hóa fandom của cộng đồng fan Kpop như màu bóng, fanclub, fanmeeting, fanfic...

6. YG và JYP Entertainment

Năm 1996, cựu thành viên Seo Taiji and Boys, Yang Hyun Suk thành lập YG Entertainment. Năm 1997, đến lượt nam ca sĩ Park Jin Young thành lập JYP Entertainment. Kể từ đây, ngành công nghiệp Kpop bắt đầu sôi động hơn với sự cạnh tranh giữa các công ty lớn.

7. Nhạc số 

Cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000, thị trường album đĩa cứng tại Hàn Quốc lung lay. Những nhóm nhạc "triệu bản" như g.o.d, Sechskies... đều dần tan rã. Nhạc số bắt đầu được phát hành trái phép tràn lan trên mạng còn các trang nghe nhạc trực tuyến chính thống vẫn chưa hình thành. Trong khi Mỹ và Nhật Bản dẫn đầu top thị trường âm nhạc lớn nhất thế giới với lần lượt 14 tỷ USD và 6,4 tỷ USD, Kpop thời bấy giờ chỉ có giá trị 30 triệu USD. Những ông lớn của ngành giải trí, trong đó dẫn đầu là SM, đã quyết định rằng Kpop phải hướng ra châu Á và thế giới.

8. Nhật Bản

Ngôi sao đầu tiên có sứ mệnh mở đường "khai phá" mảnh đất Nhật Bản chính là BoA. Thời điểm đó, việc sao Hàn phát hành các sản phẩm âm nhạc tại nước ngoài vẫn là điều chưa công ty nào dám thử nghiệm. SM với tầm nhìn xa trông rộng đã "đánh hơi" được tiềm năng tại đất nước mặt trời mọc. 

 Chủ tịch SM Lee Soo Man đã đầu tư 3 triệu USD để đào tạo BoA trong vòng 3 năm, để rồi cho cô debut năm... 13 tuổi (2000). Hai năm sau đó, BoA trở thành nghệ sĩ Hàn đầu tiên vào BXH Oricon. Những đĩa đơn như Listen to My Heart, Valenti, Best of Soul... nhanh chóng lập kỷ lục triệu bản. Màn mở đường thành công của BoA BoA đã tạo nên cơn sốt "Nhật tiến" của idol Hàn Quốc .

9. Trung Quốc

Tháng 2/2000, H.O.T tổ chức concert gây chấn động Trung Quốc. Boygroup nhà SM cũng là nghệ sĩ Hàn đầu tiên sở hữu fanclub ở xứ đại lục. Trước ảnh hưởng của H.O.T, tờ Nhật báo Thanh niên Bắc Kinh lần đầu dùng từ "làn sóng Hallyu" để miêu tả "sự thâm nhập đáng sợ của nền văn hóa Hàn Quốc".

10. DBSK

Sau thế hệ thần tượng đầu tiên, thị trường âm nhạc Kpop rơi vào tình trạng đình trệ, thiếu vắng những tên tuổi nổi bật. Năm 2003, SM cho ra mắt DBSK, nhóm nhạc huyền thoại với rất nhiều kỷ lục được lập nên. Tiếp nối BoA, DBSK có công đưa làn sóng Hallyu lan rộng ra ngoài biên giới Hàn Quốc, trở thành "siêu sao" tại Nhật Bản. Năm 2005, DBSK debut ở Nhật với single Stay with me tonight. Năm 2008, single Purple Rain xếp hạng nhất trên BXH Oricon, trở thành nhóm nhạc nam ngoại quốc đầu tiên, cũng như nghệ sĩ Hàn Quốc thứ hai đạt được thành tựu trên.

11. Super Junior

Tháng 11/2005, Super Junior trở thành nhóm nhạc Kpop đầu tiên có thành viên ngoại quốc trong đội hình, với sự xuất hiện của Han Geng (quốc tịch Trung Quốc). Nếu như SM dùng BoA và DBSK để tấn công thị trường Nhật Bản, thì Super Junior là "quân cờ" giúp công ty này "đánh chiếm" thị trường Trung Quốc. Năm 2008, nhóm nhỏ Super Junior-M ra mắt tại đại lục, trở thành nhóm nhạc nước ngoài đầu tiên hoạt động tại đất nước này.

12. Big Bang và Wonder Girls

Năm 2007 đánh dấu sự trỗi dậy của một loạt idol Kpop thế hệ hai. Trong đó, Wonder Girls (JYP) và Big Bang (YG) là 2 cái tên vĩnh viễn thay đổi cục diện của ngành công nghiệp âm nhạc xứ Hàn. Hai năm sau đó, Kpop bước vào "kỷ nguyên hoàng kim" trong lịch sử.

13. Lies

Âm nhạc của Big Bang đặt nền móng để thể loại hiphop điện tử trở thành xu hướng mới tại Hàn Quốc. Lies, bản hit đình đám năm 2007, chính là ca khúc thay đổi diện mạo Kpop. Bài hát này đứng đầu các BXH trực tuyến ở Hàn trong nhiều tuần, tạo nên cơn sốt toàn châu Á. Nhờ Lies, Big Bang đã xóa bỏ định kiến về "âm nhạc idol rẻ tiền", và còn đạt giải "Song of the Year" tại MKMF 2007.

14. K-Drama

Không thể không nhắc đến những bộ phim truyền hình Hàn Quốc trong dòng chảy lịch sử Kpop. Năm 2009 - 2010, "kỷ nguyên hoàng kim" của nền âm nhạc idol nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ nền công nghiệp phim ảnh nước nhà. Những bộ phim như Full House, Boys Over Flowers, Secret Garden... đã mang tiếng hát của các nghệ sĩ Hàn qua những bản OST phủ sóng khắp châu Á.

15. Loạt hit quốc tế

Nghệ sĩ Kpop đầu tiên tạo viral trên Youtube chính là Wonder Girls với bản hit Nobody (2008). Tiếp đó là Sorry Sorry (Super Junior), Gee (SNSD)... Truyền thông Hàn Quốc gọi Gee là "ca khúc của thập kỷ". Từ đây, SNSD cũng trở thành "girlgroup quốc dân", được hàng triệu khán giả Hàn yêu mến.

16. Mỹ tiến

Những năm 2000, các nghệ sĩ solo nổi tiếng của Kpop như BoA (SM), Se7en (YG) hay Bi Rain (JYP) đều lần lượt thử sức tại thị trường âm nhạc Mỹ. Tuy nhiên, Wonder Girls mới là nhân vật đầu tiên có chút thành tựu khi Mỹ tiến. Năm 2009, Nobody hạ cánh tại Billboard Hot 100  ở vị trí 76, trở thành bài hát đầu tiên của một nghệ sĩ Hàn Quốc có mặt trong bảng xếp hạng này. Tuy nhiên, Mỹ tiến chưa bao giờ là một hành trình dễ dàng. 

17. Vụ kiện của JYJ

Vào 2009, 3 thành viên Jae Joong, Jun Su và Yoo Chun tách khỏi DBSK, đệ đơn kiện công ty chủ quản SM vì "bản hợp đồng nô lệ". Vụ kiện này tạo ra sức ảnh hưởng mạnh mẽ, khiến không ít những nghệ sĩ Kpop thương lượng lại hợp đồng, cũng như buộc chính phủ quy định thời hạn tối đa cho mọi bản hợp đồng giải trí là 7 năm. Sau sự kiện này, DBSK chỉ còn hoạt động với 2 thành viên là Yun Ho - Chang Min. Đến năm 2012 vụ kiện mới kết thúc khi SM và JYJ đạt được thỏa thuận chung. Từ đó SM bắt đầu mang tiếng là công ty "hút máu" nghệ sĩ với những hợp đồng bóc lột sức lao động. 

18. 2NE1

2NE1 debut tháng 5/2009, được biết đến như là "Big Bang phiên bản nữ". Tiếp nối phong cách hiphop cá tính của đàn anh, girlgroup YG mang đến một concept chưa từng có trong lịch sử Kpop. Trước đây, nữ idol thường là những cô gái xinh đẹp thanh mảnh, ăn mặc sexy. 2NE1 phá vỡ nhiều định kiến khi có ngoại hình bình thường, style thời trang "quái dị". Nhóm đã trở thành một biểu tượng về "nữ quyền" tại Kpop.

19. Fandom

Từ 2010, Kpop bước sang kỷ nguyên kỹ thuật số phát triển mạnh mẽ, nhờ đó công cuộc toàn cầu hóa cũng thuận lợi hơn. Nhờ các diễn đàn và mạng xã hội, các fandom (fanclub của idol) đã lập nên nhiều chiến dịch lớn giúp phủ sóng tên tuổi idol, lập nên những thành tích trên trường quốc tế. Nổi bật nhất là giải "Best Worldwide Act" của Big Bang tại MTV EMA 2011.

20. Gangnam Style

Xu thế 'cày view' của fan Kpop: Âm nhạc để thưởng thức hay 'miễn cưỡng nghe'?
 
 

Trái ngược với những công thức truyền thống của Kpop, hiện tượng toàn cầu đúng nghĩa đầu tiên của ngành công nghiệp âm nhạc xứ Hàn, chính là Gangnam Style. Đây là bản hit được thể hiện bởi một nam ca sĩ lớn tuổi, ngoại hình mập mạp, không phải là những idol xinh đẹp nhưng chỉ hát live không quá 10 giây một bài. Ca khúc được yêu thích bởi giai điệu, hình ảnh và vũ đạo hài hước, sôi động.

Hiện tượng Gangnam Style đã đưa Kpop lên một tầm cao mới, trở thành một thị trường âm nhạc được biết đến rộng rãi trên khắp thế giới. Ca khúc này hot đến mức Youtube buộc phải nâng cấp bộ đếm view để chào đón MV đầu tiên đạt 1 tỷ view trong lịch sử.

21. EXO

EXO debut năm 2012, thuộc lứa idol thế hệthứ ba của Kpop. Sau nhiều năm thị trường album đĩa cứng tại Hàn bị tuột dốc, thì EXO chính là cái tên đã đưa danh hiệu "triệu bản" khôi phục. Mỗi album của nhóm đều có doanh số trên 1 triệu đĩa bán ra (tính cả album tái phát hành). EXO cũng là nhóm nhạc nam nổi tiếng hàng đầu ở Trung Quốc. Các fansite tại đại lục thường chi đến hàng tỉ đồng mỗi lần mua album ủng hộ EXO.

22. Jong Hyun (SHINee)

Ngày 18/12/2017, nam ca sĩ Jong Hyun, thành viên SHINee, tự tử sau nhiều năm chiến đấu với chứng bệnh trầm cảm. Cái chết của Jong Hyun khiến làng giải trí Hàn chấn động. Đằng sau những hình ảnh tươi cười rạng rỡ của idol, có thể là những tâm hồn vụn vỡ mà chẳng ai hay biết. Sự việc một ca sĩ thần tượng tự sát là một hồi chuông cảnh tỉnh đối với nền công nghiệp âm nhạc khắc nghiệt tại xứ kim chi. Đồng thời, người hâm mộ cũng yêu cầu các công ty điều chỉnh lịch trình làm việc, quan tâm hơn về sức khỏe, tinh thần nghệ sĩ.

23. BTS

Trong thời điểm Big 3 của Kpop (SM - YG - JYP) chững lại vào những năm 2016 - 2017, BTS vụt sáng với những thành tích không ai ngờ đến ở thị trường Mỹ. Từ một nhóm nhạc kém tên tuổi, BTS trở thành "hiện tượng" sau khi xuất hiện ở Billboard Music Awards 2017. Đó mới chỉ là sự bắt đầu. Năm 2018, BTS chiếm ngôi EXO để trở thành "ông hoàng Kpop". Truyền thông phương Tây bắt đầu gọi bảy chàng trai nhà Big Hit là "The Beatles thế kỷ 21" sau album Map of the Soul: Persona vừa phát hành tháng 4/2019. 

Đến nay, công chúng vẫn không ngừng kinh ngạc trước sức ảnh hưởng của BTS, không chỉ đối với Kpop mà còn với nền âm nhạc thế giới. BTS đã vươn ra mảnh đất chật hẹp của Hallyu, trở thành nhóm nhạc được yêu thích nhất và là một trong những nhân vật quyền lực nhất thế giới ở thời điểm hiện tại. Thậm chí đối với nhiều khán giả Âu Mỹ, BTS là một cá thể tách riêng với Kpop, một đẳng cấp mà không một nhóm nhạc thần tượng nào bắt kịp.

24. Burning Sun Gate

Kể từ thời Seo Taiji and Boys, Kpop đã mất gần 30 năm để xây dựng và chinh phục đỉnh cao. Nhờ công cuộc khai phá của những tiền bối và gần đây nhất là BTS, làn sóng Hallyu đã trở thành trào lưu phổ biến khắp toàn cầu, len lỏi tới tận Mỹ và châu Âu. Tuy nhiên, vụ bê bối Burning Sun xảy ra vào tháng 3/2019 đã tạo nên sự xáo trộn lớn, gây ảnh hưởng tiêu cực đến ngành công nghiệp Kpop. 

Burning Sun là vụ bê bối tầm cỡ quốc gia, liên quan đến những đối tượng như nghệ sĩ, cảnh sát, chính trị gia... Trong đó, scandal này vạch trần những góc khuất của Kpop, nơi các nam thần tượng được hàng triệu fan tung hô lại có lối sống phạm pháp, suy đồi đạo đức (trốn thuế, môi giới mại dâm, quấy rối tình dục, quay video ẩn, uy hiếp các nạn nhân nữ...). 

Tiếp nối Burning Sun, bê bối của YG Entertainment, mà cụ thể là nhà sáng lập Yang Hyun Suk, đã tạo nên một đám mây đen bao trùm toàn bộ ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc. Cổ phiếu của những công ty giải trí hàng đầu Hàn Quốc như YG, JYP, SM, FNC, Cube lao dốc trong thời gian gần đây. Niềm tin của các nhà đầu tư đối với Kpop sụt giảm. 

Sau loạt scandal vừa qua, người hâm mộ lo sợ 2019 sẽ là cột mốc đánh dấu sự sụp đổ của YG và cũng bắt đầu thời kỳ đi xuống của Kpop. Liệu ngành công nghiệp âm nhạc xứ Hàn có thể khôi phục lại những năm tháng đỉnh cao như một thập kỷ trước đây hay không? Điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào những nhóm nhạc thế hệ thứ tư trong tương lai gần.

Casablanca