Thứ tư, 16/10/2019, 10:21 (GMT+7)

'Nếu có kiếp sau, xin đừng làm thần tượng Hàn Quốc'

Đôi khi nhìn những idol Kpop biểu diễn trên sân khấu, tôi biết họ mang lại niềm vui cho tôi, nhưng thật khó để tôi tin rằng chính họ cũng đang hạnh phúc.

* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả

Là một khán giả đã dõi theo nền âm nhạc này suốt 13 năm qua, chứng kiến nhiều biến động, nhiều cột mốc, nhiều thế hệ thần tượng nổi tiếng và rồi bước qua thời đỉnh cao, tôi biết Kpop không phải một thế giới tốt đẹp như vẻ bề ngoài. 

Và có lẽ tất cả người hâm mộ Kpop lâu năm cũng như tôi. Họ đều biết ngành công nghiệp âm nhạc này khắc nghiệt, tàn nhẫn thế nào. Chúng ta đã nói rất nhiều về cường độ làm việc dày đặc, những buổi tập luyện căng thẳng, những áp lực để duy trì danh tiếng hay những căn bệnh tâm lý của nghệ sĩ Kpop... Nhưng chưa bao giờ là đủ. 

Jong Hyun (1990 - 2017).

Chưa đầy hai năm trước, cái chết của Jong Hyun (SHINee) còn được xem là hồi chuông cảnh tỉnh cho sự tàn khốc của Kpop. Tôi từng nghĩ sự ra đi của Jong Hyun là biểu tượng lớn nhất của nỗi đau, của góc khuất tăm tối Kpop, ít nhất là trong một thập kỷ nay. Thời điểm đó, fan Kpop không ai bảo ai, truyền nhau câu nói: "Idol của bạn có thể hẹn hò, có thể phạm sai lầm, nhưng họ vẫn còn sống. Idol của tôi đã qua đời mất rồi". Tôi từng nghĩ rằng kể từ ngày 18/12/2017, Kpop sẽ trở nên tốt đẹp hơn, người hâm mộ sẽ học cách bao dung hơn với idol và những vấn đề sức khỏe tâm lý sẽ được công ty quản lý chú trọng hơn. 

Nhưng tôi đã sai. Ngày 14/10, Sulli - cựu thành viên f(x) - qua đời, nguyên nhân ban đầu được cho là tự tử. 

Sulli (1994 - 2019).

Trong tâm trí của tôi, Sulli là một idol rất xinh đẹp, nụ cười rạng rỡ, làn da trắng hồng. Ở cô ấy toát lên vẻ đẹp tươi tắn như một quả đào căng mọng. 10 năm trước, Sulli được xem một trong những niềm hy vọng thế hệ mới của Kpop. Tôi từng nghĩ rằng con đường Sulli bước đi sẽ thành công theo quy luật truyền thống, ca hát rồi đóng phim và kết hôn. Sau này, dù đời tư của Sulli ồn ào, lộn xộn, thường làm những hành động bị cho là điên rồ, thì tôi vẫn chưa bao giờ ghét bỏ cô ấy. 

Ở một khía cạnh nào đó, tôi rất ngưỡng mộ Sulli. Cô ấy đã có một cuộc sống đặc biệt, tỏa sáng theo cách của cô ấy. Không một nữ idol nào có thể sống theo bản năng và nổi loạn tự do như vậy. Cô là một trong số ít nhân vật nổi tiếng và bộc trực của Hàn Quốc, dám nói chuyện cởi mở về nữ quyền, bệnh rối loạn tâm thần và sự tích cực của cơ thể phụ nữ. Một cô gái can đảm như vậy đã không còn nữa. Kpop mà tôi luôn theo dõi suốt nhiều năm qua lại thêm một trang thật buồn bã, ảm đạm.

Ngành công nghiệp tạo ra những con robot 

Kpop mà tôi biết, từng được xây dựng với tiêu chí "không có thực, bí ẩn" trong những năm đầu sơ khai. Những năm 1990, thần tượng Kpop không hề có khái niệm gọi là "đời thường". Đối với công chúng thời đó, khái niệm này bị cho là cấm kị. Các công ty giải trí phải xây dựng một hình ảnh bí ẩn, "ảo" hết mức có thể với những nhóm nhạc idol. Các sao phải giữ kín cuộc sống cá nhân, không bao giờ được phơi bày tính cách thật trước mắt công chúng. Đến mức, khán giả ngày xưa từng bị thuyết phục rằng idol không phải người bình thường, rằng họ không phải... đi vệ sinh. 

Từ giai đoạn đầu hình thành nền âm nhạc Kpop, idol đã được mặc định là một sản phẩm được tạo ra dành cho trí-tưởng-tượng của người hâm mộ. Chính vì vậy, idol Kpop không hề giống các ca sĩ Hàn bình thường, và cũng không giống ca sĩ của các quốc gia khác. Bạn có thể hiểu nôm na rằng, đã gọi là ngành công nghiệp, thì các công ty phải đảm bảo sản xuất được số lượng idol dồi dào, đáp ứng được nhu cầu lớn của thị trường. Rất nhiều thực tập sinh được tuyển dụng, cho debut làm idol, sau đó bị đào thải, vứt bỏ khi đã qua thời đỉnh cao. Những nhóm nhạc được hình thành theo một phong cách nhất định, dựa theo nhu cầu, thị hiếu của số đông khán giả. Các idol không thể làm trái khuôn khổ đã xây dựng từ đầu, vì sẽ khiến hình tượng mà công ty gắn vào họ bị lệch chuẩn. 

Các nhóm nhạc phải hoạt động trong nhiều tiêu chuẩn nghiêm ngặt của ngành giải trí Kpop.

Các công ty quản lý săn lùng những đứa trẻ có tiềm năng làm idol từ khi họ còn rất nhỏ, đưa họ vào một cuộc cạnh tranh khốc liệt trước khi cho họ ra mắt và rồi sau đó vắt kiệt sức hết mức có thể để lấy lại số tiền đầu tư mà công ty đã bỏ ra. Nói một cách nào đó, khi đã bước chân vào ngành công nghiệp giải trí Kpop, các idol chỉ được xem như những con robot được nhào nặn để công ty bán cho người tiêu dùng, thông qua các sản phẩm âm nhạc bằng một quy trình sản xuất chặt chẽ. Idol không phải là khái niệm cho phép mỗi người trong số họ có thể thoải mái làm bất cứ những gì họ muốn như người bình thường. 

Chính vì vậy, nếu để miêu tả ngắn gọn về khái niệm "thần tượng Kpop", tôi sẽ chỉ nói rằng: xinh đẹp, nổi tiếng, có thể giàu có đấy, nhưng không có tự do.

Tôi cho rằng vì tôi bắt đầu hoạt động nghệ thuật từ khi còn nhỏ nên nhiều người không cảm nhận được tôi vẫn chỉ là một cô gái trẻ. Chính vì thế mà có nhiều lời bình luận ác ý nhắm vào tôi. Họ bắt tôi phải làm thế này, làm thế kia trong khi tôi không biết tại sao mình phải làm như vậy - Sulli

Thế giới đầy rẫy sự khắc nghiệt

Kpop mà tôi biết, là nơi mà dư luận và người hâm mộ tự cho rằng họ có quyền điều khiển idol theo ý mình. Idol là người có thật, nhưng không được đối xử như người thật việc thật, mà luôn bị soi mói, ép vào những suy nghĩ khác nhau của người hâm mộ. Ngành công nghiệp Kpop kiếm tiền dựa trên hình ảnh của idol, vậy nên họ cho phép người hâm mộ dùng hình ảnh của idol để thỏa mãn trí tưởng tượng. 

Có nghĩa là với những fan Kpop, thần tượng là một khái niệm mà họ cho rằng họ có quyền "sở hữu". Họ mất ăn mất ngủ vì idol, họ bỏ tiền ra để mua những sản phẩm của idol, họ nói rằng họ sẽ luôn yêu thương idol dù bất cứ chuyện gì xảy ra. Nhưng nếu idol làm trái ý họ, ví dụ như ăn mặc hở hang, bị lộ chuyện hẹn hò, xăm một hình xăm nào đó, để một kiểu tóc khác biệt hay lỡ mắc phải lỗi lầm nào đó, là họ sẽ tức giận, cảm thấy tổn thương, "thất vọng", hoặc bị idol "phản bội". Thế là idol bị người hâm mộ quay lưng, dù rằng có thể idol chẳng làm gì sai trái.

Kpop mà tôi biết, là nơi mà các idol không thể ngủ đủ giấc, ăn đủ bữa, nhưng lúc nào cũng phải cười tươi. Ngày nào cũng như ngày nào, không được có ngoại lệ. Đã bước lên sân khấu, ai cũng phải hết mình biểu diễn cho khán giả, dù có mệt mỏi về thể chất hay đau đớn về tinh thần, thì cũng phải trưng bộ mặt hạnh phúc, tràn đầy năng lượng. Vì idol biết rằng khán giả bỏ tiền ra xem họ trình diễn để tận hưởng không khí vui vẻ, để được ngắm nhìn thần tượng trong một diện mạo đẹp đẽ nhất. 

Idol Kpop gần như không được có những "quãng lặng" để hồi phục sức khỏe, tìm kiếm cảm hứng sáng tác hay nghỉ ngơi tận hưởng cuộc sống riêng tư như các ca sĩ nước ngoài. Ở làng nhạc Âu Mỹ, việc một nghệ sĩ biến mất vài tháng đến cả năm, là bình thường. Họ cần xả hơi sau một thời gian làm việc vất vả. Nhưng idol Kpop thì không. Vì chỉ cần họ dừng lại vài tháng thôi, là họ sẽ bị lãng quên, công ty không kiếm được doanh thu bù lại số tiền đã đầu tư. Tôi nhớ một thần tượng đã nói trong cuộc phỏng vấn, cũng khá lâu rồi, rằng anh ấy ghét việc tổ chức concert hàng năm vì phải luyện tập liên tục mà không có đủ thời gian nghỉ ngơi cho đến khi tour diễn kết thúc. Cuộc sống của idol Hàn Quốc thật sự là một chuỗi ngày căng thẳng, kiệt quệ và mệt mỏi như vậy đấy.

Những khoảnh khắc idol Kpop kiệt sức trên sân khấu
 
 
Những khoảnh khắc kiệt sức trên sân khấu của idol Kpop.

Kpop mà tôi biết, là nơi mà sự phân biệt giàu - nghèo rất trầm trọng. Chỉ cần là thực tập sinh, nghệ sĩ đến từ công ty lớn, bạn sẽ được nhà đài, chương trình truyền hình... đối xử tử tế. Nhưng nếu bạn là một idol đến từ công ty "thấp cổ bé họng", bạn sẽ nhận về sự khinh thường, vô số sự bất công, chèn ép.

Kpop mà tôi biết, là nơi những idol bị ám ảnh về ngoại hình, để thỏa mãn nhu cầu thị giác của khán giả. YG, một công ty giải trí từng tuyên bố "không quan tâm ngoại hình, chỉ quan tâm tài năng của nghệ sĩ", cũng từng yêu cầu 2NE1 - nhóm nhạc nữ đi đầu cho phong trào nữ quyền - phải đi phẫu thuật thẩm mỹ. Năm 2009, YG nói rằng 2NE1 sẽ tạo ra một cuộc cách mạng cho nhóm nữ Kpop, không đi theo lối mòn về những cô gái ngây thơ đáng yêu xinh đẹp, mà đại diện cho sức mạnh của tâm hồn, của bản lĩnh phụ nữ thế kỷ mới. Nhưng bạn biết điều gì là đau lòng nhất với 2NE1 không? Đó là khi chủ tịch công ty lại than thở rằng "sao các cô xấu thế" và dần bỏ rơi chính họ, để tìm kiếm những thực tập sinh khác xinh đẹp hơn, phù hợp với thị hiếu của số đông công chúng. 

Và cũng kể từ sau 2NE1, tôi không thấy một nhóm nữ nào có ngoại hình bình thường, chiều cao lổn nhổn, da ngăm đen hay mắt một mí như họ được debut nữa. Kpop mãi mãi là một thế giới mà idol nào cũng phải đẹp, phải duy trì vóc dáng theo chuẩn mực của người hâm mộ. Nếu họ tăng cân, họ sẽ bị chửi là "đồ con lợn". Nếu họ không được ưa nhìn, họ sẽ bị chửi là "đồ xấu xí". Nếu họ ăn nhiều, họ sẽ bị bắt "ngừng ăn đi". Nếu họ quá gầy, sẽ bị nói là "như bộ xương khô". Dư luận sẽ không quan tâm những lời nói đó gây tổn thương ra sao, chỉ cần biết rằng: idol phải đẹp-theo-tiêu-chuẩn-của-họ.

Kpop mà tôi biết, có T-ara, một nhóm nữ chịu những lời chửi rủa suốt 5 năm trời, vì một scandal "bắt nạt". Các thành viên kêu oan, thanh minh, nhưng không ai tin. Họ chì chiết các cô gái, tẩy chay, đuổi họ phải sang Trung Quốc hoạt động. 5 năm sau, nhóm nữ đó được minh oan, nhưng sự nghiệp của họ không thể khôi phục trở lại. Những giọt nước mắt oan ức, nỗi đau suốt 5 năm dài qua vẫn là vết sẹo không thể xóa bỏ trong lòng mỗi cô gái. T-ara - từ nhóm nhạc nữ hàng đầu - trở thành kẻ bị ghẻ lạnh chỉ vì tin đồn, sự vô tâm của truyền thông và sự cay nghiệt từ công chúng.

Tháng 12/2017, T-ara khóc nức nở khi lần đầu giành cúp trên sân khấu The Show với ca khúc What's my name? sau 5 năm kể từ scandal bắt nạt. Nhưng đây cũng là đợt quảng bá cuối cùng trước khi T-ara rời công ty MBK, tách ra solo.

Kpop mà tôi biết, có những chuyện tình bí mật của idol, bị báo phí "phanh phui" và gây "chấn động". Nhưng đa số đều dẫn đến kết cục chia tay dưới áp lực của công chúng. Hẹn hò là chuyện cấm kị. Cách đây 10 năm, idol nam và nữ vẫn có thể kết bạn xã giao với nhau, nhưng giờ thì không. Gần như là một thế giới mà "nam nữ thụ thụ bất thân" - một tiêu chuẩn vô lý bắt nguồn từ ám ảnh "sở hữu idol" của người hâm mộ. Các fan cho rằng idol là của họ, được họ bỏ tiền ra nuôi sống, vậy nên phải "trung thành" với riêng người hâm mộ, không được phép có tình cảm yêu đương. Các công ty quản lý luôn có điều khoản "3 năm đầu không được hẹn hò" trong hợp đồng. Chỉ khi nào idol đã xây dựng được sự nghiệp vững chắc, họ mới có quyền được yêu đương, nhưng đa số đều phải lén lút qua lại, như thể họ đã làm điều gì sai trái. 

Kpop mà tôi biết, là nơi mà báo chí có thể phanh phui mọi bê bối, ngoại trừ chuyện yêu đương đồng giới. Trong một thời đại mà thế giới đã cởi mở hơn với cộng đồng LGBT, về xu hướng tính dục... thì người hâm mộ Kpop vẫn là những người cổ hủ bậc nhất. Chỉ một tin hẹn hò nam - nữ bình thường thôi, cũng đủ khiến các thần tượng nhận "gạch đá" đến mức phải chia tay, thì thử hỏi việc hẹn hò đồng giới sẽ khủng khiếp cỡ nào? Chính vì vậy, báo chí sẽ không bao giờ dám đăng tin hẹn hò của một cặp đôi đồng tính, vì họ không thể chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu như thông tin này gây ra tổn thất cho nghệ sĩ. 

Ngành công nghiệp Kpop có guồng quay và sự đào thải khắc nghiệt đối với idol.

Kpop mà tôi biết, là nơi mà công ty quản lý đào tạo các kỹ năng hát, nhảy, làm MC, đi show giải trí. Là nơi mà công ty cho phép các idol phẫu thuật thẩm mỹ, giảm cân để trở nên đẹp đẽ hơn. Nhưng công ty không dạy cho idol các kỹ năng sống cần thiết. Những đứa trẻ bước vào "lò đào tạo" từ nhỏ, làm bạn với phòng tập, với studio, không được dạy dỗ, trải nghiệm những điều bình thường như bạn bè cùng trang lứa. Họ cũng không được quyền chia sẻ thoải mái những vấn đề tâm lý của bản thân. Nếu may mắn đủ bản lĩnh, sẽ bình tĩnh trưởng thành, trở thành người có nhân cách tốt. Nếu không, idol sẽ dễ sa ngã trước cám dỗ, dễ mắc "bệnh sao", dễ nổi loạn và tìm kiếm những thú vui không lành mạnh (như chất kích thích) để giải tỏa áp lực tinh thần. 

Họ có hạnh phúc không?

Tôi từng có niềm tin rằng, trong số hàng trăm nhóm nhạc ra đời mỗi năm kia, vẫn có những người thật sự yêu nghề, yêu âm nhạc, yêu nghệ thuật và yêu sự gắn kết với người hâm mộ. Năng lượng tích cực và sự chân thành, tử tế của họ đã giúp họ đứng vững trước mọi áp lực về thể xác lẫn tinh thần, giúp họ đón nhận sự yêu thương và bảo vệ của người hâm mộ. Tôi chợt nhớ đến một câu nói của RM, trưởng nhóm BTS, dành cho các fan: "Cảm ơn bạn đã là người hâm mộ của tôi, tôi cũng là người hâm mộ của các bạn. Chúng tôi sẽ âm thầm hỗ trợ bạn qua những trận chiến khó khăn và sự cô đơn trong cuộc sống".

Nhưng, không phải nhóm nhạc, idol nào cũng có sợi dây gắn kết chặt chẽ với người hâm mộ như BTS. Không phải ai cũng tìm được sức mạnh từ sự yêu thương của khán giả. Không phải thần tượng nào cũng có thể "yêu chính mình" hay "tha thứ chính mình" như châm ngôn của BTS.

Đôi khi nhìn những idol Kpop biểu diễn trên sân khấu, tôi biết rằng họ mang lại niềm vui cho tôi, nhưng thật khó để tôi tin rằng chính họ cũng đang hạnh phúc. Họ đẹp, giàu có, nổi tiếng và được tung hô bằng những lời ngợi khen hết mức. Nhưng sâu thẳm trong tâm hồn họ, họ có tìm thấy niềm vui từ công việc này? 

Họ có thấy gượng ép không, khi lúc nào cũng phải mỉm cười trông như là họ đang hạnh phúc? Họ có thấy ngột ngạt trước những tiêu chuẩn kép mà dư luận đưa ra? Đẹp quá thì bị nói là "bình hoa", xấu quá thì bị khuyên đi phẫu thuật thẩm mỹ, ủng hộ nữ quyền thì bị coi là căm ghét đàn ông, thả rông thì bị coi là lăng loàn? Nghề idol có đáng để họ hy sinh tự do, tuổi thanh xuân, bị vắt kiệt sức khỏe, đánh mất bản ngã và chịu đựng rất nhiều áp lực đến từ công chúng như vậy không? 

Đằng sau nụ cười của idol Kpop có thể là những tâm hồn khổ sở, cô đơn.

Sau cái chết của Sulli, Dong Wan, thành viên ShinHwa, nhóm nhạc lâu đời bậc nhất Kpop, đã chia sẻ: "Dù trong điều kiện khó khăn khi các hậu bối trẻ không thể ăn uống tử tế hay ngủ đủ giấc, nhưng lúc nào họ cũng phải chịu áp lực phải luôn nở nụ cười rạng rỡ và trông tươi tắn, khoẻ mạnh. Phải quyến rũ, nhưng không được gợi dục. Phải mạnh mẽ cool ngầu, nhưng không gây gổ, tranh cãi với ai. Đây là những yêu cầu họ phải đáp ứng. Tôi biết nhiều hậu bối đang phải tham gia cuộc chiến ngay trong nội tâm với chính bản thân mình. Rằng bệnh cỡ nào thì trái tim họ còn có thể cố gồng gánh được và tiếp tục làm việc. Tất cả cũng chỉ vì sự thơm ngọt của danh tiếng và tiền tài đem lại".

Dù có cố gắng đến đâu, cũng không thể tránh khỏi sự cô đơn trong cuộc sống người nổi tiếng. Dù có gượng cười, cũng không thể che giấu nổi sự đớn đau. Dù có thể bước tới đỉnh cao, vẫn cảm giác như bị "nghiền nát bởi áp lực từ người hâm mộ". Đó là lý do trong ngành giải trí vốn đã rất khốc liệt của Kpop, có nhiều trường hợp người nổi tiếng bị trầm cảm vì không tìm thấy mục đích nào nữa để cống hiến, khi họ đã đạt được mọi thứ trong sự nghiệp. 

Từ Jong Hyun đến Sulli, những gương mặt đẹp đẽ, những người đã luôn nở nụ cười trước ống kính, những người từng là một phần tuổi niên thiếu của tôi. Tôi hy vọng họ đã ở một nơi mà họ có thể thoải mái sống là chính mình, không còn gánh nặng nào nữa. Kiếp này đã vất vả rồi, kiếp sau đừng làm idol nữa, hãy chỉ là những người bình thường tự do và hạnh phúc.

Santtoki