Thứ sáu, 3/8/2018, 06:00 (GMT+7)

Thu Thủy: 'Nhiều người xem hoa hậu là một cuộc mua bán để đổi đời'

Hoa hậu Việt Nam năm 1994 cho rằng, hoa hậu là một danh hiệu, một biểu tượng nhan sắc hướng mọi người đến những giá trị tốt đẹp hơn chứ không phải một nghề để kiếm tiền.

Thu Thủy sinh năm 1976, đăng quang Hoa hậu Việt Nam năm 1994 khi chỉ mới 18 tuổi. Tự nhận mình là người sống hướng nội, yếu đuối và sợ thị phi, Thu Thủy thu mình lại, sống thầm lặng và ít xuất hiện trong các sự kiện của làng giải trí.

Tôi yếu đuối, hướng nội và không chịu nổi thị phi

- Cuộc sống hiện tại của chị diễn ra như thế nào sau 24 năm đăng quang Hoa hậu Việt Nam?

- Thực ra, tôi rất ít khi tham gia sự kiện vì bản thân không phải người hoạt động trong showbiz. Tôi có hướng đi khác khi tập trung hoạt động trong lĩnh vực truyền hình. Hiện tại, tôi đang làm biên tập viên cho Đài Truyền hình Công an Nhân dân. Tôi dẫn bản tin trực tiếp vào 11h trưa hàng ngày. Đây là một bản tin về an ninh, trật tự xã hội, thiên về chính luận chứ không liên quan gì đến văn hóa cả. Tôi thấy nó hợp với mình.

Ngoài ra, tôi cũng dành thời gian mỗi ngày để luyện tập yoga và muốn có hoạt động nào đó sau này để giúp đỡ, hướng dẫn mọi người cùng chăm sóc sức khỏe, để có lối sống cân bằng hơn.

Hoa hậu Thu Thủy.

- Lý do gì khiến chị ít mặn mà với các hoạt động của làng giải trí, dù hoa hậu, theo nhiều người là “nghề hái ra tiền”?

- Thực ra ở thời điểm tôi mới đăng quang, cách đây đã hơn 20 năm, làng giải trí của chúng ta chưa chuyên nghiệp và phát triển như hiện tại. Khi ấy, chưa có bất kỳ công ty giải trí nào xuất hiện và đủ khả năng lăng xê một ai đó trở thành ngôi sao, giúp họ kiểm soát được những áp lực từ thị phi, dư luận xã hội và phát huy năng lực của chính mình.

Thêm vào đó, tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình trí thức nên chuyện học hành luôn đặt lên hàng đầu. Tôi lại là mẫu người hướng nội, khá yếu đuối, không chịu nổi thị phi. Do vậy, tôi chọn cách ít xuất hiện để được sống đúng với con người thật của mình.

- Điều gì khiến nhiều cô gái, trong đó có chị, tìm đến với các cuộc thi hoa hậu?

- 18 tuổi đi thi hoa hậu, tôi chẳng có kỳ vọng gì. Bố mẹ động viên tôi đi thi vì con gái cao quá, tính cách lại nhút nhát, hướng nội. Đi thi là cách để tôi tự tin hơn và đỡ canh cánh chuyện sau này sẽ ế chồng. Thế nhưng không ngờ, tôi lại may mắn giành được vương miện.

Sau khi đăng quang, tôi lúng túng, không biết làm gì bởi bản thân thiếu hụt rất nhiều kỹ năng. Vì không cân bằng được áp lực của sự nổi tiếng với công việc học tập, tôi đã phải bỏ dở việc học tại Học viện Ngoại giao. Ngày xưa, nếu có người tư vấn, hỗ trợ, định hướng hình ảnh, có lẽ tôi sẽ vững chãi và bớt sai lầm hơn.

- Nghĩa là chị đang rất tiếc nuối khi đăng quang không đúng thời điểm?

- Không, tôi không tiếc nuối với những gì đã xảy ra. Là người theo yoga, tôi quan niệm những điều xảy ra trong cuộc sống nó phải như vậy. Tôi chỉ đặt ra sự tương quan nhất định ở thời điểm 24 năm trước và hiện tại để thấy các bạn trẻ đang có rất nhiều cơ hội và họ nên nắm bắt. Tuổi trẻ trôi qua rất nhanh, ngoảnh đi ngoảnh lại con cái cũng lớn cả rồi. Tôi chỉ khuyên các bạn đừng ngại ngần mắc sai lầm mà hãy sống hết mình với tuổi trẻ.

Mọi người quá khắt khe với Lê Âu Ngân Anh 

- Chuyện thí sinh có được dao kéo hay không vẫn là một chủ đề nóng, được công chúng quan tâm. Từng làm giám khảo nhiều đấu trường nhan sắc, chị nghĩ sao về quy định không cho phép thí sinh phẫu thuật thẩm mỹ?

- Tôi nghĩ chuyện thí sinh có được dao kéo hay không tùy thuộc vào tiêu chí của từng cuộc thi. Nhưng tựu trung lại, hầu hết các cuộc thi nhan sắc trong nước hiện nay vẫn hướng đến giá trị chân – thiện – mỹ. Vì thế, giá trị “chân” bao giờ cũng phải song hành cùng các yếu tố trên.

Từng ngồi ghế giám khảo sơ loại Hoa hậu Đại dương, tôi thấy mọi người đã quá khắt khe với Lê Âu Ngân Anh vì rõ ràng bạn ấy trẻ và đẹp. Ai cũng muốn hoàn thiện hơn mỗi ngày, kể cả tôi cũng vậy.

- Tức là chị cũng từng dao kéo?

- Đúng thế, phải can thiệp chứ, hơn 40 tuổi rồi mà. Thế nhưng, dao kéo cũng phải có mức độ bởi mọi vẻ đẹp đều bắt nguồn từ tự nhiên. Cho nên, phải đẹp tự nhiên chứ không nên đẹp kiểu “đổi trắng thay đen”.

Ngoài việc can thiệp dao kéo, tôi cũng phải giữ gìn vóc dáng, nhan sắc bằng cách tập luyện yoga, uống nhiều nước, sống không lo nghĩ, bớt bon chen và hướng thiện hơn.

Nhiều người xem hoa hậu là một cuộc mua bán

- Rất nhiều người xem hoa hậu là một nghề, chị thì sao?

- Nếu các bạn trẻ nghĩ hoa hậu là một nghề thì đây là sự nhầm lẫn lớn. Hoa hậu là một danh hiệu, một biểu tượng nhan sắc hướng mọi người đến những giá trị tốt đẹp hơn trong cuộc sống.

- Thế nhưng rõ ràng, nhiều người đẹp đổi đời sau khi đăng quang?

- Xã hội nào cũng thế, nhiều giá trị bị đảo lộn và tôi nghĩ rằng, đến thời điểm nào đó, mọi thứ sẽ được trả về đúng chỗ của nó. Có thể người ta nghĩ rằng hoa hậu là nghề, là cơ hội nên sẵn sàng đổi lấy danh tiếng bằng mọi giá. Nhiều người thậm chí còn xem các cuộc thi hoa hậu là một cuộc mua bán. Ví dụ, đầu tư số tiền này để trở thành hoa hậu, họ sẽ đổi đời, lấy chồng đại gia, nhiều fans hơn...

Tôi cũng không buồn vì cái gì có giá trị thì nó sẽ trường tồn với thời gian.

Mọi người cũng hơi đề cao danh hiệu hoa hậu quá. Đến bây giờ, khi đã đăng quang được hơn 20 năm, mọi người vẫn đặt cho tôi rất nhiều áp lực nặng nề. Lên mạng xã hội, nếu chẳng may phát ngôn vô tư một chút thì sẽ bị chỉ trích rằng “hoa hậu mà ăn nói thế à?”.

Đến nay, tôi vẫn rất tự hào vì những người quen, bạn bè, họ không bao giờ coi tôi là hoa hậu. Thật sự, làm hoa hậu rất áp lực.

- Dù vướng phải một số thị phi nhưng chị thường chọn cách im lặng và mạnh mẽ vượt qua. Điều đó mâu thuẫn gì với lời thú nhận mình yếu đuối, sợ thị phi của chị?

- Thật ra, mạnh mẽ với yếu đuối cũng chỉ là một thôi mà. Cờ tới tay ai người đó phất, khi không còn sự lựa chọn nào khác thì mình buộc phải mạnh mẽ thôi.

Có một câu danh ngôn rất hay rằng, bạn chỉ mạnh mẽ cho đến khi nào bạn không còn sự lựa chọn nào khác. Ngày xưa, tôi phó mặc mọi thứ cho cuộc sống đẩy đưa. Bây giờ, tôi chủ động hơn nhiều. Tôi biết tự cắt bỏ cả những cơ hội để trở nên mạnh mẽ.

Tiến Dũng thực hiện