Thứ hai, 18/12/2017, 08:08 (GMT+7)

Nhan sắc Việt năm 2017 ồn ào thi cử, thành tích mờ nhạt

Hoa hậu Đại dương lùm xùm chuyện "dao kéo", Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam thi giữa bối cảnh thiên tai, còn các người đẹp thất bại ở sân chơi quốc tế.

Mỗi năm, Việt Nam có hai cuộc thi hoa hậu với quy mô quốc gia được cơ quan chức năng cấp phép tổ chức. Năm 2017, công chúng đón đợi hai cuộc thi gồm Hoa hậu Đại dương và Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam. Nếu Hoa hậu Đại dương tìm kiếm đại sứ của các dự án bảo vệ môi trường biển thì Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam tôn vinh những nhan sắc thế hệ mới, tự tin và quyến rũ (confidently beautiful). Tuy nhiên, cả hai cuộc thi đều vướng ồn ào, sai sót ở khâu tổ chức. 

Cuộc thi Hoa hậu Đại dương là ví dụ cho thấy sự xuống cấp của một cuộc thi nhan sắc quy mô quốc gia.

Quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về tiêu chí chọn thí sinh ở các cuộc thi hoa hậu trong nước nêu rõ: "Phải có vẻ đẹp tự nhiên". Tuy nhiên, người đăng quang - Lê Âu Ngân Anh - lại từng phẫu thuật nâng mũi.

Dù Ngân Anh khẳng định đã báo cáo về việc sửa mũi cũng như tháo bỏ phần độn trước khi thi, ban tổ chức cũng liên tục lên tiếng để bảo vệ, minh oan cho nhan sắc hoa hậu, khán giả vẫn thất vọng. Nhiều người kêu gọi Ngân Anh trả vương miện, đòi làm rõ trách nhiệm của ban tổ chức trong việc mập mờ, làm trái quy chế. Tuy nhiên, sau hàng loạt báo cáo, trần tình, cuộc thi chỉ bị phạt 4 triệu đồng cho tất cả sai phạm. Điều này tiếp tục dấy lên những bức xúc trong dư luận.

* Khoảnh khắc đăng quang của Ngân Anh

Ngân Anh đăng quang Hoa hậu Đại dương 2017
 
 
Ngân Anh (giữa) gây tranh cãi về nhan sắc và chuyện phẫu thuật thẩm mỹ sau đăng quang.

Ông Nguyễn Quang Vinh - tân Cục trưởng Nghệ thuật Biểu diễn - thừa nhận mức xử phạt đối với ban tổ chức chưa giải quyết được triệt để bức xúc của dư luận. "Sai phạm của Lê Âu Ngân Anh có thể tạo ra tiền lệ xấu cho các cuộc thi nhan sắc sau này. Với vương miện hoa hậu, danh hiệu mới là quan trọng chứ không phải vật chất, giải thưởng tiền mặt", ông Vinh nói. Về các quy định, tiêu chí dành cho thí sinh dự thi hoa hậu, Cục cho biết đang nghiên cứu để đề xuất việc sửa đổi sao cho phù hợp nhất với tình hình hiện nay.

Sai phạm của Lê Âu Ngân Anh có thể tạo ra tiền lệ xấu cho các cuộc thi nhan sắc sau này

Bà Phạm Kim Dung - Phó ban tổ chức Hoa hậu Việt Nam 2016 - bình luận về sự khác nhau trong việc áp dụng tiêu chí "vẻ đẹp tự nhiên" của các cuộc thi trong nước: "Tôi nghĩ tùy từng cuộc thi mà mỗi ban tổ chức có tiêu chí tuyển chọn khác nhau. Với Hoa hậu Việt Nam, việc áp dụng khắt khe đã là quy củ và trở thành truyền thống, cũng là niềm tự hào của chúng tôi. Tôi không nghĩ đó là sự thiệt thòi mà ngược lại là minh chứng cho chất lượng thí sinh. Vì vẻ đẹp, tri thức cũng như tâm hồn của các cô gái là yếu tố quan trọng nhất tạo nên thành công, uy tín cho một sân chơi nhan sắc".

Cuộc thi cấp quốc gia còn lại được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp phép trong năm nay là Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam. Ở giai đoạn đầu, chương trình này thu hút quan tâm của dư luận với sự tham gia của những tên tuổi đang hot trong làng thời trang, giải trí như Hoàng Thùy, Mâu Thủy... Chương trình truyền hình thực tế Tôi là Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam cũng đem đến nhiều góc nhìn mới mẻ về việc đào tạo, huấn luyện các cô gái bình thường trở thành người của công chúng.

Tuy nhiên, đến đêm bán kết, cuộc thi vấp phải sự phản đối của dư luận khi tổ chức trong tình hình người dân địa phương đang đối mặt với bão lũ. Trước đó, Cục Nghệ thuật Biểu diễn, Ủy ban Nhân dân và Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Khánh Hòa đã yêu cầu ngừng tổ chức bán kết vì mưa bão.

Những người trong cuộc có lý do riêng để giải thích cho việc không thể hoãn cuộc thi. Nhưng hình ảnh các cô gái mặc bikini, trang điểm đẹp đẽ nhảy múa, nói cười trong giai đoạn người dân địa phương đang hứng chịu thiên tai vẫn trở thành chủ đề bàn tán trong dư luận. Sau ồn ào, ban tổ chức quyết định lùi đêm chung kết tới đầu năm 2018.

Cuộc thi hoa hậu gây ồn ào khi diễn ra giữa lúc thiên tai.

Bên cạnh đó, sân chơi nhan sắc có quy mô nhỏ hơn như Hoa khôi Du lịch Việt Nam 2017 cũng tạo không ít tranh cãi với trường hợp của Á khôi 1 Nguyễn Thị Thành. Trước đó, năm 2016 cô từng bị loại khỏi vòng chung kết Hoa hậu Việt Nam 2016 vì bê bối can thiệp thẩm mỹ (làm răng sứ) và làm hồ sơ giả nhằm qua mặt Ban tổ chức.

Theo Cục Nghệ thuật Biểu diễn, ban tổ chức Hoa khôi Du lịch Việt Nam 2017 đã vi phạm khi đưa một thí sinh từng phẫu thuật thẩm mỹ với nhiều scandal về đạo đức trở thành Á khôi. Nguyễn Thị Thành bị ban tổ chức tước danh hiệu khi chỉ đoạt giải chưa đầy nửa ngày.

Trên đấu trường quốc tế, Việt Nam có một năm nhạt nhòa cả về thành tích cũng như dấu ấn tại các cuộc thi thuộc hệ thống Grand Slam: Miss Universe, Miss World, Miss International, Miss Earth, Miss Grand International và Miss Supranational.

Người được kỳ vọng nhất là Hà Thu tại Hoa hậu Trái đất ở Philippines. Cô là một trong những thí sinh giành nhiều huy chương nhất Miss Earth 2017 với ba vàng, hai đồng. Đại diện Việt Nam đứng thứ hai trong bảng tổng sắp huy chương, chỉ sau chủ nhà Philippines. Nhiều chuyên trang sắc đẹp đánh giá cô gái sinh năm 1992 sẽ vào Top 8 cuộc thi. Khán giả tại quê nhà cũng tin vào đánh giá này và cho rằng Hà Thu có lợi thế ứng xử nếu vào Top 8 vì khả năng tiếng Anh tốt. Tuy nhiên, cuối cùng cô dừng chân ở Top 16.

Nguyễn Thị Loan thi tốt ở bán kết Miss Universe, nhất là khả năng catwalk với bikini. Tuy vậy, trong đêm chung kết tại Mỹ, cô không được gọi tên vào Top 16. "Giữa nhiều ứng viên mạnh, thời gian chuẩn bị lại gấp rút và với vị thế hiện tại của Việt Nam trên đấu trường nhan sắc này, tôi cần thêm chút may mắn nữa, dù đã nỗ lực hết mình", Nguyễn Loan lý giải.

* Sáu người đẹp Việt tại các cuộc thi nhan sắc quốc tế lớn năm nay

Các người đẹp Việt thi quốc tế năm 2017
 
 

Người đẹp Mỹ Linh có những ngày khởi động nhạt nhòa tại Miss World 2017. Cô chỉ được khán giả trong nước chú ý khi dự án nhân ái được tiến sâu vào vòng trong. Với dự án "Cõng điện lên bản", cô thắng giải "Người đẹp Nhân ái" cùng bốn thí sinh khác đến từ Philippines, Ấn Độ, Indonesia, Nam Phi. Dù vậy, kết quả chung cuộc Mỹ Linh chỉ có mặt ở Top 40 và không thể tiến xa.

Huyền My đã có những giọt nước mắt tiếc nuối sau đêm chung kết Miss Grand International vì chỉ vào Top 10 dù lợi thế sân nhà. Nhưng nhìn lại, cô là người có thành tích cao nhất của Việt Nam năm qua ở đấu trường nhan sắc lớn. Thùy Dung ở Hoa hậu Quốc tế hay Khánh Phương tại Hoa hậu Siêu quốc gia đều nhạt nhòa.

Vị thế của Việt Nam theo đó không được cải thiện nhiều trên hệ thống Grand Slam. Năm nay, Missosology xếp Việt Nam đứng thứ 65 (cao hơn năm ngoái hai bậc), dựa vào số điểm có được ở sáu cuộc thi lớn. Năm 2015, khi Phạm Hương, Lan Khuê, Thúy Vân được cử đi thi đấu, Missosology xếp Việt Nam nằm trong Top 10 "Cường quốc nhan sắc".

Một nghịch lý ở các thí sinh Việt Nam thi quốc tế năm qua là không ai đoạt giải ở các cuộc thi lớn nhưng lại thắng vang dội ở những sân chơi nhỏ.

Hàng loạt thí sinh Việt Nam đăng quang hoa hậu, á hậu tại các cuộc thi không thuộc hệ thống Grand Slam: Người đẹp Liên Phương đoạt giải Á hậu Đại sứ Du lịch Thế giới, Nguyễn Thị Thành đoạt giải Á hậu 3 Miss Eco International, Khánh Ngân đăng quang Hoa hậu Hoàn cầu, Hoàng Thu Thảo chiến thắng ở cuộc thi Nữ hoàng Sắc đẹp Toàn cầu, Mai Thị Hồng Dung giành ngôi Á hậu 1 của Miss Tourism Universe, Trần Ngọc Trâm thắng giải Miss Culture World và Lương Thái Trân đoạt danh hiệu Á hậu tại Hoa hậu Siêu tài năng thế giới.

Các cuộc thi này đều được đánh giá nhỏ lẻ, chất lượng thí sinh kém, số lượng ít, quảng bá hình ảnh không rộng rãi và chưa được công nhận bởi các chuyên gia nhan sắc.

Cùng đó, vấn đề người đẹp thi "chui" vẫn xuất hiện, bất chấp những chế tài răn đe và xử phạt. Hồi cuối tháng 3, Nguyễn Thị Thành tham dự cuộc thi Miss Eco International dù không được cấp phép. Khi Cục Nghệ thuật Biểu diễn có công văn gửi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP HCM, yêu cầu triệu tập Nguyễn Thị Thành để giải trình thì cô đã lên đường đi thi. Sau khi giành ngôi Á hậu 3 và từ Ai Cập trở về, Nguyễn Thị Thành bị Sở Văn hóa, Thể thao TP HCM phạt 22,5 triệu đồng.

Nếu may mắn thành công, có được thành tích tốt thì việc nộp phạt mấy chục triệu là quá 'rẻ'. Danh hiệu sau cuộc thi có khi giúp họ kiếm được tiền tỷ

Gần đây, Dương Yến Ngọc đi thi Hoa hậu Quý bà Hòa bình châu Á 2017 và đăng quang dù chưa được cấp phép. Phi Thanh Vân cũng đi thi với tư cách cá nhân và đăng quang Hoa hậu Doanh nhân Thế giới người Việt tại Mỹ đầu tháng 12. Phía Cục nghệ thuật Biểu diễn đã trao đổi với Sở Văn hóa - Thể thao TP HCM về sự việc và cho biết sẽ xử lý nếu cô vi phạm. Theo quy định hiện hành, người đẹp đi thi quốc tế là thí sinh đã đoạt danh hiệu tại một cuộc thi nhan sắc trong nước. Tuy nhiên, Phi Thanh Vân chưa có danh hiệu tại Việt Nam.

Phi Thanh Vân chưa xin giấy phép của Cục Nghệ thuật Biểu diễn, đồng thời chưa có danh hiệu sắc đẹp ở Việt Nam khi thi Hoa hậu Doanh nhân Thế giới người Việt tại Mỹ.

Vấn đề thi "chui" đã tồn tại từ vài năm nay. Nhiều người dù biết rõ quy chế vẫn tìm cách đi thi, chấp nhận nộp phạt để tìm kiếm một danh hiệu ngoài nước.

Anh Nguyễn Chiến Hữu - cố vấn của Helios Organization, đơn vị nắm bản quyền cuộc thi Miss Earth và Miss Intercontinental Việt Nam - giải thích: "Theo tôi, lý do là vì hình thức xử phạt của Cục còn nhẹ, chưa xác đáng. Nếu may mắn thành công, có được thành tích tốt thì các người đẹp nộp phạt mấy chục triệu là quá 'rẻ'. Danh hiệu sau cuộc thi có khi giúp họ kiếm được tiền tỷ".

Anh Nguyễn Chiến Hữu cho rằng quy định cấp phép của Cục hiện còn khắt khe. Anh đề xuất giải pháp cho việc quản lý người đẹp đi thi nước ngoài: "Việc đi thi là cá nhân, chúng ta nên cởi mở hơn bằng việc đừng bắt bẻ về danh hiệu trong nước của thí sinh, thay vào đó nên quy định chặt chẽ hơn với đơn vị quản lý. Nói cách khác, thí sinh không cần có danh hiệu trong nước nhưng đi thi quốc tế phải do một đơn vị bảo lãnh, cam kết tuân thủ quy định về văn hóa, thuần phong, mỹ tục. Nếu có vấn đề vi phạm, đơn vị đó phải chịu phạt nặng".