Thứ năm, 26/3/2020, 23:05 (GMT+7)

Trung Quốc sau Covid: Công nghệ trực tuyến sẽ thay đổi hành vi con người

Lượng sử dụng các công cụ trực tuyến để học tập và làm việc đang giảm xuống, nhưng môi trường kỹ thuật số trong tương lai vẫn rất có tiềm năng phát triển.

Ở Trung Quốc, công nghệ trở thành "chiếc phao cứu sinh" cho nhiều lĩnh vực: robot ở bệnh viện, ứng dụng mã y tế, học trực tuyến và làm việc từ xa. Tất cả đóng vai trò quan trọng trong việc giữ cho quốc gia hoạt động trong khi hầu hết dân số đang tự cách ly.

Nhưng khi đại dịch đang hạ nhiệt ở Trung Quốc và cuộc sống dần trở lại bình thường, nhiều người tự hỏi liệu cuộc sống và cách làm việc có khác ngày xưa không, khi mà các xu hướng điện tử hóa giáo dục, công việc và cả con người đang gia tăng.

Xu Yuting (18 tuổi), học sinh cấp 3 ở tỉnh Chiết Giang, học trực tuyến từ đầu tháng 2 vì trường đóng cửa nhằm ngăn chặn lây lan dịch bệnh. Tháng trước, cô phải làm bài kiểm tra cũng như bài về nhà trên ứng dụng DingTalk. Tuy nhiên, Xu - người sắp thi đại học - có thể sắp phải nói lời tạm biệt với thói quen xem bài giảng trực tuyến trên máy tính hàng tiếng đồng hồ.

Trường của Xu chưa thông báo ngày học chính thức, tuy nhiên một số tỉnh khác như Vân Nam và Quảng Tây đã lên kế hoạch cho học sinh quay lại trường vào cuối tháng này hoặc đầu tháng sau vì họ đang phải chịu sức ép lớn là kỳ thi đại học và THPT.

Kang Liping, giáo viên tiểu học, ghi lại một bài học tiếng Anh cho lớp trực tuyến ở Ngân Xuyên, Ninh Hạ. Ảnh: Xinhua.

Ở tỉnh Thanh Hải, 144 trường cấp 2 và cấp 3 mở cửa lại vào đầu tháng này. Mặc dù mong mỏi được quay lại học tập trung, Xu nghĩ rằng những lớp trực tuyến vẫn nằm trong quá trình học của cô khi quay lại lớp. Xu nói: "Nếu có sự kết hợp giữa lớp học trực tuyến và trực tiếp trong tương lai thì hay quá, nếu không em sẽ mất hứng thú nếu chỉ có một phương pháp học".

Chị gái cô, Xu Qingqing, 24 tuổi, là giáo viên mầm non, không phải dạy trực tuyến cho học sinh. Tuy nhiên cô vẫn sử dụng những công cụ trực tuyến để cập nhật cho phụ huynh về tiến độ học tập của con cái họ, và làm việc từ xa với các đồng nghiệp qua DingTalk và các công cụ quản lý khác. Cô tin rằng việc điện tử hóa giáo dục sẽ cải thiện hiệu quả công tác giảng dạy của mình. Cô cho hay: "Những công cụ này đang thay đổi suy nghĩ truyền thống là một cuộc họp chỉ có thể diễn ra khi mọi người tập trung vào một chỗ. Tôi hy vọng trường tôi sẽ tiếp tục sử dụng ứng dụng sau khi dịch bệnh kết thúc".

XYLink, một công ty cung cấp dịch vụ hội thảo trực tuyến trên iCloud đang trông chờ vào những người dùng như chị em Xu để tăng trưởng khi đại dịch đang đi đến hồi kết. Công ty chứng kiến nhu cầu tăng mạnh đến từ các doanh nghiệp, trường học và các đơn vị công lập như bệnh viện và ngân hàng, mở rộng lượng khách hàng lên đến hơn 10 triệu. XYLink là một công ty khởi nghiệp con của Tencent, được thành lập năm 2015 bởi những nhân viên cũ của Polycom. Công ty này cung cấp dịch vụ cho đối tượng khách hàng là chính phủ cũng như những tập đoàn lớn như Tập đoàn dầu khí Trung Quốc và các ngân hàng. Zhou Pan, Phó chủ tịch thị trường tại XYLink cho biết: "Một lượng lớn người dùng sẽ không bỏ sử dụng dịch vụ này vì nhu cầu liên lạc của họ, đặc biệt là những người có ấn tượng tốt về việc làm việc từ xa trong mùa dịch".

Người dân Vũ Hán dỡ bỏ rào chắn trên đường ngày 24/3. Ảnh: Reuters.

Những công cụ giúp học tập và làm việc từ xa là một trong những bên có lợi nhất trong mùa dịch khi hầu hết người dân ở trong nhà vì lệnh phong tỏa, lượng tải xuống trong 10 ngày đầu tháng 2 gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, theo App Annie. Môt số ứng dụng doanh nghiệp phổ biến nhất có thể kể đến như DingTalk của Alibaba, WeChat Work và Tencent Meetings của Tencent, Welink của Huawei, Lark của Bytedance và Knock của Pinduoduo. Zhou cho biết: "Những gã khổng lồ về công nghệ đưa ra những công cụ liên lạc với các chức năng cơ bản miễn phí đang mang lại cách làm mới cho người dùng và cả thị trường".

DingTalk tăng trưởng 356% lượt tải về từ cửa hàng ứng dụng của iPhone cũng như Android ở Trung Quốc từ 2/2 đến 29/2 so với từ 5/1 đến 1/2, trong khi WeChat Work và Lark tăng 171% và 650% so với cùng kỳ năm ngoái, theo hãng nghiên cứu App Annie.

Dù nhu cầu về các công cụ trực tuyến có thể giảm sau khi hết dịch, điều này đã cho thấy cái nhìn về cách làm việc trong tương lai. Giáo dục điện tử có thể phổ cập kiến thức cho số lượng người dùng lớn hơn với chi phí tiết kiệm hơn. Ví dụ, những trường đại học danh tiếng như Thanh Hoa đăng tải bài học miễn phí trên ứng dụng video ngắn Douyin trong mùa dịch. Một người dùng bình luận: "Tôi không thể tin tôi đang trong một lớp học của Đại học Thanh Hoa".

Frank Yang - nhà phân tích cấp cao ở Analysys - dự đoán sự sụt giảm của những ứng dụng làm việc từ xa nhưng tổng thể vẫn cao hơn trước đại dịch. Anh cho biết: "Đại dịch đã phơi bày điểm yếu của một số doanh nghiệp làm việc trực tiếp, và chắc chắn sẽ cần giải pháp kỹ thuật số, trực tuyến mới".

Làm việc và học trực tuyến không phải một hiện tượng mới ở Trung Quốc, sự chấp nhận cuộc sống trực tuyến rộng rãi hơn sẽ đẩy nhanh tiến độ số hóa các công ty, một phần quan trọng trong tham vọng tận dụng công nghệ để chống lưng cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng trực tuyến mới của Trung Quốc. Zhang Xinhong - Giám đốc nghiên cứu về kinh tế chung ở Trung tâm thông tin quốc gia Trung Quốc - cho biết trong một cuộc họp trực tuyến gần đây: "Sự gián đoạn kéo dài trong thời điểm đại dịch sẽ khiến nhiều doanh nghiệp cân nhắc lại và làm việc trên mạng. Những công ty này trước đó không được khuyến khích sử dụng công nghệ khi mô hình công ty truyền thống của họ vẫn đang hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, làm việc từ xa, thương mại điện tử, giáo dục điện tử và những dịch vụ trực tuyến sẽ trở thành lựa chọn mới cho các công ty trong thời điểm hiện tại".

Việc xây dựng cơ sở hạ tầng điện tử Trung Quốc bao gồm mọi thứ từ đường ray tốc độ cao mới cho tới hệ thống quản lý giao thông thông minh. Tất cả điều đó sẽ có nền tảng là thế hệ mạng di động mới có tốc độ nhanh hơn và độ phủ sóng tốt hơn. Trung Quốc đã chi hàng tỷ tệ để đầu tư vào mạng 5G và các trung tâm dữ liệu. Trung Quốc đặt tăng tốc độ xây dựng hệ thống mạng mới trên cả việc xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng trong kế hoạch của quốc gia, theo chủ tịch Tập Cận Bình.

Người dân Bắc Kinh dần trở lại công sở sau khi tình hình dịch bệnh ở thủ đô Trung Quốc lắng xuống. Ảnh: AP. 

Jiang Hui - phó chủ tịch công ty Shuwei Media Technology - tin rằng công ty chuyên về theo dõi và phân tích dữ liệu địa điểm trung tâm thương mại và cửa hàng bán lẻ của khách hàng này sẽ phù hợp với tiêu chí phát triển hiện nay. Công ty có trụ sở ở thành phố Thâm Quyến, phát triển một nền tảng mở trong đại dịch để theo dõi những ca nhiễm bệnh dựa trên thông tin đã được công khai, cho phép dự đoán những khu vực sắp bị nhiễm bệnh với sự giúp đỡ của cơ sở dữ liệu lớn và một vòng đeo tay thông minh theo dõi hành trình của người đang được cách ly.

Jiang cho biết: "Đại dịch đã kêu gọi sự chú ý sát sao hơn đối với việc số hóa cuộc sống. Điều chúng tôi đang làm là số hóa mọi người, và cung cấp dịch vụ dựa trên mã, địa điểm và những thông tin khác gắn liền với người dân". Công ty này đang chuẩn bị mở rộng phạm vi điện tử và phân tích sang cơ sở hạ tầng kỹ thuật số.

"Chúng tôi đang tích hợp gần hơn với bản vẽ cơ sở hạ tầng kỹ thuật số sau đại dịch, và chúng tôi tin rằng mình có vai trò riêng cho dù là trong công nghiệp hay vận tải", Jiang cho biết thêm.

Để chắc chắn, động thái chuyển sang trực tuyến của Trung Quốc vẫn còn là một chặng đường dài khi thử nghiệm hiện tại đã bộc lộ nhiều hạn chế trong việc học và làm việc trực tuyến.

Quốc gia này có dân số sử dụng Internet lớn nhất thế giới với 854 triệu người, 541 triệu người còn lại vẫn chưa được tiếp cận Internet, đa số ở các vùng nông thôn, theo số liệu mới nhất từ Trung tâm dữ liệu mạng Internet Trung Quốc. Trong số những người chưa có Internet, 15,3% không có máy tính hoặc thiết bị truy cập Internet.

Khi Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh giáo dục trực tuyến, với 232 triệu người học trực tuyến tính tới tháng 6 năm ngoái, hạn chế về truy cập Internet đã khiến học sinh ở những khu vực kém phát triển bị tách biệt với phần còn lại. Một số học sinh ở tỉnh Hồ Bắc, nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất, phải đi bộ lên núi để có tín hiệu Internet. Tương tự, ngay cả khi hạ tầng kỹ thuật số đang được triển khai, nhiều chủ doanh nghiệp không chấp nhận ý tưởng rằng nhân viên của họ làm việc từ xa. Một số công ty đang thúc giục nhân viên quay lại văn phòng sau hàng loạt thông tin từ cả chủ doanh nghiệp lẫn nhân viên cho rằng hiệu quả công việc giảm xuống khi làm tại nhà.

Moe Vela, giám đốc công ty TransparentBusiness, một công ty của Mỹ cung cấp dịch vụ làm việc tại nhà, cho biết: "Họ không có trải nghiệm tốt với làm việc từ xa vì họ cảm thấy không thể giám sát và quản lý nhân viên. Thứ mà chúng tôi cung cấp là khả năng giám sát và điều hành làm việc từ xa hiệu quả hơn cùng một số lợi ích khác. Hạn chế duy nhất của làm việc từ xa là nó chỉ quản lý được những công việc liên quan đến máy tính. Nó không hiệu quả với những công việc như sửa đường ống, thợ điện hay những công việc sản xuất".

Huyền Anh (Theo SCMP)