Ngày 11/3, trường Sin-Paulus Campus College Waregem ở Bỉ đăng tải bức ảnh các học sinh mặc trang phục truyền thống Trung Quốc, đội nón lá tạo dáng cùng một tấm biển với dòng chữ "Corona Time" được đăng tải trên các phương tiện truyền thông xã hội. Hai học sinh trong đó mặc trang phục gấu trúc, một nữ sinh có hành động kéo khóe mắt chùng xuống - cử chỉ được coi là xúc phạm và chế giễu người gốc Á.
![]() |
Bức ảnh của trường Sin-Paulus Campus College Waregem gây phản cảm. |
Sau khi đăng tải, bức ảnh đã gây ra cuộc tranh luận gay gắt trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Có ý kiến cho rằng đó chỉ là một trò đùa, một số khác khẳng định đây là sự thiếu tôn trọng và kỳ thị chủng tộc.
Broodje Kaas Met Sambal, người sinh hoạt trong cộng đồng chống phân biệt chủng tộc châu Á tại Hà Lan, đã chụp lại màn hình và đăng tải lên tài khoản Instagram cá nhân. Bức ảnh này nhanh chóng nhận sự phản ứng dữ dội khi thế giới đang nỗ lực ngăn chặn sự bùng phát của Covid-19, với hơn 100.000 người lây nhiễm, hơn 3.000 ca tử vong.
Trong vòng 24 giờ, bài đăng nhận hơn 5.000 lượt quan tâm và 2.000 bình luận.
"Là tổ chức giáo dục, trường học có ảnh hưởng rất lớn đến thế hệ tương lai. Việc họ chấp nhận hành vi phân biệt chủng tộc và quảng bá trên các kênh truyền thông của mình là vô trách nhiệm và vấn đề nghiêm trọng cần phải xử lý", Broodje Kaas Met Sambal viết.
Sin-Paulus Campus College Waregem - trường trung học Hà Lan ở Bỉ đã đăng bức ảnh lên Instagram và Facebook. Sau khi nhận nhiều chỉ trích, bài viết âm thầm được xóa bỏ. Các website, fanpage chuyển chế độ từ công khai sang riêng tư.
Chưa có một lời giải thích hay tuyên bố nào được trường này đưa ra xung quanh bức ảnh.
Rui Jun Luong, nhiếp ảnh gia gốc châu Á sống tại Hà Lan chia sẻ trên trang cá nhân: "Bài viết gây tổn thương và khó chịu với người đọc. Một trường học với khẩu hiệu: Trái tim ấm áp, cái nhìn tươi mới, tâm trí cởi mở, sao có thể đăng tải hình ảnh như vậy".
Theo lời nhiếp ảnh gia, các bài đăng trước đó trên Instagram của ngôi trường đều hô hào và kêu gọi chống nạn bắt nạt, phân biệt chủng tộc, nhưng có vẻ họ loại trừ người châu Á.
"Điều này không hề vui vẻ, đó là sự phân biệt chủng tộc, chế giễu văn hóa của người châu Á", Rui Jun Luong nói.
Minh Phương (Theo Independent)