Khoảng 40 học sinh nam và nữ năm nhất của trường trung học cơ sở Yamato, thành phố Saga, Nhật Bản, được yêu cầu xếp hàng để kiểm tra quy định trang phục khi học kỳ mới bắt đầu vào tuần trước. Tại hành lang, các giáo viên cùng giới với học sinh kiểm tra bằng cách để nữ sinh vén áo lên vài centimet, trong khi các học sinh nam được yêu cầu cởi cúc áo để xác nhận có mặc áo lót hay không. Nam sinh và nữ sinh xếp thành hàng riêng cách nhau 10 m và quay mặt vào tường trong khi giáo viên kiểm tra trực quan từng học sinh.
Khi có phàn nàn về quy định kiểm tra đồ lót, hiệu trưởng nhà trường, ông Kenji Koga, đã gửi thư xin lỗi học sinh và phụ huynh. "Chúng tôi đã khiến nhiều người cảm thấy không thoải mái và không thể hiện đủ sự tôn trọng đối với quyền riêng tư cũng như quyền con người của mỗi học sinh. Điều này là không phù hợp", ông Koga nói.
Sau khi công khai xin lỗi, ông Koga cho biết nhà trường đã hủy bỏ việc kiểm tra áo lót.
Ủy ban Giáo dục thành phố Saga cũng nhận được các khiếu nại sau khi truyền thông địa phương đưa tin về hoạt động của trường Yamato. "Việc kiểm tra áo lót là một ví dụ về việc quấy rối tình dục, vi phạm quyền con người người của học sinh. Chúng tôi đã khuyến cáo nhà trường dừng ngay việc kiểm tra quy định về trang phục".
![]() |
Nữ sinh Nhật Bản phải tuân thủ nhiều quy tắc khắt khe khi đến trường. Ảnh: AFP |
Từ kiểu tóc đến màu sắc của tất, học sinh Nhật Bản có rất nhiều quy tắc phải tuân theo. Các quy định hà khắc trong trường học Nhật Bản, được gọi là buraku kousoku ngày nay, có từ những năm 1870 trong một nỗ lực kiểm soát bạo lực học đường. Dù có nhiều cuộc biểu tình chống lại các quy định, một số quy tắc trong số đó vẫn được duy trì cho đến nay.
Những lời giải thích cho các quy định nghiêm ngặt như vậy có thể khác nhau, từ tôn trọng truyền thống đến quan tâm sức khỏe của học sinh, chẳng hạn như ở trường trung học cơ sở Yamato.
Theo ông Koga, nhà trường không muốn học sinh bị đổ mồ hôi qua đồng phục và khiến quần áo của họ "nhớp nháp và ướt đẫm". "Nếu học sinh mặc thứ gì đó thấm hút mồ hôi, nó cũng có thể giúp điều chỉnh nhiệt độ cơ thể và tránh bị ốm. Áo lót là loại trang phục phổ biến vào mùa hè ở Nhật Bản, nơi nhiệt độ và độ ẩm có thể khiến quần áo bị dính mồ hôi", ông nói.
Koga cho biết thêm, việc kiểm tra áo lót không diễn ra thường xuyên, chỉ khoảng vài tháng một lần. "Học sinh năm thứ hai và thứ ba hiếm khi bị kiểm tra vì đã nắm rõ các quy tắc. Nhưng học sinh năm nhất, nhiều người chưa bao giờ mặc đồng phục trước khi lên trung học cơ sở, dễ vi phạm các quy định hơn", ông nói.
Tuy nhiên, những cáo buộc gần đây về việc lạm dụng tình dục và vi phạm quyền riêng tư đã gây áp lực buộc các trường học phải xem xét lại các quy định nghiêm ngặt về những gì học sinh được phép mặc dưới lớp áp đồng phục.
Hồi đầu tháng 3, Hội đồng giáo dục tỉnh Nagasaki phát hiện gần 60% các trường THPT và THCS công lập khu vực yêu cầu học sinh mặc áo lót màu trắng. Để kiểm tra xem học sinh của tuân thủ quy định hay không, một số giáo viên đã bắt các em xếp hàng ở hành lang và cởi áo để kiểm tra, theo NHK. Ở Kawasaki, tỉnh Kanagawa, trong một số trường hợp giáo viên nam bị cáo buộc quấy rối nữ sinh vì kiểm tra kích cỡ ngực để xác định có cho phép các em mặc áo quây nâng ngực hay không.
Chia sẻ trên tờ Mainichi, giáo sư Takehiko Yoshioka, thuộc Khoa Sư phạm Đại học Saga cho biết các quy định liên quan đến quần áo lót tại trường học là "rất lạc hậu". "Bất kể là nam hay nữ, việc buộc phải kiểm tra đồ lót là hành vi quấy rối và vi phạm nhân quyền. Xét theo bản dạng giới, việc kiểm tra được thực hiện bởi giáo viên có cùng giới tính với học sinh không phải là vấn đề. Dù học sinh có mặc áo lót hay không, màu gì, về cơ bản thuộc quyền cá nhân của mỗi người. Các quy định liên quan đến áo lót cần phải được loại bỏ".
Xem thêm: Seoul yêu cầu hủy quy định nữ sinh không được mặc nội y ren
Huyền Anh (Theo Vice, Mainichi)