Trường THPT FPT đang thử nghiệm ứng dụng Plickers nhằm hỗ trợ giáo viên kiểm tra bài cũ đối với học sinh. Phần mềm, nằm trong dự án "Ứng dụng CNTT trong dạy & học" của thầy cô tổ bộ môn Xã hội, được triển khai trước hết với bộ môn Địa lý. Hệ thống hoạt động trên điện thoại thông minh có kết nối với máy tính chủ và màn hình chiếu.
Một tiết học địa lý ứng dụng công nghệ của học sinh. Nguồn: THPT FPT.
Cụ thể, khi tham gia lớp học, mỗi học sinh được cung cấp mã code khác nhau, ở mỗi cạnh của mã sẽ có ký hiệu tương ứng đáp án A, B, C, D. Mã code được tích hợp với mã thẻ học sinh.
Vào giờ kiểm tra 15 phút, giáo viên sẽ chiếu câu hỏi trên màn hình lớn. Học sinh lựa chọn các đáp án A, B, C, D in sẵn trên mã code và giơ lên. Sau đó, giáo viên dùng smartphone cài ứng dụng để quét toàn bộ đáp án của học sinh. Kết quả chấm nhanh chóng được cập nhật vào hệ thống bảng điểm của máy tính chủ.

Mã học sinh cùng ký hiệu về đáp án A, B, C, D được tích hợp trên một tờ giấy in.
Bắt đầu làm quen với cách thức kiểm tra theo phương pháp mới, nhiều học sinh không khỏi lúng túng. Lan Phương chia sẻ: "Lúc đầu em toàn trả lời sai vì không biết giơ mã code như thế nào cho đúng, nhưng chỉ cần vài lần thực hiện là sẽ quen ngay. Cả lớp em ai cũng đều hào hứng với cách học mới, lúc nào cũng đòi cô... cho kiểm tra".
Chia sẻ tính ưu việt của ứng dụng này, cô Vân Anh, giáo viên Địa lý, chủ nhiệm đề tài ứng dụng Plickers tại THPT FPT cho hay: "Đây là phương thức kiểm tra đang được các bạn học sinh rất yêu thích. Ngày trước học sinh đến giờ kiểm tra là hồi hộp, sợ hãi, nhưng từ khi có phương pháp mới, các bạn chăm học hơn để khi máy báo kết quả về, có thể tự hào khoe điểm số. Chưa bao giờ tôi thấy học sinh lại hào hứng và muốn kiểm tra như vậy."

Giáo viên sử dụng điện thoại có đã cài đặt ứng dụng Plickers.
Không chỉ tìm ra cách học mới khiến học sinh thích thú, ứng dụng chấm bài công nghệ còn giúp các lớp học tiết kiệm thời gian, giảm tải áp lực và chống gian lận trong các giờ kiểm tra.
Ngoài ra, Plickers còn sắp xếp kết quả điểm theo thứ hạng từ cao xuống thấp, đồng thời tính phần trăm tỷ lệ các câu trả lời sai, nhằm hỗ trợ giáo viên trong việc nắm bắt các lỗ hổng kiến thức và có biện pháp bổ trợ phù hợp cho học sinh.
"Đối với những câu sai, giáo viên sẽ chủ động sửa, để tránh trường hợp học sinh giấu dốt. Thêm vào đó, chúng tôi cũng thiết lập tính năng tự động lưu kết quả điểm theo từng lần kiểm tra, nhằm theo dõi sự tiến bộ của học sinh", cô Vân Anh hào hứng chia sẻ.

Kết quả được hiển thị ngay lập tức trên hệ thống khi vừa được quét.
Nhiều học sinh tham gia trải nghiệm nói: Kiểm tra bài cũ kiểu này chẳng khác gì tham gia chương trình "Ai là triệu phú".
Sau khi được chia sẻ lên mạng xã hội, phương pháp học thông minh đã nhận nhiều lời khen: Đúng là trường người ta, cái gì cũng sáng tạo bằng công nghệ được; Kiểm tra 15 phút bây giờ chỉ cần smartphone và mảnh giấy có mã code; Không còn những ngày chờ dài để biết kết quả kiểm tra nữa, làm bài xong là sau vài giây điểm trả về ngay lập tức luôn, vi diệu quá!...
Thúy Quỳnh - Mai Phương