iOne – Trang giải trí dành cho giới trẻ
  • News
  • Stars
  • Style
  • Movies - Muzik
  • Horoscopes
  • Funland
  • Girls - Boys
  • Video
  • Photos
KPOP KPOP
Love Haha Omg
  • Home

  • News

    Vietnam

    World

    Lifestyle

    Sports

  • Stars

    Vbiz

    Asia

    US-UK

  • Style

    Fashion

    Star Style

    Contest

    Beauty

  • Movies - Muzik

    Movies

    MV-Trailer

    Muzik

  • Horoscopes

    Daily

    Tarot

    Horo+

    Tests

  • Funland

    Quiz

    Fun Stuff

    FunVid

  • Girls - Boys

    Dating

    How-to

    Góc để chill

  • Video

    Lifestyle

    MV - Trailer

    Style

    Sports

  • Photos

  • Contact us

    Liên hệ tòa soạn

    Đóng góp ý kiến

Connect

Trending
  • Copy link thành công
  • News
Thứ tư, 25/5/2011, 15:08 (GMT+7)

Từ những gánh cá oằn vai, tôi khát khao thay đổi cuộc đời

Tôi không sống trong thời chiến nhưng đã phải ăn cơm độn cà rốt, cơm độn khoai lang khô mốc hay ăn bí đỏ su su thay cơm.

Bài dự thi "Ước mơ của tôi"

Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo. Mẹ tôi làm lụng vất vả để nuôi bốn anh em tôi nên người. Tôi không sống trong thời chiến nhưng đã phải ăn cơm độn cà rốt, cơm độn khoai lang khô mốc hay những bữa ăn chỉ toàn là su su luộc, bí đỏ luộc thay cơm. Tôi từng nghĩ mình chẳng thể nào sống được chứ nói gì đến học hành…

Bụng thiếu cơm lúc nào cũng réo ầm ầm, sôi lục bục. Các bạn học cùng lớp với tôi rất vô tâm. Họ thường chế giễu tôi khi thấy tôi mặc áo rách. Trong lớp có xảy ra mất cắp, ánh mắt đầu tiên họ nhìn vào tôi, hay trong lớp có mùi gì khó chịu, ánh mắt đầu tiên họ cũng nhìn về tôi… Tôi đã sống trong nỗi mặc cảm suốt thời gian từ lớp 6 đến lớp 9.

Tôi nghĩ mình chẳng bao giờ học hết cấp 2, nhưng tôi đã cố và leo lên hết lớp 9. Tôi thi đậu tốt nghiệp nhưng rớt vào hệ B cấp 3. Mẹ tôi nói: "Thôi con đi học bổ túc buổi tối, còn ban ngày đi học cái nghề để nuôi mình". Mẹ chở tôi trên chiếc xe đạp cọc cạch đến những cơ sở học nghề tư nhân, với mong muốn họ sẽ nhận dạy nghề cho tôi.

Nhưng đầu vào của những khóa học nghề là 200.000 đồng. Đó là năm 1999, tôi biết nhiều người cho cái giá đó rất bèo nhưng mẹ tôi không có đến một phần tư khoảng đó để cho tôi tham gia (vì mẹ đi phụ hồ mỗi ngày chỉ được 10.000 đồng mà lo tới mấy miệng ăn). Mẹ lại chở tôi về nhà, mẹ nói khi nào gom đủ tiền sẽ cho con đi học nghề.

Mùa hè năm đó, mẹ không phụ hồ nữa, chuyển sang bán trái cây. Mẹ đi lên huyện mua lại và chở về những chuyến hàng ít ỏi trên chiếc xe đạp. Tôi có nhiệm vụ ngồi ở chợ nhỏ bán, tôi đã xẻ thành thạo từng trái mít, lọc xơ mít để cảm quan nhìn vào miếng mít thật là ngon. Đến bây giờ tôi cũng không nghĩ là sao tôi có thể khéo tay đến thế. Có lẽ cái khó nó ló cái khôn.

ca-684788-1371400448_500x0.jpg

Những gánh cá oằn vai giúp tôi nuôi khát khao thay đổi cuộc đời. Ảnh minh họa: Hoàng Hà.


Hết mùa trái cây, mẹ chuyển sang hợp tác bán cá với một người bạn (vì mẹ không có vốn). Cô ấy đi lấy hàng, mẹ ngồi chợ nhỏ bán, tôi thì gánh đi bán dạo. Vào một buổi chiều, tôi vào nhà bạn mẹ trả tiền cá, khi về tôi gặp Trúc, cô bạn học cùng tôi, cô ấy bảo tôi và cô ấy đỗ vào lớp 10 cùng một lớp, cô ấy rủ tôi đi học. Tôi đã nói về gia cảnh của mình, tôi biết mình không còn cơ hội để học phổ thông. Trúc động viên tôi nhiều, hai chúng tôi đứng ngoài đường trước cổng nhà cô ấy, tôi đã khóc.

Tối đó, tôi thao thức mãi không ngủ được, tôi mò sang giường mẹ thủ thỉ: "Mẹ ơi, con và Trúc vào cùng một lớp, mẹ cho con đi học nha mẹ! Con sẽ cố gắng phụ mẹ bán hàng chăm chỉ hơn. Con chỉ đi buổi chiều thôi". Mẹ đắn đo suy nghĩ, rồi hai mẹ con cùng khóc.

Sáng hôm sau, mẹ dậy sớm hơn, mẹ bảo tôi cứ lên trường xem sao. Niềm vui của tôi vỡ òa thành nước mắt. Mẹ của Trúc đã mua cho tôi một sấp vải gấm trắng tinh để tôi may áo dài. Sau này, hơn một năm tôi mới đủ tiền để trả lại nhưng cô không nhận, cô nói tặng tôi, để giúp tôi học tập.

Từ đó, buổi sáng tôi dậy sớm hơn để gánh cá đi bán dạo, kịp giờ về đi học. Mọi người trong xóm dù ăn cá đến ngán cả cổ, nhưng hình như họ thương tôi, mỗi khi tôi vào bán họ đều ủng hộ. Năm đó tôi mới 15-16 tuổi. Tôi không còn cảm thấy mặc cảm với chính mình nữa, tôi đã rất tự tin, ba năm cấp ba tôi luôn là học sinh tiên tiến, tôi được xếp hạng 3 hạng 4 của lớp. Chính những gánh cá oằn vai, những ngày dài đi bộ mòn chân, tôi đã nuôi khát khao thay đổi cuộc đời.

Năm tôi lên lớp 12 thì em gái kế tôi vào lớp 10, mẹ tôi cũng chưa đủ tiền mua áo dài cho em. Hiểu cảm giác hân hoan được mặc áo dài trong ngày tựu trường tôi đã nhường áo dài của mình cho em gái và trốn không dự lễ khai giảng. Khi đi học, tôi bị lôi lên phòng hội đồng viết bản kiểm điểm.

Cô giáo chủ nhiệm gặp tôi không hỏi lý do đã mắng: "Sao em lớn mà chẳng có ý thức gì hết vậy". Tôi thật sự buồn, tôi căm ghét cô dễ sợ. Tôi chỉ mong cô hiểu đứa học trò của cô từng gánh oằn đôi vai để được đi học chữ... Nhưng nói sao đây? Chẳng lẽ tôi lại đi phân bua hoàn cảnh với cô để mong nhận được ánh nhìn thương hại?

Tôi đạt học sinh tiên tiến năm lớp 12, tôi thi đậu tốt nghiệp rồi vào học Trung cấp thư viện. Hai năm học trung cấp cũng là những năm tự lập của tôi giữa đất Sài Gòn tấp nập, xa lạ. Hồi đó, những đứa bạn của tôi nghèo nhất cũng được ba mẹ gửi cho 500.000 đồng mỗi tháng. Còn tôi thì không được cái diễm phúc đó, khi nào tôi bệnh, không làm được gì thì mẹ gửi cho 100.000 hay 200.000 đồng.

Mỗi ngày bắt đầu với tôi vào 4h sáng và kết thúc sau 12h đêm. Tôi cũng từng nghĩ mình sẽ không trụ nổi. Nhưng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ của mình. Năm đầu tiên tôi được học bổng trọn vẹn, đủ tiền để đóng học phí. Năm thứ hai cũng vậy, tôi không nợ bất cứ môn nào. Tôi tốt nghiệp với tấm bằng khá. Vừa ra trường tôi nhận được lời mời làm việc từ nơi tôi thực tập. Nhưng mức lương nhà nước không đủ để hai chị em bươn chải. (Lúc đó em gái tôi cũng vào Sài gòn học). Tôi đã xin đổi việc.

Tôi về lại Đà Lạt, thời gian đầu chưa tìm được việc, ban ngày tôi đi hái cà phê cho mẹ, tối đến đi bộ gần 7 km để học Anh văn và vi tính. Chính nhờ lớp vi tính, tôi đã có công việc đúng chuyên ngành và tôi đang làm.

Dù có công việc ổn định, nhưng tôi đã không phí phạm thời gian rảnh rỗi, vẫn đều đặn đến lớp ngoại ngữ. Tôi không giỏi nhưng giờ đây có thể giao tiếp với mọi người bằng hai ngoại ngữ. Tôi không để bản thân mình tự hài lòng với những gì mình có. Tôi tiếp tục theo học lớp dược tá. Tôi hy vọng khi được đi học, óc con người ta sáng hơn, suy nghĩ năng động, lạc quan hơn.

Tôi đang dự định học lên đại học chuyên ngành thư viện hoặc học lên dược sĩ trung học từ bằng dược tá của mình. Có thể so với những bạn cùng lớp, cùng trang lứa tôi không thành công bằng họ. Nhưng tôi tin, với ý chí và sự quyết tâm vượt lên số phận, tôi sẽ thành công…

Trần Trinh Uyên

Theo dõi và bình luận cho mỗi bài viết trên iOne để nhận quà hấp dẫn (tiền mặt 1 triệu đồng/ học bổng 100 USD và quà tặng khác) bạn nhé. Ban tổ chức sẽ chọn ra những bình luận hay mỗi tháng để trao giải. Bạn nhớ điền đúng địa chỉ email và số điện thoại để chúng tớ liên hệ trao quà.

Tham khảo thể lệ cuộc thi

Back Save
Share Copy link thành công
Báo tin, gửi bài, tâm sự với iOne tại đây
×
ione.vnexpress.net Chuyên trang của VnExpress Số giấy phép: 72/GP-CBC, Bộ Thông tin và Truyền thông, ngày 22/9/2021
vnexpress.net ngoisao.vnexpress.net

© Copyright 2019, All rights reserved

® VnExpress giữ bản quyền nội dung trên website này

Liên hệ toà soạn