>Nhận bài dự thi "Viết cho tuổi học trò"
Ai cũng có tuổi thơ để nhớ, cũng có một thời cắp sách đến trường và ai cũng có những lúc dại khờ ngẫn ngơ trong những phút bối rối. Chúng tôi cũng vậy.
Tuổi học trò của những đứa trẻ quê mùa sôi động trong màu sắc trẻ thơ, thẫm đẫm cái mùi mưu sinh cuộc sống.
Không giống như bọn trẻ con bấy giờ, bọn trẻ quê mùa từ cấp một đã phải phụ giúp gia đình, ước mơ được nghỉ cả buổi chiều ở nhà ngồi học bài cũng là cả một sự khó khăn. Có lẽ vì thế mà đứa nào trông cũng gầy còm đen nhẻm đi thảm hại.
Thế nhưng không phải vì thế mà cả bọn không có một tuổi thơ thảnh thơi với những trò trẻ con dại khờ.
Trên cánh đồng ngày ấy, tiếng cười trẻ thơ hôm nay vắng bóng thay bằng những ngôi nhà cao tầng mới mọc lên san sát. Mới có 15 năm mà mọi thứ thay đổi thật chóng mặt. Trẻ con bây giờ cũng không bủng beo như trước nữa.
Ngày ấy, cả bọn trẻ con một buổi đi học, một buổi ở nhà phụ giúp cha mẹ. Đứa thì chăn bò, đứa thì đi nhổ cỏ, kiếm rau lợn, lấy bèo, gánh nước, đi làm cùng mẹ. Thôi thì đủ việc linh tinh.
Nhưng trong tất cả những công việc ấy tụi tôi thích nhất là đi nhổ cỏ cho bò và kiếm rau lợn. Ngay từ sáng sớm, tụi nhỏ mỗi đứa một đôi quang chành í ới nhau như chim buổi sáng đánh thức cả bình minh dạy.
Mùa này chúng tôi tìm đến những ruộng dưa chuột không phải để nhổ cỏ mà là ăn trộm. Chúng tôi mon men đến đầu bờ giả vờ bứt cỏ. Sau một hồi thám thính không có động tĩnh gì, cả bọn cầm theo cái gơ lỉnh vào vặt mỗi đứa khoảng chục quả sau đó vùi cỏ lên rồi đi ra một cách đường hoàng.
Khi cỏ đã nhổ đầy quang, rau lợn kiếm chật gơ cả bọn lại tụ tập ngồi lại mang dưa ra ăn. Ăn không hết mang về sợ bị mắng, cả bọn vứt xuống mương hoặc vào chỗ rậm cho khỏi bị phát hiện. Mùa nào trên cánh đồng cũng có thứ để ăn khiến tụi trẻ con hào hứng thực hiện nhiều phi vụ táo bạo.
Mùa đông đến, những trái cà chua chín mọng lẫn trong cái màu xanh ngắt của cánh đồng ngô, những bãi mía tím ngắt đang mời gọi tụi trẻ. Vui nhất là mùa ngô. Trên những quả đồi trơ trụi lác đác vài đống cỏ hun. Địa điểm lý tưởng cho bọn tôi nướng ngô, nướng khoai lang, khoai tây, hành, tỏi, cà rốt.
Bất kỳ thứ gì nướng ăn được chúng tôi vùi hết trong đống hun, đợi lúc mặt trời ngáp ngủ. Cả bọn đè đống hun ra bới tanh bành. Vì nghịch nhiều nên chúng tôi bị ăn chửi cũng không phải ít. Nhưng vì nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò. Ấy vậy mà tụi trẻ tụi trẻ bọn tôi lại sợ các bà già bởi các bà chửi khó nghe lại còn tìm đến tận nhà tố cáo với bố mẹ để chúng tôi bị đòn nữa.
Tôi vẫn nhớ có một lần phát hiện ra một bãi mía ngon, tường vây cũng không cao lắm lại vắng người qua lại cứ thế là hôm sau tụ họp tụi nó lại làm một “trận càn”.
Lại nhớ những trò hậu trường học tập. Thật đáng yêu, ngộ nghĩnh mà cũng thật táo bạo. Mùa này xà cừ rụng lá nhiều lắm, sau mỗi buổi học tụi nhỏ lại phải lăn lê trên sân để nhặt hết lá.
Nhà tôi gần trường nên thường chạy về lấy chổi xương của mẹ kéo thêm hai cái bao tơ tằm to tướng quay lại. Tụi học sinh cần mẫn nhặt lá nhét vào bao giúp tôi mà còn cảm ơn - Lớp trưởng chu đáo quá. Những ngày ấy, hôm nào tôi cũng xách khệ nệ hai bao lá xà cừ về phơi. Những bao lá ấy lại giúp mẹ đun vài soong cám lợn.
Ngày 20-11 trong khi học sinh thành phố nô nức đến nhà thầy cô trong những bó hoa hồng thơm ngắt thì tụi tôi cũng có hàng ngàn bông hoa cải cúc, cải thìa, củ cải, hoa gấy thôi thì đủ loại. Chỉ cần ruộng nào trồng hoa giống, tường nhà ai vương màu hồng hoa giấy là cả bọn lại xông vào mỗi đứa một ôm bự mang đến nhà cô giáo.
Ngày ấy cha mẹ không coi trọng việc học của con như bây giờ thế nên cả bọn mới thảnh thơi vứt sách vở ở lại để đi bêu nắng bắt cua ngoài đồng kiếm tiền mua lấy cái bút, thước kẻ hay một cái kẹo ông béo, một que kem đá.
Cua bắt về mang cho mẹ bán, bán xong đòi tiền mẹ, mẹ bảo chỉ được 500 đồng, mẹ đưa cho hết. Ngày ấy thế là sướng vì được cầm tiền trong tay dù vẫn cằn nhằn “mẹ nói dối”. Cái nắng tháng sáu như muốn thiêu đốt lũ mạ xanh non, tụi trẻ lại trùi trũi mang theo giỏ, gơ đi xúc tôm xúc tép, bắt cua.
Kinh nghiệm bắt cua của tôi lên cơ hẳn kể từ cái ngày đụng phải hang rắn ráo. Ngày đấy, bờ máng không bê tông hết như bây giờ. Hai bên là hang ổ của tụi cua. Trông con cua kềnh đang nhìn tôi thách thức, tôi bực mình lấy tay định chộp lấy. Nó nhanh chóng biến vào hang.
“Hang to không nên thò vào vì hay có rắn” mẹ vẫn dặn tôi vậy thế nhưng nhìn con cua kềnh tôi không thể để cho nó thoát. Con này phải to bằng bốn con cua thường cộng lại. Tôi ngúi đầu, chổng mông thò cẳng tay rồi lôi ra một con rắn ráo. Giật mình hét toáng lên. Con rắn trong tay tôi giãy giụa, nếu nó biết kêu chắc chắn nó còn la to hơn nữa.
Một đứa trong bọn hét: Vứt con rắn đi! Tôi thần hồn nát thần tính nhắm mắt bóp chặt cổ con rắn cho đến khi nó không giãy nữa mới choàng tỉnh. Cũng từ đó, tôi bị tụi bạn đặt cho biệt danh “Dũng sỹ diệt rắn”, cũng từ đó mỗi khi nhìn thấy rắn, tôi lại rùng mình trong cái cảm giác bầy nhầy giãy giụa của con rắn tội nghiệp.
Rồi chúng tôi cũng lớn lên, vứt lại sau lưng một tuổi thơ oai hùng. Tuổi thơ không sợ mưa nắng, lấm lem, không sợ đòn roi để lại trong chúng tôi những kỷ niệm khó phai.
Sống trong sự vất vả mưu sinh cuộc sống, chúng tôi thêm quý trọng tình bạn hơn, gắn bó thấu hiểu nhau hơn. Quý trọng hơn sự nhọc nhằn của mẹ và những giọt mồ hôi của cha. Ôi tuổi thơ, tuổi học trò hồn nhiên trốn học sẽ chẳng bao giờ quay trở lại nữa.
Chu Mai
Cuộc thi "Viết cho tuổi học trò" Cuộc thi nhằm giúp các bạn trẻ chia sẻ những câu chuyện về tuổi học trò, vui hoặc buồn, khiến bạn bật cười hay muốn khóc khi nghĩ đến. Nhưng đó là nơi cất giữ một phần con người bạn, là cuốn cẩm nang đúc kết những bài học sẽ theo suốt cả cuộc đời. Hãy chia sẻ với chúng tôi con người đó, câu chuyện đó của bạn hoặc những người xung quanh để những bài học của bạn sẽ trở thành của mọi người, để giúp cho ai đó còn đang chưa tìm được lối thoát sẽ nhận ra sự đồng cảm và niềm hy vọng vẫn tồn tại trong cuộc đời này và để tuổi học trò mãi mãi là những dấu ấn không quên trong mỗi chúng ta. Cuộc thi do FPT Polytechnic phối hợp với VnExpress và iOne.net tổ chức. Xem thông tin chi tiết về cuộc thi và gửi bài tham dự tại đây |