Thứ sáu, 6/8/2021, 15:17 (GMT+7)

VĐV Olympic Mỹ phải trả giá đắt thế nào đằng sau tấm huy chương?

Nỗi sợ và sự im lặng, áp lực thể chất lẫn tinh thần cùng cáo buộc lạm dụng tình dục như bóng đen phủ lên con đường đến bục vinh quang của các VĐV thể dụng dụng cụ - môn thể thao Olympic hàng đầu.

Các VĐV thể dục dụng Mỹ vạch trần mặt tối sau những tấm huy chương là những lời lăng mạ, bỏ đói, bị chính bác sĩ của đội tuyển lạm dụng tình dục. Qua nhiều năm, Hiệp hội Thể dục dụng cụ Mỹ (USAG) đã hứa hẹn tự cải cách nhưng cuộc chiến không dừng lại. Các vận động viên và phụ huynh cho biết tổ chức này vẫn không thể bắt các huấn luyện viên phải chịu trách nhiệm cho hành vi lạm dụng.

Ashley Davis cần phải được phẫu thuật. Cô đã phải thi đấu với mắt cá chân bị vỡ trong suốt mùa giải năm 2003 và cuối cùng quyết định rằng chấn thương cần được chữa trị. Đêm hôm trước, cô quay lại phòng tập, tại đó, HLV Kurt Thomas bảo cô khởi động bằng bài tập trên sàn, vì cô sẽ phẫu thuật hôm sau và thêm chấn thương cũng ‘không sao hết’. Davis, khi đó mới 18 tuổi, biết rằng tốt hơn hết cô không nên cãi lại thầy. Cô tiếp tục và nhào lộn, cho đến khi một tiếng gãy to đến mức cả phòng tập nghe rõ vọng ra. Vì mắt cá chân trái bị thương nên cô dồn nhiều lực hơn vào chân phải, tiếng gãy đó là của bàn chân trái. Davis ngã xuống đất, không thể dùng chân tì được. Cô không khóc khi bò ra khỏi sàn tập. Không ai dừng tập. Mọi người vẫn tập luyện xung quanh cô.

Vào những lúc thế này, các HLV ở các môn thể thao khác sẽ chạy lại để xem học trò bị thương ra sao, còn Davis nói rằng Thomas mắng cô - một hành vi đã ăn sâu vào bộ môn thể dục dụng cụ. Davis nói HLV cho rằng cô bị thương là do cân nặng, gọi cô là đồ hết thời và nói cô "biến đi học cao đẳng đi" (Cô có học bổng thể thao để thi đấu cho Đại học Oklahoma, nhưng tạm hoãn một năm để tiếp tục tập luyện vì Olympic). Davis tin rằng mình không còn giá trị gì với huấn luyện viên.

Trước khi cô bò được đến tủ đồ ở phòng tập ở Frisco, Texas, Davis nói rằng Thomas bắt các vận động viên thể dục dụng cụ chưa thành niên phải đi diễu hành quanh sân tập, vỗ tay và hát bài It’s a Hard Knock Life (Cuộc sống khó nhằn). Ngay cả sau khi những chuyện đó xảy ra, Davis không nói với bố mẹ. Khi nhớ lại, cô không hiểu vì sao. Cô bị nói là béo, và đó là lí do dẫn đến chấn thương. Cô là vận động viên, và đây là cách huấn luyện phổ biến. Huấn luyện viên Thomas không xác nhận bất kì cáo buộc sỉ nhục nào trước khi qua đời năm 2020 vì đột quỵ. Đại diện của Kurt Thomas Gymnastics phủ nhận việc Davis phải nhào lộn với mắt cá chân bị thương và các vận động viên khác chế giễu cô.

Giờ đây Davis 36 tuổi, cô vẫn không biết có bao nhiêu vết nứt xương do chấn thương ở mắt cá chân gây ra. Cô cho biết: "Họ ngừng đếm sau số 100". Bên cạnh bàn chân trái bị gãy, bàn chân phải của cô cũng bị rách hết dây chằng. Davis cho rằng cách huấn luyện viên của cô xử lý sự việc đó là đại diện cho cả một hệ thống mục nát. Sự việc kinh khủng mà cô trải qua giống hàng chục các VĐV khác ở mọi cấp độ của môn thể thao này cho đến bây giờ.

Larry Nassar bị kết án 175 năm tù vào năm 2018. Ảnh: New York Post.

Trước khi cả thế giới thể thao biết đến vụ việc của Larry Nassar (bác sĩ 'quái vật lạm dụng tình dục' hàng trăm nữ VĐV), nhà báo Joan Ryan đã vạch trần văn hóa sỉ nhục ở môn thể dục dụng cụ trong cuốn sách Little Girls in Pretty Boxes. Cựu VĐV Jennifer Sey cũng viết về điều này năm 2008, miêu tả kĩ về những hậu quả mà các vận động viên phải chịu trong cuốn sách Chalked Up của mình. Cô bị gọi là "kẻ cay đắng" vì sự nghiệp kết thúc. Các nhà phê bình gọi cô là kẻ dối trá và cho rằng không có lời nói nào của cô là sự thật. Khi Dominique Moceanu lên tiếng trong cuốn tự truyện Off Balance năm 2012 của mình, cô cũng gặp phản ứng tương tự. Đây là lời cảnh báo cho những vận động viên muốn tố cáo khi đó: Nếu bạn không ngoan ngoãn, đây sẽ là cách bạn bị đối xử.

Tháng 6/2020, Netflix phát hành bộ phim tài liệu Athlete A nói về lối sống bị sỉ nhục mà các vận động viên phải chịu và vụ việc lạm dụng tình dục hàng loạt của Nassar. Mối liên kết giữa văn hóa của môn thể thao này và bê bối tình dục lớn nhất lịch sử ngành thể thao bị phơi bày rõ ràng hơn. Larry Nassar là kết quả của một hệ thống coi trọng nỗi sợ và sự im lặng. Sey nói: "Việc người đàn ông này có thể lạm dụng mà không bị sờ gáy trong nhiều năm như vậy có liên quan đến sự thật rằng chúng tôi đã tạo ra một văn hóa đòi hỏi sự phục tùng hoàn toàn". Bộ phim tài liệu tạo nên làn sóng #GymnastAlliance trên mạng xã hội vào năm 2020, các vận động viên và phụ huynh chia sẻ câu chuyện của mình và hậu quả lâu dài của nó: bệnh tâm lý, rối loạn cơ thể và đau nhức cơ thể. Nhiều người đã hy vọng về sự thay đổi.

Simon Biles, một trong những vận động viên giàu thành tích nhất trong lịch sử Olympic, đã cáo buộc Larry Nassar tấn công tình dục mình. Ảnh: Sports Illustrated.

Nhưng hơn một năm sau, một kỳ Olympic nữa đang diễn ra, vẫn không có thay đổi gì nhiều. Hôm 27/7, Simone Biles - VĐV ngôi sao của đội Mỹ, một nạn nhân của Nassar - quyết định rút lui khỏi thi đấu. Đằng sau quyết định chấn động là những tổn thương liên quan đến lạm dụng tình dục và một cuộc tranh luận về sức khỏe tâm lý, áp lực của chương trình tập luyện nổ ra. Trong bộ môn mà các huấn luyện viên nắm nhiều quyền lực hơn, các VĐV khác bị choáng váng vì khả năng tự ra quyết định vì bản thân của Biles. Biles nói về một hệ thống khiến cô cạn kiệt và rút hết mọi niềm vui thi đấu.

"Harvey Weinstein" trong thể thao có thể đã đi tù, nhưng hệ thống huấn luyện và phát triển vận động viên của Hiệp hội Thể dục dụng cụ Mỹ vẫn còn nguyên. Hiệp hội vẫn không thể - hay không sẵn lòng – bắt các huấn luyện viên phải chịu trách nhiệm. Hệ thống này được xây dựng để bảo vệ huấn luyện viên. Những câu chuyện minh chứng cho điều này đã được đề cập rất chi tiết trong phim tài liệu Athlete A.

McKayla Maroney (1995), cựu VĐV thể dục dụng cụ hàng đầu của Mỹ, tố cáo Larry Nassar lạm dụng.

Bộ phim này, cùng những phanh phui khác trên báo chí không phải một ác mộng truyền thông. Đây là một hệ thống có thể tạo ra những nhà vô địch nhưng để lại sau đó hàng dài những vận động viên cạn kiệt và đau khổ. Làng thể dục dụng cụ này có vấn đề về lạm dụng có từ rất lâu trước khi vụ Nassar nổi lên. Sports Illustrated thực hiện 16 cuộc phỏng vấn với các VĐV và phụ huynh và nhóm này báo cáo 19 HLV về hành vi lạm dụng trong suốt 22 năm.

Từ 16 cuộc phỏng vấn, có một điểm chung được đặt ra, đó là các vận động viên được huấn luyện để im lặng, họ được dạy phải tiếp tục tập luyện dù bị chấn thương và chấn thương cũng không đau đến thế. Họ nhận ra rằng sợ hãi không được chấp nhận. Các vận động viên bị bắt phải tin rằng đây là điều bình thường. Nỗi sợ là phần tất yếu của bộ môn như thể dục dụng cụ, và đây là điều mà các huấn luyện viên lợi dụng.

Hai vận động viên từ Texas chia sẻ rằng họ kẹt ở trên cầu thăng bằng hàng tiếng đồng hồ vì họ sợ phải làm một động tác. Họ biết rằng nếu nhảy xuống mà không làm gì, họ có thể bị rút khỏi một cuộc thi hay chuyển xuống cấp độ thấp hơn. Hình phạt cho những lỗi như ngã hay không chỉnh sửa động tác đủ nhanh cũng rất khắc nghiệt. Những lời lăng mạ về cân nặng hay bắt giảm cân theo cách không lành mạnh cũng rất phổ biến. Văn hóa tập luyện khiến phụ huynh không thể tiếp cận với con mình. Bố mẹ các vận động viên không được đến xem con tập luyện và họ cũng không được nói chuyện về tập luyện khi về nhà vì sẽ khiến huấn luyện viên bị phụ huynh chất vấn. Một bà mẹ cho biết: "Là phụ huynh chúng tôi còn không biết chuyện tồi tệ thế nào vì ‘Đừng nói với bố mẹ’ hay ‘Đây là huấn luyện khắc nghiệt’. Nếu bạn muốn là người giỏi nhất, đây là điều mà các huấn luyện viên khó tính làm".

Dominique Moceanu thi đấu ở Olympic Atlanta 1996 khi mới 14 tuổi và là thành viên của nhóm Magnificent Seven từng đoạt HC Vàng. Nữ VĐV tố cáo bị HLV Bela Karolyi ép nhịn ăn, sỉ nhục. Ảnh: InStyle.

Sự sỉ nhục mà Ashley Davis từng cố gắng để ngăn chặn ở Kurt Thomas Gymnastics không hề kết thúc khi cô khiếu nại hay rời đi. Thay vào đó, hành vi này lan sang các HLV khác, nhắm vào một lứa VĐV trẻ mới. Một trong số đó là Kaleigh Gallant. Cô bắt đầu tập luyện ở đây từ khi 7 tuổi, năm 2005. Cô cho hay các HLV không quan tâm nếu cô khóc hay phải chịu đựng cơn hen và bắt cô phải mặc đồ thi đấu ngay cả khi luyện tập. Năm 2011, cô bị ngã khi tiếp đất, hai chân cô ‘chìa ra’ phía sau. Cô cho biết hai HLV Thomas và Josh Cook nói rằng cô không thể bị thương vì "thảm rất mềm". Cô nhảy đến tủ đông, lấy đá để chườm vào cổ chân và đầu gối. Cô được chẩn đoán bong gân mắt cá chân và đầu gối nhưng không nói với bác sĩ mình đau đớn thế nào. Cô biết rằng mình sẽ gặp nhiều rắc rối nếu nộp giấy cấm cô luyện tập.

Gallant ngừng tập luyện năm 2012. Năm 2018, cô khiếu nại với cả Sở Cảnh sát Frisco và Hiệp hội Thể dục dụng cụ Mỹ. Trong đơn ghi rõ các sự việc xảy ra trong 8 năm cô thi đấu. Hiệp hội cử thanh tra Austring điều tra vào tháng 12/2018. Gallant gửi toàn bộ mọi tài liệu và tên của đồng đội xác minh câu chuyện của cô cho Austring. Austring gửi khiếu nại của cô cho Hiệp hội đầu năm 2019. Gallant đợi mãi rồi cho rằng Hiệp hội cho dừng điều tra vụ việc hay bãi bỏ mà không nói với cô. Cô tin rằng việc xảy ra với cô là ‘không đủ tồi tệ’ để tổ chức này điều tra hay thậm chí hỏi rằng cô có ổn không. Việc này giống với những gì đã xảy ra với các HLV: những gì cô cảm thấy hay tin tưởng là sự dối trá.

Khi làn sóng #GymnastAlliance nổi lên hè năm ngoái, Gallant đăng tải câu chuyện của mình lên Instagram hai lần, một lần giấu tên, một lần dùng tên thật. Cô thấy những VĐV khác nhận được sự ủng hộ tích cực, thậm chí còn được các HLV xin lỗi. Cô mong điều tương tự xảy ra, nhưng lại nhận được một lá thư từ phòng tập cũ của mình, yêu cầu xóa bài đăng. Đại diện của phòng tập nói rằng lá thư được gửi đi vì phát ngôn của Gallant ‘sai và không có căn cứ’. Sau đó, Gallant liên hệ với Hiệp hội và được biết rằng vụ việc của cô chưa hề kết thúc và đang được ‘xem xét pháp lý’ trong gần 18 tháng, nhưng không ai nói với Gallant.

Những sáng kiến không hề giúp USAG giữ an toàn cho các VĐV như hứa hẹn. Trong số 19 HLV bị tố cáo, chỉ có 3 người bị trừng phạt và họ có thể tiếp tục huấn luyện mà không bị giám sát sau khi hoàn thành 50 giờ học. Gallant đợi 2 năm rưỡi để biết được kết cục vụ việc của mình. Theo một lá thư của USAG, thanh tra chứng thực cho lời khai của cô. Nhưng vì HLV của cô đã qua đời và những người khác không còn làm việc ở đó, và không có cáo buộc nào gần đây liên quan đến phòng tập này và khảo sát với phụ huynh cho thấy gần như tất cả đều đồng ý đây là ‘môi trường tích cực’ cho con mình, Hiệp hội ‘chính thức khép lại’ vụ việc mà không có hình phạt nào.

Xem thêm: Cuộc sống 'địa ngục' của VĐV Olympic Mỹ: Bị sỉ nhục, ép nhịn ăn, lạm dụng tình dục

Huyền Anh (Theo SI)