Thứ sáu, 21/5/2021, 16:42 (GMT+7)

Vì sao cuộc phỏng vấn Diana gây chấn động, làm rung chuyển Hoàng gia Anh?

Cuộc phỏng vấn của Công nương Diana năm 1995 trở nên chấn động vì đã phơi bày nhiều bí mật và chuyện động trời của Hoàng gia Anh lúc bấy giờ: bê bối, ngoại tình và phản bội.

Ngày 20/11/1995, cuộc phỏng vấn lên sóng đem theo những tiết lộ "động trời" của Công nương Diana về cuộc hôn nhân của bà với người thừa kế ngai vàng, Thái tử Charles. "Bông hồng nước Anh" Diana thẳng thắn chia sẻ với Martin Bashir - lúc bấy giờ mới là phóng viên vô danh của BBC - về cuộc hôn nhân đầy trắc trở. Hơn 22,8 triệu người dân Anh, cũng như hàng triệu khán giả trên toàn thế giới theo dõi cuộc phỏng vấn - chứng kiến nàng dâu phá vỡ mọi quy tắc cư xử điển hình của Hoàng gia. Đây là một trong những khoảnh khắc đáng nhớ nhất lịch sử truyền hình - một chương trình làm chia rẽ những quan chức cấp cao của BBC và "rung chuyển" chế độ quân chủ. Nhất là câu nói của Diana về Charles - người chồng tệ bạc: "Có ba người trong cuộc hôn nhân này", vẫn được nhắc đến cho đến ngày nay.

Cuộc phỏng vấn công nương Diana trên BBC
 
 
Công nương Diana trong cuộc phỏng vấn với nhà báo Martin Bashir năm 1995. Video: BBC.

Công nương Diana mặc bộ vest đen quyền lực, ngồi đối diện nhà báo Bashir suốt gần 60 phút. Khi được Bashir hỏi liệu bà có nghĩ mình sẽ trở thành nữ hoàng hay không, Diana nói 'Không'. Tuy nhiên, bà nói tiếp: "Tôi muốn làm nữ hoàng của trái tim mọi người, ở trong tim mọi người, nhưng tôi không thấy mình sẽ trở thành Nữ hoàng của đất nước này. Tôi không nghĩ có nhiều người muốn tôi thành Nữ hoàng".

Khi được hỏi về vụ ngoại tình của Charles với Camilla Parker-Bowles, Diana nói: "Có ba người chúng tôi trong cuộc hôn nhân này, vậy nên hơi đông một chút".

Nhưng Diana hoàn toàn bị lừa thực hiện cuộc phỏng vấn nổi tiếng này, hay bà chủ động để trả thù Hoàng gia?

Một bộ phim tài liệu chiếu trên SBS hồi tháng 2, Diana: Interview That Shocked The World (Diana: Cuộc phỏng vấn gây sốc cho cả thế giới), phân tích bối cảnh dẫn đến cuộc phỏng vấn mà Công nương đã lên kế hoạch bí mật. Bộ phim tài liệu cũng hé lộ cách cuộc phỏng vấn này thay đổi không chỉ cuộc đời của Diana mà còn cả văn hoá nước Anh.

Công nương Diana trên truyền hình BBC trong cuộc phỏng vấn bom tấn năm 1995.

Trong khi truyền thông hướng về Diana và những tiết lộ của bà khiến khoảng cách giữa với Hoàng gia ngày càng gia tăng, công chúng lại càng hứng thú. Nữ hoàng Anh lúc đó đã nói với Giám đốc Nhà hát Anh Richard Eyre rằng con dâu bà đã làm một điều "đáng sợ". Cái giá mà Diana phải trả là Nữ hoàng gửi một bức thư, nói rằng Diana và Charles phải ly hôn ngay.

"Từng chút một, Diana đã phá bỏ hình ảnh thiên thần từng giam hãm bà. Nhiều người ở cả Hoàng gia lẫn truyền thông trừng phạt bà vì đã tiết lộ một hiện thực phức tạp hơn", một câu nói trong bộ phim tài liệu.

Chương trình Newsnight phát sóng ngay sau cuộc phỏng vấn Panorama cũng có cùng quan điểm trên, trong đó, một người bạn của Thái tử Charles nói rằng Diana đang "ở giai đoạn hoang tưởng". Nhà báo Bidisha Mamata gọi câu nói này là "cổ lỗ sĩ". Nếu bạn muốn nói xấu một người phụ nữ, hãy nói là cô ấy bị điên".

Nhưng phản ứng của công chúng lại rất tích cực. Richard Kay, cựu phóng viên Hoàng gia của Mail, cho rằng sự trung thực của Diana về chứng trầm cảm sau sinh, tự làm hại bản thân và chứng cuồng ăn đã gây chấn động dư luận vào thập niên 90 khi mọi người không nói về sức khoẻ tâm lý. Ông nói: "Bà thật sự đã dốc hết lòng mình".

Diana Spencer và Thái tử Charles chụp ảnh trong lễ đính hôn.

Sau đó, sự chú ý của dư luận dành cho Diana càng ngày càng nhiều và điều đó đã gieo mầm cho bi kịch của bà.

Điều tra viên Chris Blackhurst, cựu phóng viên tờ Independent, chỉ ra cách mà Martin Bashir vượt mặt những đối thủ quen biết rộng hơn để có được cuộc phỏng vấn thế kỷ. Blackhurst cho hay anh trai của Diana, Charles Spencer nghi ngờ việc cơ quan an ninh theo dõi Diana lẫn gia đình, và Bashir cố tình khơi dậy nỗi sợ này. Blackhurst nói: "Ông ta nhận ra nếu càng ngày dấn sâu vào, ông ta càng tiến gần hơn đến phần thưởng tuyệt vời, là cuộc phỏng vấn trực tiếp với Công nương Diana. Martin Bashir nói với nhiều người rằng, nguồn tin trong MI5 (cơ quan an ninh quốc gia) nói với ông ta rằng Công nương bị theo dõi và rình rập".

Bashir đã tạo ra một số tài liệu giả nhằm mục đích dụ dỗ Diana lên tiếng vì bà bị Hoàng gia theo dõi và lừa dối. Nhưng theo những người quen biết bà, Diana hơn cả sẵn lòng và nôn nóng được thực hiện cuộc phỏng vấn.

Thái tử Charles từng nhận phỏng vấn một lần với phóng viên Jonathan Dimbleby. Dimbleby hỏi Charles: "Anh có cố gắng chung thuỷ và tôn trọng vợ khi nói lời thề hôn nhân không?". Charles trả lời: "Có, tất nhiên... Cho đến khi hôn nhân tan vỡ không cứu vãn được".

Bộ phim tài liệu nói rằng "có một điều gì đó về cách Diana cảm nhận về Charles đã thể hiện ra trong cuộc phỏng vấn với Dimbleby, và sự chân thật trong cuộc phỏng vấn khiến Diana khá ngưỡng mộ. Bà bắt đầu tự hỏi về việc liệu có nên tự làm điều gì đó không, sau hơn một thập kỷ im lặng".

Richard Kay chắc chắn rằng Diana sẵn lòng. "Diana mà tôi biết muốn thực hiện chương trình đó. Bà ấy sẽ phỏng vấn cho dù có được xem giấy tờ giả hay không. Bí mật chính là chìa khoá. Martin chưa được chuẩn bị để đi theo con đường chính thức để có được cuộc phỏng vấn hoàng gia. Cách tiếp cận của những phóng viên nổi tiếng thông qua bộ máy báo chí của cung điện chưa bao giờ thành công. Tất nhiên, Martin là một ẩn số. Không ai biết về ông ta và đó chính là vũ khí lớn nhất của ông".

Bashir được sắp xếp cuộc phỏng vấn với Công nương Diana.

Sau nhiều tuần gặp gỡ bí mật với Diana, những sắp xếp của Bashir đã có hiệu quả. Một đội ngũ tối giản nhất của BBC – một quay phim, một người sản xuất và Bashir – được đưa trộm vào cung điện Kensington vào tối 5/11/1995. Diana và Bashir đã thảo luận về những câu hỏi trong cuộc phỏng vấn. Cựu quản gia của Diana, Paul Burrell, cho biết: "Diana biết chính xác những câu hỏi là gì và đã được Bashir hướng dẫn cách trả lời".

BBC biết sau khi cuộc phỏng vấn được hoàn tất, họ đang ngồi trên một quả bom. Một trong những thứ được nói đến trong cuộc phỏng vấn sẽ khiến cả gia đình Hoàng gia rung chuyển, chính là danh sách nối ngôi có thể sẽ hoàn toàn bỏ qua Charles.

Bashir: "Cô có nghĩ Thân vương xứ Wales sẽ làm Vua không?"

Diana: "Tôi không nghĩ có ai trong số chúng tôi biết câu trả lời. Đó là câu hỏi nằm trong đầu mọi người. Nhưng ai mà biết được, ai biết số phận sẽ thế nào, tình cảnh đưa đẩy ra sao?"

Bashir: "Nhưng cô biết anh ấy rõ hơn ai hết. Cô có nghĩ anh ấy sẽ muốn làm Vua không?"

Diana: "Luôn luôn có mâu thuẫn về chuyện đó khi chúng tôi nói chuyện, và tôi hiểu mâu thuẫn đó. Vai trò này đòi hỏi nhiều thứ.

Làm Thân vương xứ Wales có nhiều tự do hơn, làm Vua sẽ ngột ngạt hơn. Vì hiểu tính cách của anh ấy nên tôi biết vị trí này sẽ khiến anh ấy gặp nhiều cản trở. Tôi không biết liệu anh ấy có thể thích nghi được không".

Cuộc phỏng vấn lên sóng hai tuần sau đó, và giữ bí mật chính là nhân tố quan trọng nhất. Bên cạnh việc quay phim bí mật, việc biên tập được thực hiện cách xa đài BBC, trong một phòng khách sạn ở Eastbourne, bờ biển Đông Nam nước Anh. Một trong những biên tập viên của cuộc phỏng vấn này nói rằng: "Chương trình này sẽ là kết thúc của BBC hoặc của Hoàng gia, hoặc cả hai".

Khi ngày phát sóng gần kề, việc của Diana là thông báo cho Hoàng gia về điều bà vừa làm và bà nói với thư ký riêng của Nữ hoàng, Robert Fellowes. Tin về cuộc phỏng vấn bị lộ cho báo giới trong tuần trước khi cuộc phỏng vấn lên sóng. Sau đó là hỗn loạn....

Vào đêm phát sóng, cả văn phòng báo chí Điện Buckingham xem trong hoảng sợ. Dickie Arbiter, người bình luận hoàng gia cho biết: "Chúng tôi vô cùng kinh ngạc... tức giận với những điều được nói ra... không hề đúng sự thật".

Thái tử Charles ngoại tình với Camilla Parker-Bowles.

Truyền thông gần như sôi sục, hầu hết mỗi câu nói của Diana biến thành một bài báo, một câu chuyện riêng. Bị ép ly hôn Charles, điều mà bà không muốn làm, Diana bị truyền thông cũng như dân chúng theo đuôi mỗi khi ra khỏi nhà.

Bà nhận được 6.000 lá thư ủng hộ từ phụ nữ, cảm ơn bà vì đã lên tiếng về trầm cảm sau sinh và những vấn đề về sức khoẻ tâm lý. Nhiều người cố nói chuyện với bà trên phố.

Trong cuộc phỏng vấn, Diana bày tỏ mong muốn trở thành đại sứ cho đất nước và đây là ‘bàn đạp tiến đến không gian khác’. Điều này khiến bà trở nên đáng tin cậy, với sự ủng hộ của Thủ tướng Anh Tony Blair, Tổng thống Mỹ Bill Clinton và vợ Hillary cùng nhiều người khác. Sau đó Tony Blair thừa nhận rằng ông đã nói chuyện với Diana về một vai trò đặc biệt là làm đại sứ ở nước ngoài. Paul Burrell: "Bà ấy đã tìm thấy bạn bè làm trong chính phủ. Bà chưa bao giờ có bạn như vậy. Vậy nên mọi việc có vẻ đang tươi sáng hơn với bà".

"Đây đáng lẽ sẽ là đỉnh điểm của mọi thứ Diana đã cố gắng đạt được nhờ Panorama. Vậy mà cuộc phỏng vấn lại là khởi điểm của một kết cục đen tối hơn. Cho đến năm 1997, cuộc phỏng vấn Panorama đã mang lại tự do cho Diana để bà theo đuổi vai trò ngoại giao mới. Vậy mà hình ảnh mới, nổi bật hơn trước công chúng cũng tiếp thêm sức mạnh cho một thế lực đen tối hơn. Panorama đã khiến bà càng được dư luận để ý hơn. Bà đã thực hiện cuộc phỏng vấn khiến mọi người bàn tán. Tất nhiên, sự chú ý của báo chí, của dư luận càng kinh khủng hơn.

Khi bà bắt đầu mối tình lãng mạn với con trai của Mohammed Al-Fayed, chủ chuỗi trung tâm thương mại Harrods, Dodi, "cuộc săn bắt đầu".

Trong 44 ngày, báo chí dường như phát sốt, paparazzi săn đuổi Diana và Dodi ở Pháp, và cuối cùng, vào ngày 31/8/1997, thời gian ngưng đọng ở đường hầm Pont l’Alma ở Paris. Vụ tai nạn khiến Dodi và tài xế Henri Paul qua đời ngay lập tức, còn Diana được đưa đến bệnh viện nhưng không qua khỏi.

Công nương Diana và Dodi Fayed, 9 ngày trước khi bà qua đời.

Sau cái chết của Diana, cuộc phỏng vấn Panorama vẫn còn sức ảnh hưởng. Những người chưa bao giờ gặp bà, nhưng vẫn nhớ lời của bà trong cuộc phỏng vấn đều muốn đến để thể hiện lòng thành kính với bà. Khán giả có thể tin rằng họ hiểu Diana theo cách họ không hiểu được về những thành viên hoàng gia khác.

Ở điện Kensington, một núi hoa chất ở trước cổng khi hàng nghìn người đến tiễn biệt ‘Công nương của dân chúng’, công nương của trái tim.

Bidishi Mamata nói: "Tôi nghĩ người bình thường hiểu được đây là một phụ nữ đang trong một cuộc hành trình. Bà đang ở trong cuộc hành trình đi từ người phụ nữ ngoan ngoãn thành người phụ nữ bị vu oan; để trở thành người phụ nữ hoàn chỉnh, tự nhận biết được về bản thân, và cái chết của bà đã cắt ngắn câu chuyện đó. Cuộc phỏng vấn của Công nương Diana là một bước ngoặt theo nhiều cách đối với thế hệ sau đó. Không ai cười khi nói về sức khoẻ tâm lý. Nói về cảm xúc của mình không phải là yếu ớt. Đó thật sự mới là mạnh mẽ. Đó được xem là điều mà những người nổi tiếng nên làm".

Như bộ phim tài liệu nói, những người không hành xử như Công nương Diana là những người không bình thường trong thời đại ngày nay và hai Hoàng tử William và Harry vẫn tiếp tục duy trì di sản của mẹ.

Hai con trai công nương Diana, Hoàng tử William và Harry, khi ấy mới 14 và 12 tuổi trong đám tang mẹ.

Và dù "bị lừa" hay "cuộc phỏng vấn trả thù", kết quả cuộc điều tra độc lập của BBC do thẩm phán John Dyson dẫn đầu cũng cho thấy cách thức cuộc phỏng vấn được dàn xếp là hoàn toàn "dối trá". Bashir cũng lên tiếng xin lỗi, nói "vô cùng hối hận" vì đã làm giả các bản sao kê của ngân hàng, "gọi đó là hành động ngu ngốc". Nhưng ông khẳng định việc đó không liên quan đến lựa chọn cá nhân của Công nương Diana để tham gia cuộc phỏng vấn.

Ngày 22/12/1995, Diana viết thư tay gửi Martin Bashir, trong đó bà khẳng định bản thân đồng ý tham gia cuộc phỏng vấn với BBC mà "không gặp bất kì áp lực nào" và "không hối tiếc về điều này".

Chính Jennie Bond, cựu phóng viên Hoàng gia của BBC, cho hay trong cuộc trao đổi cuối năm 1996, Diana cho biết bà không hề hối tiếc vì đã thực hiện cuộc phỏng vấn với Bashir. "Đột nhiên cuộc phỏng vấn đó trở nên đúng đắn, đặc biệt là khi khả năng ly hôn ngày càng hiển hiện. Tôi nghĩ sẽ có điều khoản cấm tiết lộ thông tin, và đó là vấn đề bây giờ hoặc không bao giờ", Diana nói.

Toàn cảnh vụ BBC dùng 'thủ đoạn' dụ Diana thực hiện cuộc phỏng vấn chấn động

Huyền Anh (Theo News)