Thứ bảy, 1/5/2021, 21:00 (GMT+7)

Võ Hạ Trâm: 'Tôi không sai khi tập gym, ăn chay lúc mang bầu'

Duy trì chế độ ăn chay, tập gym suốt thai kỳ, Võ Hạ Trâm vui vì đứa con trong bụng phát triển khỏe mạnh.

Võ Hạ Trâm.

- Sức khỏe, thể trạng của chị thay đổi thế nào trong lần đầu mang thai?

- Sức khỏe của tôi chia làm ba giai đoạn rõ rệt. Ba tháng đầu, nhiều người thường có cảm giác nghén nặng hoặc nhẹ, tùy thể trạng. Tôi thuộc dạng nghén nhẹ, chỉ thấy hơi mệt, đôi lúc thèm ăn, nhưng cũng có lúc chán ăn. Ba tháng sau, tôi thấy rất khỏe, hầu như không có cảm giác mình đang mang bầu. Tôi đang ở tháng thứ bảy của thai kỳ. Ở những tháng cuối, tôi cảm nhận mình thở khó hơn. Mỗi lần thở phải lấy hơi thật sâu.

Bây giờ tôi cũng không còn nhận show nhiều. Thời gian qua, tôi hát rất khỏe. Chắc tuỳ theo thời điểm. Chẳng hạn như ở nhà tôi thấy rất mệt, nhưng khi đến phòng gym thì khỏe hơn. Tôi nghĩ đó là vấn đề về tâm lý. Tôi cần đi ra khỏi phòng gym và giao tiếp với mọi người và làm việc mình yêu thích. Hiện tại, tôi đi lại, ăn uống, ngủ nghỉ bình thường như trước khi mang bầu. Chỉ có điều là tôi không còn tự lái xe nữa mà phải đi xe công nghệ để an toàn hơn. Còn về ăn uống thì giữ chế độ dinh dưỡng để tốt cho con.

Võ Hạ Trâm tập gym
 
 
Võ Hạ Trâm tập gym khi mang bầu.

- Chị chuẩn bị tâm lý, kiến thức thế nào?

- Lần đầu mang thai nhưng tôi chuẩn bị tâm lý rất vững vàng. Trước đó, tôi chuẩn bị chu đáo về tinh thần, sức khỏe và tài chính. Về kiến thức, tôi tìm những bộ sách cho bà bầu để không bị bỡ ngỡ. Tôi đọc sách Nuôi con không phải cuộc chiến để hình dung con mình sẽ có những giai đoạn phát triển như thế nào, mình sẽ đối mặt với những khó khăn gì để không bỡ ngỡ.

Tôi sẽ không nuôi con theo cách ngày xưa bởi nó không phù hợp, làm nguy hiểm cho bé. Thí dụ như hơ trên than, đó là điều gây hại. Tôi tự dặn mình phải cập nhật những cái mới mà nhà khoa học, bác sĩ chứng minh. Điển hình như vấn đề con ốm. Ngày xưa chỉ cần con sốt chút xíu, ba mẹ sẽ lo lắng và đưa con đi bệnh viện hoặc mua thuốc cho con uống. Nhưng bây giờ bác sĩ và các nhà khoa học chứng minh rằng đó là hiện tượng cơ thể phản ứng để chống lại vi khuẩn đang tấn công bé. Mình phải để cho cơ thể của bé tự chống lại để hình thành hàng rào bảo vệ, miễn dịch cho con.

Về nuôi con, ngày xưa, con cứ khóc thì bà mẹ sẽ bồng lên và cho bú. Còn bây giờ, con khóc thì sẽ đọc tín hiệu, xem con đang cần gì. Không phải lúc nào con khóc cũng cho bú. Bây giờ người ta nuôi con rất khoa học và chia thời gian ăn, ngủ, chơi tách biệt, để không có trường hợp vừa bú, vừa ngủ thì rất cực cho mẹ. Tôi tập cho con tự lập từ nhỏ.

Võ Hạ Trâm khỏe mạnh ở tháng thứ bảy thai kỳ.

- Tiết lộ ăn chay, tập gym khi mang bầu, chị bị nhiều khán giả phản ứng vì họ cho rằng cách làm này sẽ khiến em bé thiếu chất, chậm phát triển. Chị lý giải thế nào?

- Tôi đã quen với những ý kiến trái chiều. Bởi trước khi mang thai, tôi là người ăn chay trường 13 năm. Nhiều người cũng nói rằng tôi ăn chay như vậy thì sao mà đủ chất. Lúc đó, tôi tập gym nặng và hoạt động tích cực, không hề mệt mỏi hay bệnh vặt.

Khi mang thai, tôi vẫn áp dụng điều đó cho con vì tôi tự tin rằng tôi có đủ kiến thức dinh dưỡng để đảm bảo con phát triển khỏe mạnh. Có nhiều người chưa bao giờ ăn chay nhưng nghe đến ăn chay thì mặc định là thiếu chất. Nhưng tôi thấy rằng có nhiều người ngay cả khi ăn mặn vẫn thiếu chất nếu không tìm ra chế độ dinh dưỡng phù hợp. Hầu như mọi người rất thích ăn thịt, ít khi ăn rau và thích ăn cơm nhiều hơn. Chúng ta sẽ nạp lượng đạm, tinh bột nhiều nhưng chất xơ bị thiếu. Về ăn chay, chúng ta cũng sẽ cố gắng nạp đủ ba chất đó, ngoài ra bổ sung thêm vitamin, khoáng chất cho con. Ở Ấn Độ, mẹ chồng tôi ăn chay từ bé. Từ khi mang thai bà vẫn ăn chay và sinh con rất khỏe mạnh. Điều đó minh chứng rằng việc ăn chay không hề ảnh hưởng đến sự phát triển của con.

Vấn đề sảy thai phụ thuộc vào nhiều yếu tố chứ không phải do bạn tập gym. Cơ địa, cơ thể người mẹ có những vấn đề bệnh lý mà người mẹ không biết hay chế độ dinh dưỡng thế nào đó. Còn đối với tôi, tôi chọn tập gym và bác sĩ cũng khuyên với chế độ vừa sức, không nặng cho bà mẹ. Tôi thấy mệt thì ngưng ngay. Tôi áp dụng độ tạ nhẹ, ví dụ trước đó tôi tập 12 kg thì giờ tôi tập 2 kg. Ngoài ra những bài tôi tập không có chế độ bật nhảy, vận động phần bụng, không nằm ra mà chủ yếu là phần tay, phần đùi.

Nếu xem clip của những bà mẹ gymer ở nước ngoài thì sẽ thấy khủng khiếp. Tôi không làm cường độ đó vì cơ thể không dủ đáp ứng. Thói quen thể dục thể thao của người Việt không như nước ngoài. Đó cũng là vấn đề của người châu Á vì mang thai cứ ở nhà, không tập vì sợ ảnh hưởng đến thai nhi. Nhưng điều đó lại ảnh hưởng đến thai nhi, bà mẹ. Nếu không tập luyện mà chỉ ở nhà thì dễ bị tăng cân mất kiểm soát và cảm thấy bị bí bách. Tôi tập gym, ăn uống thì thấy thoải mái. Đến phòng gym tôi rất cẩn thận, nếu mệt sẽ nói ngay để điều chỉnh. Mình phải lắng nghe cơ thể chứ không bắt chước người khác.

Tôi có lời khuyên cho mọi người rằng, hãy lắng nghe cơ thể của mình. Nếu như mình tập gym thấy khỏe hơn và thai nhi khỏe mạnh thì mình cứ áp dụng. Còn nếu thấy không phù hợp, có những chuyển biến tiêu cực thì mình có thể thay đổi hình thức khác như yoga, đi bộ. Khi đã có thời gian dài tập thì sẽ biết huấn luyện viên nào có kiến thức. Tôi vừa có bác sĩ dinh dưỡng, huấn luyện viên nhưng bản thân mình phải là người quyết định để có hướng đi đúng.

Ông xã chăm sóc Hạ Trâm chu đáo.

- Chị và ông xã thích sinh con trai hay con gái?

- Bởi vì là con đầu thì gái hay trai gì cũng được, chỉ cần bé khỏe mạnh, ngoan ngoãn là được. Còn với chồng tôi, anh cần có một đứa con trai đầu tiên bởi vì anh ấy quan niệm con trai đầu sẽ bảo vệ gia đình, bảo vệ mẹ và những đứa em, nối nghiệp gia đình. Anh ấy đã xây dựng một thương hiệu ở Việt Nam thì anh cũng muốn con sẽ nối dõi nghề nghiệp đó. Đó là vấn đề hai vợ chồng nói chuyện rất nhiều.

Với tôi, trời cho con gái hay trai thì chúng ta không có quyền lựa chọn. Và việc theo kinh doanh hay bất kỳ ngành nghề nào khác đó là lựa chọn của con. Tôi thuyết phục chồng từ từ thì anh bấy bắt đầu có những suy nghĩ mở. Vì bên Ấn Độ không có chuyện con cái sẽ quyết định con đường của mình, mà là ba mẹ quyết định. Ở bên đó, nếu gia đình có doanh nghiệp thì con phải theo và đó là điều không thể làm khác đi. Anh vẫn mang văn hoá tư tưởng đó. Nhưng đối với người Việt thì không, và tôi thuyết phục anh. Hai vợ chồng sau đó đưa ra giải pháp rằng, nếu như con không theo nghiệp của cha mà làm công việc nào đó thì nó phải tự chứng minh bằng đôi chân của nó và sẽ không nhận được sự hỗ trợ từ gia đình. Đó là thử thách của nó.

- Tranh cãi của anh chị trong gia đình thường bắt nguồn từ những vấn đề gì?

- Nếu như nói về tương lai của con thì chuyện tranh cãi sẽ xảy ra. Nhưng không căng thẳng vì cái cốt lõi là tìm ra giải pháp để dung hòa. Chúng tôi giải quyết bằng cách nói chuyện chân thành.

Thời gian tôi mang bầu, anh vẫn đi làm nhưng hỗ trợ tôi về mặt tinh thần. Khi tôi buồn, muốn đi đâu thì anh sẽ chở tôi đi. Bây giờ buổi tối tôi thường thức đêm nhiều thì chồng tôi thức cùng, xoa bóp cho tôi. Tôi cảm thấy đỡ được phần nào tủi thân. Nếu như trong hoàn cảnh đó tôi chỉ có một mình hoặc gặp chồng vô tâm thì buồn lắm.

- Gia đình hai bên vui mừng thế nào khi chị mang thai?

- Mẹ chồng tôi mong về lắm. Bà mong có chuyến bay để về Việt Nam chăm cháu. Bây giờ bà chỉ có mục tiêu duy nhất là chăm cháu, đó là niềm hạnh phúc duy nhất của bà. Mẹ ruột cũng rất vui khi tôi mang thai và đưa cho tôi những ý kiến, chia sẻ khi mang bầu. Hai bên gia đình đều rất ủng hộ con.

- Nhiều nghệ sĩ trở lại với công việc chỉ sau vài tháng sinh con. Chị thì sao?

- Tôi hạnh phúc khi được mang thai, làm mẹ. Trước khi mang thai, chúng ta phải chuẩn bị tâm lý có muốn hay chưa. Chứ không phải đẻ con ra rồi lại cảm thấy đó là gánh nặng, rào cản trong sự nghiệp của mình. Bởi đã sinh ra là phụ nữ thì thiệt thòi là phải mang nặng đẻ đau. Khi phụ nữ đã chọn gia đình thì phải hy sinh về sự nghiệp và ngược lại.

Trước khi mang thai phải xác định chúng ta thuộc típ phụ nữ nào, gia đình hay công việc. Nếu là người của gia đình, mình sẽ quan tâm cho gia đình, công việc cứ bình ổn. Còn nếu là người của công việc thì hãy xem khi có ai phụ mình chăm sóc con không. Tôi nghĩ việc nuôi con rất quan trọng vì đó là thành phẩm của mình mà! Mình phải giáo dục con thành người tốt chứ không phải cứ mặc con để đi tìm công việc mình. Điều đó rất tội cho con và tội cho mình.

Thiên Anh