Sự bùng phát virus corona ở Trung Quốc đã tạo ra "mảnh đất màu mỡ" cho các thông tin không đúng sự thật được lan truyền khắp nơi, gây hoang mang cho công chúng.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói với các phóng viên rằng thông tin sai lệch làm cho công việc của họ thậm chí còn khó khăn hơn.
"Tôi muốn nói ngắn gọn về tầm quan trọng của sự thật, để mọi người không phải sợ hãi. Mọi người phải tìm hiểu từ những thông tin chính xác để bảo vệ bản thân và những người khác", ông nói.
Tedros Adhanom Ghebreyesus nói những thông tin sai lệch xung quanh chủng mới nCoV gây nhiều nhầm lẫn và gieo rắc nỗi sợ hãi cho công chúng.
"Tại WHO, chúng tôi không chỉ chiến đấu với virus. Chúng tôi còn phải chiến đấu với những âm mưu phá hoại nỗ lực của chúng tôi", ông nói thêm.
Một bài báo của The Guardian có tiêu đề "Thông tin sai lệch về virus corona có thể là điều dễ lây nhiễm nhất của nó". Trong bài báo, nhà dịch tễ học Adam Kucharski lập luận rằng, cách tốt nhất để chống lại những thông tin giả dối xung quanh virus là "coi chúng như virus ngoài đời thực".
![]() |
nCoV bắt nguồn từ Trung Quốc đã lây lan ra gần 30 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Bấm vào hình để xem chi tiết hơn. |
Rất nhiều những lý thuyết sai lệch đã được lan truyền trên toàn thế giới về virus corona trong những tuần gần đây.
Chẳng hạn, những thông tin khuyên người dùng ở Philippines giữ ấm cổ họng, tránh thức ăn cay và nạp vitamin C để ngăn ngừa bệnh. Tuyên bố trên được cho là từ tài khoản Facebook có tên Yu Mark, đã được chia sẻ tới hơn 16.000 lượt, nhưng nó lại không khớp với lời khuyên của DOH (trang web chính thức của Bộ Y tế Philippines) hay những thông cáo báo chí chính thức về dịch bệnh.
Một phân đoạn trong chương trình Vremya của Nga cho rằng, các cơ quan tình báo hoặc công ty dược phẩm Mỹ đứng đằng sau virus corona.
Một tuyên bố vô căn cứ khác đã lan truyền trên mạng cho thấy virus này là một phần của chương trình vũ khí sinh học bí mật của Trung Quốc và có thể đã bị rò rỉ từ Viện Virus học Vũ Hán.
Một video về nữ hướng dẫn viên du lịch của Trung Quốc ăn súp dơi được cho là nguyên nhân chính trong vụ việc, được các phương tiện truyền thông lá cải của Anh và Mỹ đăng tải. Một số tờ đưa tin clip cô gái ăn súp dơi được quay ở tâm dịch Vũ Hán. Tuy nhiên, sự thật là clip được quay từ năm 2016 ở quốc đảo Palau, phía tây Thái Bình Dương, không phải ở Trung Quốc.
Và một nghiên cứu khoa học đang bị mất uy tín được công bố vào tháng trước đã liên kết virus corona mới với rắn, dẫn đến các mối lo ngại về sự lây lan của "cúm rắn".
Mạnh Cường (Theo BBC)