Đây là tình trạng các bệnh viện ở Mỹ phải đối mặt trong trường hợp đại dịch Covid-19 trở nên tồi tệ hơn, theo kế hoạch dự phòng được đưa ra bởi các quan chức y tế Mỹ.
Các biện pháp này được thiết kế để theo kịp đà tăng số bệnh nhân và được nêu trong hướng dẫn do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) ban hành. Chúng phản ánh một cuộc khủng hoảng đang gia tăng tại các bệnh viện trên khắp nước Mỹ: có quá nhiều bệnh nhân và các bác sĩ không đủ nguồn lực để điều trị cho họ.
"Tình huống chưa tồi tệ đến mức đó, nhưng chúng tôi đang phải đối mặt với sự khủng hoảng trong bệnh viện", một bác sĩ gây mê ở Boston nói, anh giấu tên vì lo lắng cho công việc của mình. "Tôi đoán sẽ sớm thôi chúng tôi sẽ không có những gì cần thiết để bảo vệ bản thân".

Phó Tổng thống Mike Pence khẳng định có sự gia tăng "kịch tính" trong sản xuất khẩu trang giữa bối cảnh nhân viên y tế Mỹ thiếu hụt đồ bảo hộ. Ảnh: AFP.
Các cơ sở y tế đang đối mặt với "khủng hoảng" có thể cần phải phân chia số lượng khẩu trang trong suốt đại dịch, dù việc này "không đúng với tiêu chuẩn chăm sóc sức khỏe của Mỹ", theo CDC.
Khi thiếu hụt vật tư y tế, CDC cho rằng các cơ sở chăm sóc sức khỏe nên cân nhắc sử dụng khẩu trang vượt quá thời gian chỉ định và dùng lại khẩu trang giữa nhiều bệnh nhân.
"Bệnh viện thông báo rằng chúng tôi sẽ phải tái sử dụng đồ bảo hộ y tế, CDC vừa đưa ra hướng dẫn về việc này", bác sĩ gây mê giấu tên ở Boston nói. "Tôi không tin biện pháp này có thể an toàn. Tôi nghĩ điều này có thể khiến nhân viên y tế gặp rủi ro không cần thiết".
Tuy nhiên, bác sĩ này thừa nhận tái sử dụng vẫn tốt hơn so với việc thiết bị bảo hộ cạn kiệt hoàn toàn - một thực tế không quá xa vời, đặc biệt với các bệnh viện nhỏ.
Scott Steiner, chủ tịch và CEO của hệ thống sức khỏe Phoebe Putney ở tây nam Georgia nói với CNN: "Chúng tôi đã dùng hết số vật tư của 5-6 tháng chỉ trong chưa đầy một tuần. Với lượng vật tư chỉ còn đủ dùng trong vài ngày, chúng tôi đang phải giành giật".

CDC khuyên nhân viên y tế sử dụng khăn quàng cổ hoặc khăn đội đầu thay khẩu trang trong trường hợp khẩn cấp. Ảnh: AFP.
Phương án cuối cùng, CDC nói, các cơ sở y tế có thể xem xét sử dụng "khẩu trang tự chế", như khăn quàng cổ hoặc khăn đội đầu để chăm sóc bệnh nhân nhiễm virus, tốt nhất là kết hợp với tấm chắn bảo vệ.
Các giải pháp trên đỡ hơn là không có gì, nhưng chúng cũng không thể thay thế thiết bị bảo hộ mà các bác sĩ cần để giữ an toàn, và khả năng bảo vệ của chúng là "không xác định", theo CDC.
Nếu virus xâm nhập vào cơ thể đội ngũ chăm sóc sức khỏe, "mọi thứ sẽ kết thúc", Tiến sĩ Peter Hotez, giáo sư và trưởng khoa Y học Nhiệt đới Quốc gia tại Đại học Y Baylor (Mỹ), chia sẻ. "Nếu nhiều bác sĩ cấp cứu, y tá ở tuyến đầu bị nhiễm bệnh, các đồng nghiệp sẽ phải điều trị cho nhau trong phòng chăm sóc đặc biệt, đó là một điều cực kỳ bất ổn đối với Mỹ. Chúng ta phải đặt sự an toàn cho họ lên ưu tiên hàng đầu", Tiến sĩ Hotez nói thêm.
Nhiều nhân viên y tế giấu tên nói rằng họ cảm thấy việc bị nhiễm bệnh là không thể tránh khỏi. "Tôi không nghĩ bệnh viện sẽ thực sự giữ an toàn cho chúng tôi", một bác sĩ sản khoa ở thành phố New York cho biết. "Nhưng đây là nghề nghiệp", người này nói thêm.
Lãnh đạo bệnh viện "bảo chúng tôi đến làm việc, ngay cả khi chúng tôi đã xác nhận có tiếp xúc với người bệnh, miễn là không có triệu chứng", một người làm việc tại khoa ung thư và xạ trị ở một bệnh viện thuộc thành phố New York nói. Cô mô tả trạng thái tâm lý sẵn sàng chiến đấu trong bệnh viện.
"Tôi và các đồng nghiệp trong khoa lúc nào cũng cảm thấy bản thân chuẩn bị được chọn và lo sợ phải đặt nội khí quản cho bệnh nhân", cô nói về các can thiệp y tế cho những người không thể tự thở, thường không được thực hiện bởi các bác sĩ chuyên điều trị ung thư như cô.

Y tá ở Đức mặc hai lớp đồ bảo hộ. Ảnh: AFP.
Theo khuyến cáo của CDC, các nhân viên y tế tiếp xúc với virus, ngay cả những người có triệu chứng nhẹ, cũng có thể đeo khẩu trang và tiếp tục điều trị cho bệnh nhân.
Các nhân viên y tế nói rằng họ lo lắng về việc thiếu đồ bảo hộ và các xét nghiệm cần thiết để xác định người nhiễm nCoV, nghĩa là họ đang đặt gia đình mình và bệnh nhân vào tình huống nguy hiểm.
"Tôi đặt nội khí quản cho bệnh nhân cả ngày", bác sĩ gây mê ở Boston nói. "Một trong số họ bị sốt. Rất ít người được kiểm tra bởi vì chúng tôi không có đủ xét ngiệm. Và thật đáng sợ khi nghĩ rằng tôi mang virus về nhà cho người vợ đang mang thai của mình".
Bác sĩ sản khoa vừa làm mẹ ở New York kể rằng cô không dám hút sữa cho con ở nơi làm việc vì sợ có thể để lại virus trên máy hút sữa và lây sang cho con trai cũng như những người khác trong gia đình. Khi cho con bú ở nhà, stress vì virus khiến lượng sữa của cô bị giảm.
Đối với các bác sĩ, y tá và nhân viên y tế khác, tiếp tục điều trị cho bệnh nhân là lựa chọn duy nhất, bất chấp rủi ro. "Tôi vẫn đi làm mỗi ngày, bởi vì phải có ai đó làm điều này", bác sĩ gây mê ở Boston nói.
Huyền Vũ (Theo CNN)