Thứ bảy, 11/4/2020, 08:51 (GMT+7)

Khu ổ chuột ngập mưa lụt như 'bom hẹn giờ' chờ bùng phát Covid-19

Trong khi Indonesia đang có số ca tử vì nCoV cao nhất khu vực với 280 người, khu ổ chuột ở Jakarta như 'bom hẹn giờ' chờ bùng phát Covid-19. 

Yayan Suprianto khảo sát nước ngập quanh ngôi nhà bằng ván gỗ và mái thiếc bị ăn mòn ở Kampung Teko (hay còn gọi là "kampung" - ý chỉ khu ổ chuột). Ông thuộc cộng đồng gồm 300 người tại "ngôi làng nổi" ở Jakarta - khu vực đô thị đông dân nhất thế giới sau Tokyo.

Nằm trên khu vực từng là ruộng lúa xanh ngát, lều của Yayan đứng trên cột chống cắm sâu dưới bùn. Xung quanh là tảo và rác thải nhựa. Nước ở đây bị ô nhiễm vì chất thải công nghiệp từ các nhà máy xung quanh.

Yayan Suprianto đứng bên ngoài ngôi nhà ở khu ổ chuột tại Jakarta. 

Yayan là công nhân nhà máy đến từ Java. Giống như hàng triệu người dân Indonesia khác, ông đến thủ đô với mong ước lập nghiệp và có cuộc sống tốt đẹp hơn. Giờ đây ông lo lắng căn nhà có thể sớm bị ngập hoàn toàn. "Chúng tôi có thể buộc phải chuyển về làng. Chính phủ đã đầu tư máy bơm, nhưng nước vẫn dâng hàng năm. Trước đây, chỗ chúng tôi chỉ ngập vào mùa mưa, nhưng giờ thì thường xuyên hơn rồi", Yayan nói.

Jakarta đang chìm dần. 40% thành phố đang nằm dưới mực nước biển và một số khu vực lụt khác nhau, từ 1 cm một năm đến 25 cm tại những khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất ở phía bắc, gần biển. Vấn đề nghiêm trọng đến mức đây là một trong những lý do khiến Tổng thống Joko Widodo tuyên bố thủ đô sẽ được chuyển về khu vực mới ở Đông Kalimantan, đảo Borneo vào cuối tháng 8 năm ngoái. Việc xây dựng các công trình dự kiến bắt đầu vào đầu năm nay. Ngay cả như vậy, nhiều người tin rằng Jakarta vẫn sẽ là trung tâm tài chính và kinh doanh của Indonesia.

Jakarta không phải là thành phố ven biển duy nhất đang gặp rắc rối. Bangkok, Dhaka, Houston, Lagos và Venice cũng đối mặt với mực nước biển dâng cao, mưa thường xuyên hơn, bão mạnh hơn. Nhưng Jakarta đang chìm nhanh nhất. Tình trạng thành phố này gặp phải không chỉ là hậu quả của thay đổi khí hậu mà còn là của việc thiếu nước sạch.

Theo thống kê của chính phủ, khoảng 60% cư dân Jakarta thiếu nước sạch. Ít hơn một nửa trong số đó không có đường ống dẫn nước sạch. Nhiều người lấy nước từ những máy bơm trộm, khiến tầng ngậm nước tự nhiên cạn kiệt, dẫn đến việc tầng đất xốp trước đây của thành phố bị cứng lại. 

Vùng đất ngập mặn và đầm lầy để hấp thụ nước dư thừa trước đây giờ đây bị thay thế bởi các trung tâm thương mại và nhà cao tầng. Lượng mưa lớn xả trực tiếp xuống nhựa đường và bê tông, làm lụt thành phố và đè nặng áp lực lên 13 dòng sông ở đây. Trong vòng hai thập kỷ qua, nhiều phần của Jakarta, chủ yếu ở phía Bắc, bị ngập đến 4 m, khiến việc thoát nước từ những khu vực như Kampung Teko gần như là bất khả thi.

Chuyên gia về khí hậu Dicky Edwin Hindarto - điều phối viên của Hệ thống phát thải thấp Indonesia - cho biết: "Jakarta không còn không gian xanh. Chúng ta cần nâng cao diện tích công viên và rừng ngập mặn thay vì bê tông". 

Trong vấn đề này, quan điểm của Hindarto được Elisa Sutanudjaja của Trung tâm Rujak về Nghiên cứu đô thị đồng tình. Cô cho biết: "Chúng ta cần dừng ngay cấp giấy phép thi công các công trình mới và thay vào đó là tạo nhiều khoảng xanh mới". 

Sutanudjaja làm việc với các tổ chức để thực hiện một số biện pháp vì đô thị bền vững và là một trong những người đứng sau các động thái dừng cấp phép xây 17 hòn đảo nhân tạo của dự án Great Garuda, bao gồm tường bao biển dài 40 km đối diện vịnh Jakarta.

Sutanudjaja vừa đi dưới hàng cây mới trồng quanh hồ Citra, một trong hàng trăm hồ chứa nước ngọt ở Thủ đô để tránh được thảm họa, vừa giải thích về vấn đề của Jakarta: "Thành phố thật ra đang bị chìm dưới sức nặng của các tòa nhà liên tục được xây mới. Chính phủ cần hành động ngay bây giờ".

Nhà thờ Waladuna bị ngập. 

Dudi Gardesi là trưởng ban nguồn nước của chính quyền thành phố, chuyên giám sát việc vệ sinh các dòng sông. Một trong những mục tiêu chính trong vài năm vừa rồi là phục hồi dòng chảy thông thoáng để hạn chế nguy cơ lũ lụt và làm nguồn nước ngọt, cũng như tạo ra các nguồn nước mới. Sáng kiến này đang cho thấy kết quả tốt. Dudi cho biết: "Chúng tôi vừa gạt ngân sách cao hơn cho giáo dục sang một bên. Tôi nghĩ chúng tôi có thể đạt được mục tiêu Jakarta có nước sạch vào năm 2030".

Gần văn phòng Dudi, mùi rác thải tràn ngập trên kênh lũ phía tây. Trên bờ, chó và dê lục tìm đồ ăn. "Đội quân da cam" của Jakarta - nhân viên của văn phòng môi trường thành phố - đang vớt rác nhựa, lốp xe, vỏ lon, túi rác đầy ra khỏi sông. Công việc khơi thông dòng chảy bắt đầu từ năm 2016. Một công nhân trong số này là Sumarto - người tham gia từ 3 năm trước - bắt đầu thấy nó có sự tiến triển. Anh cho biết: "Trước khi chúng tôi dọn sông, nhiều rác đến mức có thể đá bóng trên đó".

Mặc dù chưa trở lại hiện trạng ban đầu, rong rêu bắt đầu mọc lại và có thể nhìn thấy cá dưới nước. Sumarto cho hay: "Thế giới hoang dã đã trở lại rồi. Bước tiếp theo là trồng lại cây bên sông". Thực vật sẽ thu hút côn trùng và chim, và cây cũng hấp thụ nước và hạn chế lụt bên dòng sông.

Chính quyền Jakarta kêu gọi đắp thêm nhiều mảng xanh lên các tòa nhà thương mại cao tầng ở khu trung tâm, làm theo thiết kế thành phố của Singapore. Giấy phép xây dựng công trình mới được cấp ít hơn và các công trình mới phải tuân theo các yêu cầu mới nhất về sử dụng năng lượng, tái chế rác và nước thải. Cùng lúc đó, nhiều rừng ngập mặn đang trồng lại ở ngoại ô thành phố. Hindarto cho biết: "Việc trồng lại rừng ngập mặn và công viên ở Greater Jakarta đang được tiến hành. Nhưng việc này cần được thực hiện nhanh hơn".

Một báo cáo vào năm 2012 của Ngân hàng Thế giới cảnh báo rằng nhiều trận lũ nghiêm trọng xảy ra thường xuyên hơn ở Jakarta sẽ dẫn đến sự tàn phá nghiêm trọng kinh tế - xã hội ở đây. Trong 2 thập kỷ vừa rồi, các nhà nghiên cứu ở Viện Công nghệ Bandung, Tây Java, đang nghiên cứu sự sụt lún đất ở Jakarta bằng công nghệ radar vệ tinh. Trong thời gian đó, một số phần của thành phố bị chìm khoảng 4 m. Tiếp theo đó sẽ là nhiều phần khác của thành phố bị biển Java nhấn chìm, khiến hàng triệu người phải sơ tán, trong đó có Yayan và khu Kampung Teko.

Công nhân môi trường hớt rác và chất thải ở một dòng sông. 

Trong số các biện pháp được thành phố thực hiện là một dự án được đưa ra để thực hiện triệt để các giải pháp, thay vì là một vấn đề mới. 4.500 giếng đã được đăng ký của thành phố cùng số lượng giếng chưa được đăng ký chưa rõ đang hút cạn nước từ tầng ngập nước là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sụt lún. Trưởng bộ phận nước ngầm và địa chất thành phố, Togas Braini, cho biết ý tưởng chính là xây dụng giếng thấm nông cho phép nước ngấm vào đất, giúp nước mưa thừa và nước lũ làm đầy tầng ngậm nước trở lại. Ông cho biết vào năm 2019 họ đã xây được 1300 giếng. Ý tưởng đang nhận được sự quan tâm của nhiều tổ chức khác ngoài chính phủ.

SMA Negeri 27 Jakarta – một trong khoảng 100 ngôi trường xanh của thành phố, nơi có khoa học và bền vững môi trường nằm trong chương trình học – có 13 giếng thấm trong khuôn viên, kiểm soát ngập lụt nước mưa. Trường cũng cấm sử dụng đồ nhựa dùng một lần và bắt buộc học sinh phải mang bình nước tái sử dụng được đi học. 

Diah Oktavia, học sinh 16 tuổi, đang nóng lòng được trở thành một phần của chiến dịch này. Cô bé cho biết: "Thế hệ trẻ có tư duy khác. Chúng em muốn tái chế, loại bỏ nhựa và thải ra ít CO2 hơn thế hệ lớn tuổi hơn".

Ở Muara Angke - một khu ổ chuột khác ở phía bắc Jakater, đội quân áo cam đang thu rác thải nhựa bằng vợt từ tường bao biển cao 4 m. Bức tường dự kiến dài 20km là công trình bảo vệ bằng bê tông đầu tiên để chống biển Java tràn vào bờ thành phố Jakarta vốn đang chìm 20 cm một năm.

Ở phía bên kia bức tường, đền Waladuna trở thành biểu tượng của thành phố đang chìm. Được xây dựng từ những năm 1980, ngôi đền ngập trong 1 m nước biển khi triều thấp, triều lên, nước dâng lên tận mái đền. Gần đó, những nhà kho và nhà máy chế biến cá bỏ không là lời gợi nhắc đến quá khứ giàu có.

Về phía đông 5 km là khu ở chuột Gedung Pompa. Ita Amaliah, 34 tuổi, nấu ăn cho các khách qua đường. Xe đồ ăn nuôi sống cô cùng chồng và hai đứa con, sống ở lều bên cạnh tường bao. Họ không có ống nước hay giếng và phải mua thùng chứa nước. Ngay cả vậy, tường bao biển mang lại cho cô cảm giác an toàn, ít nhất là vào lúc này. Chính phủ dự định di dời khu ổ chuột này đến một tòa nhà cao tầng mới, nhưng Ita lo sợ cô sẽ không đủ tiền thuê. Cho đến giờ họ vẫn chưa được thông báo họ sẽ được chuyển đi lúc nào và đến đâu, cuộc sống của họ vẫn đang bất động.

Khi Tổng thống Widodo thông báo rằng thủ đô sẽ được chuyển về đảo Borneo, cùng 1,5 triệu dân Jakarta, ông đặt ra nhiều câu hỏi hơn là câu trả lời. Tổng thống vẫn giữ quan điểm rằng muốn san sẻ bớt sự thiếu cân bằng về dân số cũng như công nghiệp bằng cách chuyển thủ đô từ đảo Java – nơi chứa 60% dân số cả nước và 58% GDP – về Kalimantan, nơi có diện tích gấp 4 lần nhưng chỉ chiếm 8% GDP. Điều này cũng giảm bớt áp lực cho Jakarta, nơi dân số tăng 250.000 người mỗi năm cùng mực nước dâng.

Ita đã nghe nói tới kế hoạch tái định cư, nhưng không ai trong khu ổ chuột biết họ sẽ đòi hỏi những gì. Khi những đứa trẻ nhảy xuống biển từ ván gỗ bên cạnh tường, cô tự hỏi liệu kế hoạch của chính phủ có phải là dọn sạch khu ổ chuột để xây dựng các dự án chung cư đắt tiền mới không. Giống Yayan và nhiều người nghèo khác trong thành phố, cô đối mặt với tương lai bất định. Ita nhìn bức tường và nói: "Chúng tôi chỉ muốn kiếm sống ở đây. Nhưng tôi không nghĩ việc đó khả thi khi nước biển dâng thế này. Chúng tôi còn đi đâu được nữa?". 

Indonesia có số ca tử vì nCoV cao nhất khu vực với 280 người, số ca nhiễm là 3.293. Khu ổ chuột giống như "quả bom hẹn giờ" bùng phát Covid-19. 

>>Xem thêm: 
Cuộc sống hỗn loạn ở các khu ổ chuột Ấn Độ sau lệnh phong tỏa
Cư dân khu ổ chuột Bangkok lo kế sinh nhai nếu Covid-19 diễn biến xấu

Huyền Anh (Theo SCMP)