Thứ tư, 4/8/2021, 09:00 (GMT+7)

Thái Thùy Linh trong tâm dịch: 'Chưa bao giờ nhận nhiều lời kêu cứu như vậy'

TP HCMVào TP HCM hoạt động tình nguyện, Thái Thùy Linh chia sẻ, mỗi ngày, chị nhận được hàng trăm tin nhắn kêu cứu.

- Điều gì khiến chị rời Hà Nội, vào tâm dịch TP HCM hoạt động thiện nguyện?

- Ban đầu, ở Hà Nội, tôi cũng âm thầm theo dõi và nắm bắt thông tin về tình hình dịch bệnh ở TP HCM. Tuy nhiên, khi thấy số ca nhiễm Covid-19 ngày càng tăng, tôi sốt ruột, lo lắng vô cùng và cũng lường trước được những diễn biến xấu có thể xảy ra.

Với bản năng của một người muốn sống chậm và đang sống chậm thì từng có lúc tôi nói vui rằng, mong TP HCM ổn hơn để tôi đỡ phải đi, vì đấy là điều tôi không mong muốn. Và rồi, khi TP HCM cán mốc 2.000 ca mắc Covid-19 mỗi ngày, tôi đã rời Hà Nội, vào tâm dịch để làm tình nguyện. Đó là mệnh lệnh, là lương tri, là tình cảm trong tôi, buộc tôi phải lên đường. Một phần bản thân tôi cũng từng là người hoạt động thiện nguyện lâu năm, khi thấy những người kém may mắn mà trong khả năng mình có thể giúp được thì thực sự rất khó để có thể làm ngơ.

Thái Thùy Linh trao quà cho người dân TP HCM.

- Phản ứng của gia đình, bạn bè và hai con khi chị vào tâm dịch?

- Năm 2021, tôi đã cùng gia đình trở về sống trong một khu vườn bình yên ở nông thôn với mong muốn sống chậm lại, cũng như là cách để đối phó với dịch Covid-19 mà chưa biết bao giờ chấm dứt. Bởi vậy, khi biết được tôi chuẩn bị kế hoạch để vào TP HCM, người thân trong nhà cũng như bạn bè đều can ngăn. Vì họ lo lắng rủi ro, nguy hiểm rất cao nếu làm vậy bởi bản thân tôi trước đó cũng chưa được tiêm vaccine.

Con trai út mới 6 tuổi của tôi nghĩ là mẹ chỉ đi vài ngày giống như mọi lần, con cũng chưa bao giờ xa mẹ dài ngày nên chưa có ước lượng, cảm giác về thời gian dài như thế nào. Bạn lớn hơn 12 tuổi, đi học nội trú, cháu cũng quen với việc không có mẹ nên rất tự lập. Từ bé, cháu rất hiểu công việc của mẹ, biết thương mẹ, biết mẹ thường có những chuyến đi dài nên không có trở ngại gì.

Mỗi lần gọi cho con thì tôi đều cố gắng đều vui vẻ, kể chuyện tếu táo cũng như tìm cách khéo léo trả lời câu hỏi 'Bao giờ mẹ về?'. Có điều tôi khá yên tâm vì trước khi đi, tôi cũng có sự chuẩn bị. Các cháu được sống trong khu vườn có nhiều con vật, có khu vui chơi, có cả đại gia đình quây quần như thế các con sẽ vơi đi nỗi nhớ mẹ.

- Chị có lường trước những rủi ro mình gặp phải khi vào tâm dịch?

- Trước khi đi tôi cũng đã phòng trước rủi ro có thể xảy đến, rủi ro lớn nhất là mình trở thành F0. Tôi luôn xác định trước những tình huống xấu nhất để có thể chủ động. Trước tiên, tôi nhờ bác sĩ tư vấn các kiến thức cũng như kỹ năng phòng chống dịch, tự bảo vệ bản thân.

Khi đi, tôi mang theo hai vali bỏ đồ bảo hộ bởi tôi biết trong đấy cũng rất thiếu thốn và tôi không muốn ảnh hưởng tới công tác chống dịch của mọi người.

Để đảm bảo sức khỏe, tôi mang theo những chai mật ong lên men, bổ sung vitamin... Ngoài ra, tôi nhờ bạn chuẩn bị sẵn cho thuốc men trong trường hợp tôi là F. Tôi lường trước được kịch bản y tế quá tải, mình phải tự vượt qua Covid trong khách sạn nên tôi cũng đã chuẩn bị đầy đủ.

Tiếp theo tôi liên hệ chỗ ở là khách sạn - nơi có nhiều bác sĩ ở bệnh viện nhiệt đới TP HCM đang ở. Tôi nghĩ ở nơi có nhiều đội ngũ y bác sĩ chắc chắn ý thức mọi người rất cao và bản thân tôi tự tin có đủ kiến thức cũng như tuân thủ quy định phòng chống dịch để không làm ảnh hưởng đến y bác sĩ. Trường hợp xấu nhất thì cũng sẽ có sự hỗ trợ của các y bác sĩ. Và ở khách sạn như vậy, mình cũng thuận tiện đi lại, không mất thời gian cho việc cá nhân như ăn uống, giặt quần áo... để mình có sức khỏe tốt, dồn hết trí lực cho công việc.

Phút nghỉ mệt của Thái Thùy Linh.

- Công việc cụ thể của chị khi tham gia tình nguyện?

- Chuyến đi lần này có hai mục đích cụ thể rõ ràng. Đầu tiên là dùng uy tín, kinh nghiệm, sức lực của mình để có thể tổ chức một chiến dịch tình nguyện, huy động các nguồn lực, đặc biệt từ miền Bắc để giúp đỡ cho người dân miền Nam cụ thể là ở TP HCM.

Những ngày ở miền Bắc tôi thấy mọi người rất quan tâm, bày tỏ mong muốn giúp đỡ bà con ở miền Nam nhưng không biết giúp đỡ bằng cách nào vì mọi người ở rất xa và không phải ai cũng biết chính xác trong này có nhóm thiện nguyện nào đang hoạt động. Khi vào đây, tôi xác định tôi là cầu nối đặc biệt cho những người miền Bắc những người ở xa, những người từng ngồi và dõi theo miền Nam một cách bất lực giống như tôi thì sẽ có nơi để gửi tấm lòng của mình đến với bà con.

Mục tiêu thứ hai, với những kinh nghiệm của mình, tôi mong muốn có thể tìm ra những giải pháp cho những chương trình thiện nguyện đạt hiệu quả và an toàn. Cá nhân tôi thấy một số hoạt động tình nguyện trong này chưa ổn, có nhiều rủi ro. Tôi muốn giúp đỡ một số nhóm thiện nguyện trong cách tổ chức để có thể có hiệu quả cao nhất. Đến bây giờ cả hai mục tiêu đều có kết quả khả thi.

Cụ thể, chiến dịch 'Người Việt thương nhau' mà tôi phát động mới được 11 ngày nhưng được sự quan tâm rất lớn từ cộng đồng, số tiền ủng hộ lên đến khoảng gần 1 tỷ đồng. Trong đó, tôi cũng đã chi hơn một nửa cho việc mua lương thực, thực phẩm làm thành các phần quà cho bà con cầm cự. Đến nay, tôi cùng nhóm đã chuyển thành công 7.000 phần quà đến các hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn TP HCM. Mọi trường hợp chúng tôi trao tặng đều được xác minh thông tin chính xác, cụ thể và cũng để tránh trường hợp người được nhận nhiều lần, người không có gì.

- Chị kết nối với chính quyền thành phố thế nào?

- Tôi vừa nhận lời mời từ Thành đoàn TP HCM. Chúng tôi sẽ trao đổi thêm về việc áp dụng mô hình của chiến dịch này rộng rãi và hiệu quả hơn trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố. Đây cũng là nguyện vọng của tôi ngay từ đầu.

Qua đây, tôi cũng mong thành phố nhận sự góp sức từ lực lượng tình nguyện viên. Tôi với hơn 10 năm hoạt động thiện nguyện chuyên nghiệp, sẵn sàng đứng ra kêu gọi, tuyển dụng và huấn luyện tình nguyện viên sát cánh cùng chính quyền.

- Việc TP HCM áp dụng Chỉ thị 16 gây khó khăn thế nào cho chị khi thực hiện công tác thiện nguyện?

- Khi có chỉ thị người dân không ra đường sau 18h, hoạt động của chúng tôi gặp khó khăn và bị hạn chế. Các đội nhóm tình nguyện viên đi lại qua nhiều chốt, nếu không có giấy tờ chứng minh tính cấp thiết sẽ bị giữ phương tiện. Các chuyến xe chở hàng hóa, nông sản từ miền Bắc vào Sài Gòn cũng bị chậm trễ.

- Câu chuyện nào khiến chị cảm động trong quá trình tham gia tình nguyện giữa tâm dịch?

- Tôi chưa bao giờ chứng kiến nhiều hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn như hiện nay. Facebook của tôi một ngày nhận được vài trăm tin nhắn kêu cứu. Trong nhóm 'Người Việt thương nhau' cũng nhận vô vàn thông tin về những gia đình cùng cực, những người mất việc sống lay lắt mấy tháng nay. Có những tin nhắn của các ông bố bà mẹ, cầu cứu được hỗ trợ sữa cho con mấy tuần khát sữa nhưng không có tiền mua.

Mới đây, chúng tôi đã chuyển thành công phần quà đến một nhà có 20 bệnh nhân ung thư sống chung với nhau cả phụ nữ, người già. Họ nương tựa vào nhau để sống nhưng nhiều ngày nay không có rau để nấu, ăn mỗi tinh bột. Khi xác minh thông tin, chúng tôi đề xuất tặng gạo, rau, cá nhưng họ nói chỉ cần rau để nấu, nhường những thứ còn lại cho người cần hơn. Chúng tôi thực sự rất cảm động. Hình ảnh những người phụ nữ đầu trọc hai tay chắp trước ngực, ùa ra nhận đồ khiến tôi thấy hạnh phúc và có thêm nhiều động lực hơn.

- Việc đầu tiên chị muốn làm sau khi TP HCM dập dịch thành công?

- Tôi sẽ quay trở lại khách sạn, nơi đã cưu mang tôi những ngày tôi ở đây để giúp đỡ bà con. Tôi muốn mở cửa sổ từ căn phòng đó, nghe tiếng chim hót, tiếng xe cộ, tiếng người dân nói chuyện thậm chí là tiếng giao hàng. Tôi muốn nghe lại những thanh âm quen thuộc của cuộc sống, những hình ảnh mà những ngày nay chỉ là một sự vắng lặng, thỉnh thoảng văng vẳng tiếng còi cứu thương.

Sài Gòn đã ốm khá nặng, tôi mong sớm đến ngày Sài Gòn khỏe lại. Chắc chắn tôi sẽ chạy xe đi qua bến Bạch Đằng, qua chợ Bến Thành, qua dinh Độc Lập, để lại nhìn thấy cảnh nhộn nhịp ở Sài Gòn. Chắc chắn tôi sẽ ngồi trên vỉa hè Sài Gòn, nhấm nháp một ly cà phê và mỉm cười vì mọi thứ đã qua.

Xem thêm:

- H'Hen Niê: 'Tôi quen tập tạ nặng nên không ngại bốc vác khi đi từ thiện'
- Hoàng Phi Kha bị mắng té tát vì mua nhầm đồ khi đi siêu thị giúp dân giữa dịch
- Mâu Thủy: 'Tôi học được tính kiên nhẫn khi làm tình nguyện viên giữa dịch'

Thanh Nga